Đọc “Chuyện nghề của Thủy”

XUÂN LAN 20/07/2013 19:43

Chuyện nghề của Thủy (*) trước hết, là một câu chuyện chân thực về đạo diễn phim tài liệu (PTL) Trần Văn Thủy đã từng là phóng viên chiến trường trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Bộ PTL đầu tay của ông có nhan đề Những người dân quê tôi được quay ở chiến trường khu 5 khốc liệt. Trần Văn Thủy  lúc ấy mới học bấm máy... 2 lần, được đồng nghiệp Nguyễn Giá chia sẻ phim AgFA hiếm hoi, quay xong ốm thập tử nhất sinh. Đi không nổi nhưng ông vẫn vượt Trường Sơn với nguyên vẹn từng ấy hộp phim négati AgFA color (phim Tây Đức) giao cho Cục Điện ảnh. Lúc bấy giờ, ta chỉ tráng được ORWO thôi (phim Đông Đức). Vậy mà những thước phim tráng hỏng “chớp chớp trắng đen” ấy đã gây ấn tượng đặc biệt cho Ban giám khảo Liên hoan Phim quốc tế Leipzig 1970, đoạt giải Bồ câu Bạc. Sau này, Trần Văn Thủy được Roman Karmen - đạo diễn bậc thầy của điện ảnh Liên Xô đặc biệt yêu quý, truyền nghề trong 5 năm theo học.

Đạo diễn Trần Văn Thủy giới thiệu sách tại Nhà sách Phương nam - Đà Nẵng sáng 15.6.2013.
Đạo diễn Trần Văn Thủy giới thiệu sách tại Nhà sách Phương nam - Đà Nẵng sáng 15.6.2013.

Trần Văn Thủy làm phim rất cẩn thận, không cầu toàn, đi thẳng vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, nói những điều chưa ai nói. Có lẽ, đó là lý do mà Phản bội - bộ PTL hiếm hoi về chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 của Trần Văn Thủy đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc, giải Vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1980. Đặc biệt, trong Chuyện nghề của Thủy, Ts. Lê Văn Dũng và đạo diễn Trần Văn Thủy đề cập tới những chuyện bên lề của 2 PTL nổi tiếng nhất là Hà Nội trong mắt ai (1982) và Chuyện tử tế (1985). Bộ phim Hà Nội trong mắt ai hồi đó được coi là một tiếng sét giữa trời quang. Bộ phim dùng hình ảnh làm ngôn ngữ, phản ánh người thật, nỗi đau thật, ai cũng biết, ai cũng phải công nhận, còn lời bình, lời thuyết minh chỉ mang tính phụ họa thêm mà thôi. Kể ra  thì cái sự thật ấy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, từ nông thôn đến thành thị, ai cũng phải nếm trải, nhưng vẫn bị bóp méo, vẫn bị tô hồng giả tạo. Trần Văn Thủy đã dùng ngay ngôn ngữ hình ảnh để nói lên cái sự thật ấy một cách nhẹ nhàng sâu sắc. Oái ăm thay, bộ phim này đã làm Trần Văn Thủy phải lao đao, điêu đứng suốt một thời gian dài. Người ta đã chen nhau xếp hàng mua vé đi xem chỉ vì nó... bị cấm từ 1982 - 1987). “Chung quy nó nổi tiếng vì sự đa nghi thái quá, mẫn cán thái quá của một số người có chức quyền thời đó” (trang 177).

Thế nhưng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã “giải cứu” Hà nội trong mắt ai và thúc giục tác giả làm tiếp tập 2 - đó chính là  Chuyện tử tế. Trong Chuyện nghề của Thủy, tác giả bày tỏ sự biết ơn chân thành đến những người lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Trần Độ, ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt)... đã có lòng tốt,  giải cứu, thậm chí bảo vệ  Trần Văn Thủy trong những năm tháng gặp nạn đó. Đồng thời, ở tuổi 73, khúc cuối của con đường làm nghề, Trần Văn Thủy nghiệm ra rằng: “Sức lực để che chắn, để đứa con tinh thần của mình được đến bờ đến bến còn mệt mỏi hơn nhiều sức lực để làm ra một bộ phim”. Cuối cùng, ông cũng được đền đáp xứng đáng. Hai bộ phim nói trên sau thời gian lận đận đã được công chiếu rộng rãi cả nước. Hơn thế nữa, Hà Nội trong mắt ai đoạt giải Vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988, giải Biên kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc. Cũng tại Liên hoan phim quốc tế Leizig 1988, Chuyện tử tế đoạt giải Bồ câu Bạc, xem như “Quả bom đến từ Việt Nam” được hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền và chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ...

Cuốn sách hấp dẫn bạn đọc còn bởi những dòng chia sẻ chân tình của Trần Văn Thủy - một người tử tế , một nhân cách tử tế trong cuộc đời đầy sóng gió, hơn thế là một người có niềm tin sâu sắc “Dù Đông Tây kim cổ thì đạo lý, sự Tử tế bao giờ cũng trường tồn, bất biến”. Ông bộc lộ tâm niệm: “trong một xã hội tưởng đầy ắp những dạy bảo, những răn đe, con người vẫn khao khát về lẽ sống, về lẽ phải, chuyện trị nước, yên dân, chuyện hòa hợp hòa giải giữa người Việt với nhau... Toàn chuyện nóng cả, đâu phải tìm kiếm (đề tài) xa xôi gì tận bên Mỹ, bên Tàu?”. Chuyện nghề của Thủy, vì thế, gần cả đời người, cuối cùng Trần Văn Thủy đã trả lời được câu hỏi thuở bé rằng, nếu đi hết biển rồi sẽ tới đâu?: “Đi hết biển sẽ trở về quê hương mình, về làng mình”.

XUÂN LAN
(*) Sách của đồng tác giả Trần Văn Thủy - Lê Thanh Dũng, NXB Hội Nhà văn - 2013.

XUÂN LAN