Bước ra từ rừng
Chỉ một lần đặt chân đến các bản làng phía tây Quảng Nam, nhưng chuyến đi ấy, ngang qua những ngôi làng dọc dải Trường Sơn, chúng tôi mới thấm thía rằng, những câu chuyện ở rừng, luôn có sức cuốn hút kỳ lạ…
1. Rừng - với người miền núi, là linh hồn, là sự sống. Người dân miền núi sẽ không sống nổi, nếu rừng ngày một vơi cạn đi. Họ sống với rừng, không đơn giản chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn có cả văn hóa, tập tục thiêng liêng. Con người bước ra từ cánh rừng và nghệ thuật cũng sinh ra từ đó. Chăm chú nghe một già làng kể chuyện rừng, đặt hết cảm xúc vào giọng kể khề khà mới thấy nhiều khi, “sử thi” không ở đâu xa. Nó khởi sự từ rừng, biến hóa dựa vào rừng, và rừng cũng là nơi lưu giữ tất thảy những câu chuyện ấy. Bây giờ làng Bhơ Hôồng thiếu đi một người “kể chuyện trăm năm” Bríu Prăm - “bảo tàng sống” của người Cơ Tu xứ này. Ngày trước, Bríu Prăm khoe với chúng tôi từng đường nét chạm khắc trên trính gươl, kể về huyền thoại từng loại hình thể, và mắt đau đáu nhìn vào nó, như sợ sau này những khung hình này sẽ từng ngày biến mất.
Trẻ em ở gươl. Ảnh: S.ANH |
2. Chỉ trong một chuyến đi ngẫu hứng, dừng ở bất cứ ngôi làng nào dọc dải Trường Sơn đoạn qua Quảng Nam, vậy mà chúng tôi cứ hết từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác. Cuộc sống của đồng bào Cơ Tu hồn nhiên và đầm ấm tựa như lâu lắm rồi chúng tôi không hề thấy tình làng này ở dưới xuôi. Dọc cung đường Trường Sơn huyền thoại, bóng dáng những ngôi làng thấp thoáng xa xa. Cách chừng 5km, đã thấy mái gươl vút lên trên nền trời xanh thẫm. Thật ra thì đồng bào dựng gươl không cao lắm, nhưng vì giữa núi non trập trùng, đang trong trạng thái bơ vơ giữa trời đất vô tận, thèm lắm một mái nhà. Vậy nên bất giác ngóng mắt về phía xa, bắt gặp hình ảnh một mái lá ở cái khoảng không gian mênh mông, bạn sẽ thấy ấm lòng. Ghé thôn Adinh 3 - tuy thuộc thị trấn P’rao (Đông Giang) nhưng khoảng cách địa lý và nhịp sống khác hẳn. Ở đây, trước nhà là cung đường, sau lưng là rừng. Làng cũ của người Cơ Tu nằm tít trong rừng sâu, mấy năm sau nhà nước làm đường, dời cả làng ra định cư sát mé đường Trường Sơn này. Cả làng vẫn còn giữ rẫy ở làng cũ.
Tượng nhà mồ của người Cơ Tu. |
Già làng Zơrâm Đơ Hiếc bảo: “Thanh niên làng này ngoan, cả làng kéo gỗ về dựng gươl đó. Già chỉ dạy chúng nó cách chạm khắc thôi”. Trong gươl, có bếp lửa, còn có cả tivi. Trẻ con tụ tập xem truyền hình, có khi đốt lửa ngồi nhìn đàn ông uống rượu. Gươl là sản phẩm văn hóa gắn chặt với đời sống của người Cơ Tu. Nó là sự hội tụ tinh hoa của văn hóa làng. Một gươl được dựng lên, tức là một trái tim của cộng đồng làng bắt đầu nhịp đập. Sự sống từ đó mà sinh sôi. Nếu không tự tay dựng gươl bằng gỗ rừng nơi làng đã từng sinh sống, người Cơ Tu sẽ không sinh hoạt ở đó. Đấy là sự thật. Gươl với người Cơ Tu là một thực thể sống. Chỗ nào cũng nồng gắt hơi người, liếp vách, cột kèo, xà nhà… đều ám khói. Dù cũ sờn, họ vẫn muốn ở đó sinh hoạt. Làng tái định cư nào cũng có một nhà làng, tuy nhiên, những nhà làng ấy lạnh ngắt. Có một câu chuyện khiến chúng tôi trầm ngâm trên chặng hành trình của mình. Ấy là những cư dân Cơ Tu đang sống ở làng thanh niên lập nghiệp A Sờ (xã Ma Cooih, Đông Giang) cứ đòi trở về làng cũ của mình ở rừng Cutchrun…
3. Đến với các bản làng vùng cao thấy đồng bào dân tộc thiểu số ứng xử với rừng gắn với văn hóa truyền thống của họ, chúng tôi nhận ra một triết lý sống vô cùng sâu sắc. Những cánh rừng già vẫn sừng sững. Sự sống vĩnh hằng vẫn tươi tắn. Trên cung đường đầy mây trắng, chúng tôi đôi lần phải dừng lại bên những ngôi nhà mồ nằm vệ đường. Có khá nhiều tượng điêu khắc gỗ nằm im lìm trong những căn nhà mồ. Mỗi bức tượng mang một dáng hình khác nhau. Nó biểu tượng cho sự sống khi còn ở cõi trần. Và còn là sản phẩm của một tín ngưỡng thiêng liêng, với quan niệm, người chết cũng có đời sống riêng, cũng có làng, có sinh hoạt như khi còn sống. Nhưng cũng lạ, chăm chút là vậy, nhưng sau lễ bỏ mả, mọi thứ như chìm vào quên lãng. Tất cả những gì chúng tôi biết được đều từ câu chuyện kể bên bếp lửa của già làng Y Kông (thôn Tống Cói, xã Ba, Đông Giang).
Bây giờ những ngôi làng dọc dải Trường Sơn, dù ít nhiều đã có sự pha trộn văn hóa của người miền xuôi, vốn cũ đã nhạt dần, nhưng đời sống tâm linh của người vùng cao vẫn còn khi còn rừng; khi tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn không thôi giục giã, khi “vũ điệu dâng trời” vẫn được thế hệ trẻ gìn giữ phát huy. Đó là đời sống văn hóa của người vùng cao, bước ra từ rừng, mang linh hồn và sự sống của những cánh rừng bất tận...
SONG ANH