Tản mạn Bến Tre
Bến Tre xa mà gần. Xa về khoảng cách địa lý, còn gần bởi mảnh đất ấy đã nằm trong tâm thức tự bao giờ. Bắt đầu từ trang sách, lời thơ, câu hát... và rồi một ngày chúng tôi được tắm mình trong ngát xanh bóng dừa, ngọt lòng cây trái...
1. Về Bến Tre tự dưng lòng nhớ cụ Đồ Chiểu - người để lại cho đời những vần thơ nóng hổi, đặc biệt tác phẩm Lục Vân Tiên dài 2.038 câu, nhà thơ tạo dựng được khá nhiều nhân vật điển hình từ lâu đã thấm vào dòng chảy đời sống của dân tộc. Trượng nghĩa có Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực...; tiết hạnh nết na có Kiều Nguyệt Nga...; và ghét cay ghét đắng những cái tên Trịnh Hâm, Bùi Kiệm... Dương Quảng Hàm phê bình trong Quốc văn trích diễm: “Văn chương truyện Lục Vân Tiên bình thường giản dị, dù không có tài điêu luyện như văn chương Truyện Kiều, có giọng réo rắt như Cung oán nhưng cũng chải chuốt thanh tao, cũng là một áng văn hay trong nền quốc âm ta”. Cụ Đồ Chiểu còn có trái tim yêu nước nồng hậu, vằng vặc như ánh sao Khuê. Trong văn tế Trương Công Định cụ viết: “Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi; Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường tớ dại”. Bởi vậy, khi tổng kết toàn bộ tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu, chiếm đỉnh cao vẫn là thơ văn yêu nước. Trong bài Than đạo, cụ Đồ như dốc từ gan ruột một tuyên ngôn đanh thép: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Nhân cách của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, một lòng tận trung với nước tận hiếu với dân, mãi mãi là tấm gương soi sáng muôn đời.
Tác giả trước tượng đài Đồng Khởi.Ảnh: Đ.Q |
Cuộc đời của cụ Đồ trải qua bao phen dông gió, thương đau và mất mát: mẹ chết bất ngờ, bị bội ước và tình phụ, mắt bị mù lòa làm lỡ dở mộng phong vân, nước nhà lần hồi mất dần về tay thực dân Pháp, lãnh tụ kháng chiến, những người bạn chí cốt của ông lần lượt ngã trên chiến trường, sự thất bại của phong trào Cần vương... Nhưng trong ông vẫn nuôi chí hùng tâm: “... Sự đời thà khuất đôi tròng mắt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương” (Ngư tiều vấn đáp). Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Con người Nguyễn Đình Chiểu không phải sống tùy thời theo lục bình trôi theo dòng nước khi lớn khi ròng, mà từ đầu chí cuối đứng sừng sững như cây dừa, rễ ăn sâu, thân đứng thẳng, đương đầu bất khuất với thời cuộc mỗi lúc mỗi thêm bi đát, giữ được đến cuối cùng cái chính khí bản nhiên, cái ý chí quang phục, cái nhân cách Việt Nam”... “Nguyễn Đình Chiểu để lại cho chúng ta một đạo làm người nhất quán yêu nước thương dân, trọng nghĩa khinh tài, trong sạch bất khuất, được đồng bào quý mến, còn kẻ thù thì kính nể”.
2. Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, Bến Tre cũng đã sinh ra những người con mà tên tuổi của họ đã góp phần làm rạng danh nền văn hóa nước nhà. Sương Nguyệt Anh - người con gái của cụ Đồ Chiểu chủ bút tờ Nữ Giới Chung, Lê Hoằng Mưu chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, NSND Lê Long Vân, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Phi Hoành, họa sĩ Lê Văn Đệ, KTS. Huỳnh Tấn Phát, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nữ tướng Nguyễn Thị Định, liệt sĩ Trần Văn Ơn... Bến Tre còn là vùng đất của nhiều danh nhân như: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị... Riêng với nền báo chí quốc ngữ Việt Nam, Trương Vĩnh Ký được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”, người đặt nền móng, bởi chính ông là người sáng lập, là tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên: Gia Định báo. Ông thông thạo 27 thứ tiếng (12 ngôn ngữ phương Tây, 15 ngôn ngữ phương Đông). Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898) ông để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, phiên âm trong đó có hàng chục quyển viết bằng tiếng Pháp. Tôi nhớ vào tháng 12 năm 1972 tại sân trường Trung học Pétrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.Hồ Chí Minh) nhà văn, thầy giáo Nguyễn Xuân Hoàng đọc diễn từ nhân 135 năm ngày sinh của học giả Trương Vĩnh Ký. Trong đó thầy có nhắc việc Pétrus Ký mượn câu cách ngôn La-tinh: Ở với họ mà không theo họ (Sic vos non vobis), để biện minh việc ông nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry. Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp nhưng khi chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi họ là “giặc”. Vào thời đó, đúng ông là người khác thường. Thầy của vua, bạn của quan toàn quyền mà không hống hách kiêu căng, tín đồ Thiên chúa giáo mà không chịu vô dân Tây, không chịu cắt tóc, không mặc Âu phục, không xu thời, không a dua, có quyền lực trong tay mà không vơ vét, không thừa nước đục béo cò... Nỗi lòng của ông đã ký thác trong một bài thơ trước lúc lâm chung, có câu: “Cuốn sổ bình sanh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”. Và trên cửa nhà mồ của ông cũng tạc một câu văn La-tinh, đại ý: “Xin hãy thương xót tôi, hỡi các anh chị là người bạn tôi”.
Nghỉ chân trong vườn chôm chôm ở miệt vườn Tân Quy. |
Tóm lại, đến nay có rất nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà văn đánh giá cao cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký. Theo thiển nghĩ, sâu sắc và ngắn gọn nhất vẫn là lời đúc kết của học giả Nguyễn Văn Tố: Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn.
3. Về Bến Tre là về xứ dừa. Dừa thì có ở nhiều nơi; nhưng với Bến Tre vẫn là đặc trưng. Nhắc đến xứ dừa chắc có lẽ ai cũng biết nhà thơ Lê Anh Xuân - người con của Bến Tre - đã từng gửi niềm thương nỗi nhớ qua bài Dừa ơi! với những câu thơ như chảy từ trong huyết quản: “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi/ Mà lá tươi xanh mãi đến giờ/ Ta nghe gió ngàn xưa đang gọi/ Xao xác lá dừa hay tiếng gươm khua”...
Trần Quốc ngắt một chiếc lá lật đầu nhọn lên trên, anh gọi đấy là phía thượng nguồn của tỉnh. Rồi anh rạch dọc theo sống lá 2 đường ở giữa cộng với 2 đường cạnh mép lá, tức thì Bến Tre “hiện ra” được bao bọc bởi 4 con sông lớn thứ tự từ phải sang trái là các sông Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đồng thời chia Bến Tre thành 3 phần đất màu mỡ là Cù lao An Hóa, Cù lao Bảo, Cù lao Minh. |
Về Bến Tre, tôi ấn tượng khi anh Trần Quốc - phóng viên mảng kinh tế Báo Đồng Khởi giới thiệu khái quát về quê hương của mình. Quốc ngắt một chiếc lá lật đầu nhọn lên trên, anh gọi đấy là phía thượng nguồn của tỉnh. Rồi anh rạch dọc theo sống lá 2 đường ở giữa cộng với 2 đường cạnh mép lá tức thì Bến Tre “hiện ra” được bao bọc bởi 4 con sông lớn thứ tự từ phải sang trái là các sông Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên đồng thời chia Bến Tre thành 3 phần đất màu mỡ là Cù lao An Hóa, Cù lao Bảo, Cù lao Minh. Quốc còn minh họa, trên những gân lá chi chít đó là hệ thống kênh rạch chằng chịt của tỉnh Bến Tre (tổng chiều dài xấp xỉ 6.000km).
Sáng hôm sau, anh Tám - Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi đưa chúng tôi tham quan một miệt vườn thuộc xã Tân Phú. Đến nơi chúng tôi còn được ban lãnh đạo trẻ xã Tân Phú nồng nhiệt tiếp đón. Tuy chưa phải mùa vụ chính (từ mùng 5-5 âm lịch trở lên) nhưng theo các thông tin của Quốc làm chúng tôi yên tâm là người dân ở đây luôn linh hoạt xử lý để cây ra quả trái vụ (nhằm phục vụ du lịch và bán được giá..). Đúng như vậy, bưởi, dừa, sầu riêng... xếp bày hàng hàng trên giá nhất là những bội lớn, giỏ to đựng đầy chôm chôm rực đỏ cả khu vườn. Chúng tôi tản bộ hay thả mình đung đưa trên những chiếc võng mắc sẵn trong vườn chôm chôm mát rượi. Chạy song song dưới hàng cây là những rãnh liên hoàn dẫn nước về tưới cho cây mùa hoa trái sinh sôi...
Chúng tôi về chơi Bến Tre một ngày thật ngắn ngủi. Xa xa văng vẳng lời ca giọng ai tha thiết dịu dàng, chúng tôi như nghe đã từ lâu lắm: “... Mỗi lúc đi xa dừa ơi ta nhớ lắm nghe/ Vườn trái trái xum xuê, biển khơi tôm cá đầy ghe/ Nhớ con sông dài Hàm Luông bến ta quen ghé...”. Vâng, đấy là nỗi nhớ, là khúc ân tình của đất và người Bến Tre. Thầm mong ngày gặp lại!
ĐÌNH QUÂN