Sản vật xứ Quảng qua ca dao
Có thể nói, xứ Quảng là một trong những vùng có sản vật dồi dào nhất nước. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “... xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ... ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông gòn, sáp ong, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá, muối... đều sản xuất ở đấy”. Những sản vật của Quảng Nam đã đi vào văn học dân gian (*) từ xa xưa...
Làng gốm Thanh Hà (Hội An). Ảnh: Bảo Lâm |
Nói đến Quảng Nam, không thể không nhắc đến mì Quảng - món ăn phổ biến, dân dã, nhưng cũng là món quà đãi khách quý của hầu hết gia đình xứ Quảng: “Thương nhau múc bát chè xanh/ Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng”. Mì Quảng cũng vừa được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á. Còn đây, món ăn đạt kỷ lục quốc gia về món ngon Việt Nam - bê thui Cầu Mống: “Ốc bươu An Thái, trâu nái Cát Cao/ Bê thui Cầu Mống, cá bống Hội An/ Mua heo Chợ Vạn, mua búa Chợ Chùa”.
Làng nghề ươm tơ dệt lụa ở Duy Xuyên |
Món ngon, sản vật dồi dào là vậy, nhưng không biết có phải xứ Quảng là vùng quê nghèo hay không mà ngoại trừ thứ sang trọng như yến sào ở Cù Lao Chàm: “Rủ nhau cơm gói ra Hòn/ Muốn ăn được yến phải lòn hang Khô”, phần lớn các món ăn của Quảng Nam từ miền biển đến miền đồng bằng, miền núi đều rất dân dã. “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gửi lên”. Mít non miền núi, cá chuồn miền biển, kết hợp thành tô canh thì hợp như... khăn đóng với áo dài! Còn đây nữa, ẩm thực của của con nhà nghèo một thuở: “Lấy chồng về đất Mỹ Xuyên (Duy Xuyên)/ Bắp rang, canh hến nứt niềng cối xay”. Trong khi đó, Hội An, nơi hội tụ của văn hóa và kinh tế nên ẩm thực đa dạng và có nét riêng biệt. Nói đến Hội An, mọi người sẽ nghĩ đến cao lầu: “Hội An có Hạ uy di/ Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ”.
Bữa tiệc mì Quảng trong một nhà cổ ở Hội An. |
Có lẽ vị trí địa lý, cùng các yếu tố tự nhiên và lịch sử, bên cạnh ẩm thực, các sản vật (khoáng sản, thủy sản, thổ sản, thủ công mỹ nghệ...) khá phong phú. Ví như tơ lụa Chiêm Sơn, Đông Yên, Thi Lai (Duy Xuyên) đã nổi tiếng từ thế kỷ thứ XV, được giới quan lại, quý tộc ngày xưa ưa chuộng, theo chân thương thuyền đi các nước: “Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều/ Buổi mai mắc cửi, buổi chiều tơ giăng”. Tương tự, chuông đồng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn) nổi tiếng, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều” hay “Mẹ ơi đừng mắng con yêu/ Lấy chồng Phước Kiều phải thụt bễ nung”.
Ngược lên Trà My - xứ sở của cao sơn ngọc quế, nghe thơm ngát hương quế: “Quảng Nam sản phẩm muôn ngàn/ Trà My rừng quế, kho vàng Bông Miêu”. Lâm sản là quế Trà My, còn khoáng sản, ngoài vàng Bông Miêu còn có than đá Nông Sơn: “Đá than thì ở Nông Sơn/ Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè”, hay “Nông Sơn than đá thiếu chi/ Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều”. Từ xa xưa, người dân xứ Quảng Nam và cả thương nhân nước ngoài (theo Phủ biên tạp lục) đã biết giá trị của cây quế: “Quế Trà My thứ cay thứ ngọt/ Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh/ Phân du, Bạch chỉ rành rành/ Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới nên”. Nay, quế Trà My vẫn là loại cây trồng đặc sản của đồng bào vùng cao.
Với nông sản, Quảng Nam có nhiều loại, mà theo nghệ nhân dân gian là ngon đặc biệt so với các nơi khác. Nơi nào cũng có khoai lang, nhưng trứ danh có khoai Trà Đõa “Ai về Trà Đõa thì về/ Khoai lang ngọt nước nước chè xanh nặng tình” hay “Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn”. Hoặc nức tiếng thơm ngon, mùi vị đặc trưng không nơi nào sánh được có rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An): “Muốn về Trà Quế trồng rau/ Sợ e gánh nước hai gàu không quen”. Sản vật dưới nước cũng không thua kém thổ sản: “Muốn ăn cá giếc dưới đồng/ Trốn cha, trốn mẹ lấy chồng Thanh Chiêm” (Điện Phương, Điện Bàn)...
Vâng, mỗi địa danh của mảnh đất “chưa mưa đà thấm” này đều có những của ngon vật lạ gắn với mỗi vùng quê. Bài viết này chỉ có thể điểm xuyết một phần rất nhỏ sản vật Quảng Nam.
BẢO LÂM
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Văn học dân gian Quảng Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn biên soạn, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam ấn hành năm 2001.