Bảo vệ phố cổ trước nguy cơ hỏa hoạn

QUANG VIỆT 17/07/2013 08:44

Sau vụ hỏa hoạn vào ngày 9.7 thiêu rụi nhà cổ số 134 đường Trần Phú, phường Minh An, công tác phòng, chống hỏa hoạn tại khu phố cổ Hội An được chú trọng hơn bao giờ hết.

Đường phố chật hẹp, khi lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp cận được hiện trường, lửa đã thiêu rụi căn nhà số 134 Trần Phú.  Ảnh: Q.HẢI
Đường phố chật hẹp, khi lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp cận được hiện trường, lửa đã thiêu rụi căn nhà số 134 Trần Phú. Ảnh: Q.HẢI

Dễ cháy, khó cứu

Thời gian qua, chính quyền TP.Hội An đã luôn đề phòng và kiểm soát gắt gao công tác phòng, chống cháy nổ, đồng thời trang bị các phương tiện phòng bị, ứng cứu. Theo quy định chung về hoạt động kinh doanh trong khu phố cổ của thành phố, mỗi hộ kinh doanh phải trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, bố trí các mặt hàng ngăn nắp, tạo lối đi dễ dàng cho việc ứng cứu khi không may xảy ra sự cố. UBND TP.Hội An cũng đã đầu tư xây dựng bể chứa nước dự trữ tại khu vực chợ Hội An và lắp đặt hệ thống ống nước ngầm phục vụ chữa cháy... Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy vẫn luôn rình rập, mỗi khi cháy là nhà nhanh chóng bị “thiêu rụi”. Khu phố cổ Hội An có hơn 1.000 di tích, nhà cổ được cấu kiện bằng gỗ và phân bố dày đặc. Trong khi đó, các địa điểm di tích, nhà cổ chủ yếu được chủ sở hữu sử dụng hoặc cho thuê sử dụng vào hoạt động kinh doanh, bán hàng lưu niệm với các mặt hàng dễ cháy như lồng đèn, vải, tranh...

Như báo Quảng Nam đã thông tin, sáng 9.7, xảy ra vụ cháy tại căn nhà cổ số 134 đường Trần Phú (nằm trong khu vực I - khu vực bảo vệ nghiêm ngặt) ở phố cổ Hội An. Căn nhà cổ có 2 tầng, thuộc di tích loại 2, do bà Trần Thị Diễm Chi (hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh) sở hữu và cho ông Lê Viết Đức thuê làm nơi kinh doanh vải, áo quần may sẵn. Vụ cháy đã thiêu rụi hoàn toàn hàng hóa trong ngôi nhà, ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An, khu phố cổ hiện có 1.068 nhà cổ (trong tổng số 1.360 di tích) được xây dựng từ rất lâu, chủ yếu làm bằng gỗ nên có hiện tượng mối mọt. Nếu không may, chỉ gặp đốm lửa như tàn nhang hay tàn thuốc đã có thể gây cháy. Đường vào khu phố cổ rất hẹp (3,5m) nên xe cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường, mất nhiều thời gian mới đến được điểm cháy để ứng cứu. Đặc biệt, nhà trong khu phố cổ nối liền nhau nên nguy cơ cháy lan thiêu rụi nhiều ngôi nhà cùng lúc là điều có thể xảy ra. Trong vụ cháy nhà số 134 Trần Phú, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khu vực bắc Quảng Nam (trụ sở cách khu phố cổ 5km) đã điều 4 xe cứu hỏa cùng 30 chiến sĩ đến hiện trường. Tuy nhiên, đến khi tiếp cận được đám cháy, lực lượng chữa cháy cũng chỉ khống chế, không cho cháy lan chứ không còn cơ hội “cứu” căn nhà. Do đó, để có thể kịp thời ứng cứu sự cố cháy, TP.Hội An đề xuất thành lập tổ phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp tại chỗ ở Hội An.

Phòng & chống

Trong lịch sử, phố cổ Hội An cũng đã từng xảy ra một số trận hỏa hoạn, trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ cháy lớn vào ngày 16 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1866). Trận hỏa hoạn này đã thiêu rụi 28 căn nhà, làm 1 người chết.

Ông Võ Đăng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, phòng, chống cháy nổ luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An. Bởi vậy, ngay sau khi sự cố xảy ra, công tác phòng, chống cháy càng được siết chặt hơn bao giờ hết. Việc tuyên truyền phòng, chống cháy nổ đã phổ biến liên tục trong thời gian qua nay càng được tuyên truyền sâu rộng trên toàn địa bàn thành phố. “Công tác kiểm tra các điều kiện kinh doanh gắn với phòng, chống cháy nổ sẽ được liên kết chặt chẽ, đồng bộ hơn. Việc kiểm tra cũng sẽ được tiến hành với “tần suất” dày hơn. Hiện nay, nhiều ngôi nhà tại khu phố cổ được cho thuê kinh doanh, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số chủ cửa hàng đã không thường xuyên có mặt tại địa điểm sử dụng. Như vụ cháy vừa rồi, thời điểm xảy ra cháy, nhiều gia đình xung quanh đã phát hiện và báo cháy chứ ông Đức (Lê Viết Đức - người thuê nhà số 134 để kinh doanh) không hề hay biết” - ông Phong nói. Vì thế, theo ông Phong, trong thời gian đến, có thể thành phố sẽ xem xét ban hành quy định về sự luôn có mặt, chịu trách nhiệm sự an toàn của ngôi nhà đối với người thuê kinh doanh.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, dự kiến trong tuần này, thành phố sẽ tổ chức cuộc họp với sự chủ trì của UBND thành phố cùng sự tham gia đầy đủ đại diện các ban, ngành liên quan để nhìn lại công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời, đề ra và thống nhất các phương án khả thi để bảo vệ “vùng lõi” phố cổ Hội An trước nguy cơ hỏa hoạn. Về lâu dài, TP.Hội An cũng tiến hành đánh giá thực trạng khu phố cổ với công tác phòng, chống cháy nổ để từ đó có các phương án khống chế hỏa hoạn phù hợp, vừa đảm bảo tính khoa học, kỹ thuật, phù hợp với các tiêu chuẩn quy định phòng, chống cháy nổ của Nhà nước đồng thời đảm bảo tính mỹ thuật, hòa hợp với diện mạo, đặc điểm kiến trúc của phố cổ. Theo đó, một công trình có quy mô lớn, bao hàm việc báo cháy tự động, chữa cháy tại chỗ đã được thành phố thông qua và sẽ được hiện thực hóa trong thời gian đến.

QUANG VIỆT

QUANG VIỆT