Những "hạt nhân" văn nghệ...
Nói đến phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng, không thể không nhắc tới sự góp mặt của những gia đình tài tử, những hạt nhân gây dựng phong trào cơ sở, những con người cả đời nhiệt huyết góp phần không nhỏ trong việc bảo lưu các giá trị văn hóa - văn nghệ của dân tộc.
Cần nhân rộng mô hình hoạt động của những CLB văn hóa - văn nghệ quần chúng. Ảnh: H. KHÁNH |
Gia đình tài tử
Hơn 30 năm qua, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng huyện Điện Bàn có sự góp mặt của 6 anh em Trần Khánh (thôn Thanh An, Điện Hồng). Nhiều người dành tặng cho họ cái tên trìu mến “gia đình văn nghệ” hay “gia đình tài tử”, bởi chưa bao giờ những thành viên trong gia đình anh vắng mặt trong các buổi biểu diễn văn nghệ của thôn, xã. Ảnh hưởng từ người cha quá cố - ông Trần Diễn, diễn viên thơ kịch nổi tiếng một thời, 6 anh em Trần Khánh ai cũng có dòng máu văn nghệ trong người. Anh Khánh bén duyên cầm ca từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1975, quê hương giải phóng anh tham gia vào đội thông tin văn hóa xã. Năm 1977, vào quân ngũ, anh được phiên chế vào Đội văn nghệ Sư đoàn B33 đóng quân tại Đắk Lắk. Xuất ngũ, anh tiếp tục tham gia vào đội thông tin lưu động của xã, rồi của huyện. Với khả năng sáng tác, hát dân ca và chơi được các loại đàn như ghi ta phím lõm, đàn điện, đàn thùng… anh Khánh là chủ lực trong những buổi đàn hát dân ca thôn xóm, là gương mặt đại diện cho xã tranh tài tại các liên hoan văn nghệ của huyện, của tỉnh.
Không đa tài như anh trai nhưng Trần Thị Hoa và Trần Thị Lan lại sở hữu giọng hát dân ca rất mượt mà, là “ca sĩ” không thể thiếu trong đội văn nghệ thôn, xã. Chị Hoa, chị Lan cũng tham gia đội văn nghệ thông tin lưu động xã từ những năm 80 của thế kỷ trước và cũng đạt được nhiều huy chương, giấy khen các loại. Từ “Liên hoan tiếng hát đồng quê” cho đến “Liên hoan nghệ thuật quần chúng”…, không chương trình, hội thi, hội diễn nào vắng mặt anh em nhà anh Khánh. Khi thì 3 anh em hát hò đối đáp tung hứng trên sân khấu, lúc thì anh đàn em hát rộn ràng… Để có những phút giây hết mình với dân ca, anh Khánh, chị Hoa, chị Lan đã phải vượt bao khó khăn trong cuộc sống, nếu thiếu sự chia sẻ, động viên lớn của người thân, họ sẽ khó duy trì được ngọn lửa đam mê. Chị Lan có chồng là anh Hồ Văn Tám cũng là một nhạc công có tiếng trong làng và 2 con anh Tám cũng đam mê âm nhạc, ngoài cậu lớn đang học sư phạm âm nhạc thì cậu út Hồ Trần Quang Vũ học lớp 5 cũng đã sớm giành giải B trong “Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ” của tỉnh. Một thế hệ “nghệ sĩ” mới đang hình thành trong gia đình anh Khánh. Ba đứa con anh Khánh đều bộc lộ niềm đam mê dân ca từ sớm. Đặc biệt, cô con gái út Trần Thị Ái Xuân mới học lớp 11 nhưng đã có “thâm niên” hát dân ca trong nhiều chương trình văn nghệ địa phương với nhiều chủ đề “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Hội nhà nông đua tài”…
“Giữ lửa” phong trào
Hơn 2 năm qua, CLB Dân ca Đại Lộc đã trở thành đốm lửa khơi dậy tình yêu văn nghệ dân gian đối với nhiều thế hệ. Những hạt nhân gây dựng phong trào như Trần Đình Nam, Nguyễn Trung Thành đã là cái tên khá quen thuộc với bà con huyện nhà. Bằng tất cả tâm huyết, Ban Chủ nhiệm CLB đã vận động một số diễn viên một thời của Đoàn dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) gia nhập CLB. Những làn điệu dân ca khu 5, dân ca Quảng Nam, những vở kịch một thời bị quên lãng nay “sống” lại từ những con người giàu nhiệt huyết ấy. Ông Trần Đình Nam khi về hưu, “bén duyên” với văn nghệ quần chúng. Nhân duyên hội tụ, nhờ lưu giữ trong tay kịch bản của 10 vở kịch hay trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cùng với việc dày công sưu tầm những làn điệu dân ca khu 5, dân ca Quảng Nam, ông Nam đã có trong tay 3 tuyển tập với hơn 100 bài dân ca và trên dưới 10 kịch bản. “Để dựng một vở kịch đi biểu diễn là một quá trình công phu. Tuy nhiên, cái khó khăn của CLB không phải ở yếu tố khán giả, diễn viên mà chính là trang thiết bị phục vụ diễn xướng (âm thanh, ánh sáng, đạo cụ…) hầu như chưa đáp ứng nhu cầu. Cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương để phong trào được duy trì đều đặn, khơi gợi tình yêu các giá trị văn hóa - văn nghệ truyền thống nơi thế hệ trẻ” - ông Nam tâm sự.
Những đóng góp của “gia đình tài tử” Trần Khánh, hay các ông Trần Đình Nam, Nguyễn Trung Thành… cho phong trào văn nghệ quần chúng rất đáng quý, cần được nhìn nhận, tôn vinh. Trên mảnh đất Quảng Nam, còn có những con người mà mỗi bản thân họ là mỗi “kho tàng sống” về văn hóa - văn nghệ dân gian. Đó là những cái tên khá quen thuộc: Nguyễn Hải Triều (Đại Lộc), Phùng Tấn Đông (Hội An), Lý Như Sanh (Núi Thành), Xa Văn Hùng (Thăng Bình), Lê Trung Thùy, Nguyễn Quỳnh (Duy Xuyên)… Ông Nguyễn Quỳnh - Chủ tịch Hội bảo trợ tuồng Duy Xuyên vẫn miệt mài kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân đối với Đội tuồng Sông Thu và các CLB tuồng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện, thành viên của hội đã hơn 20 người, những năm qua, bằng nguồn vận động xã hội hóa, hội đã hỗ trợ trang thiết bị, trang phục biểu diễn… cũng như hỗ trợ các diễn viên tuồng cải thiện đời sống, thu nhập để họ có thể duy trì được niềm đam mê tuồng. Họ đã dành tâm huyết cả đời sưu tầm, nghiên cứu, hướng tới bảo tồn các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian trước nguy cơ mai một. Họ là những “con chim đầu đàn”, là hạt nhân góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển vốn văn nghệ truyền thống; giữ lửa và khơi dậy niềm đam mê văn nghệ dân gian nơi thế hệ trẻ…
HOÀNG LIÊN - KHÁNH LINH