Đánh thức một nền văn minh
Ngày hội Văn hóa Chăm là một trong những sự kiện quan trọng trong hành trình Di sản Quảng Nam 2013, diễn ra tại đền tháp Mỹ Sơn. Sự giao thoa của hai nền văn hóa Chăm - Việt, dấu tích của một nền văn minh xưa cũ sẽ được tái hiện. Hồn Chăm thức dậy từ di tích ngàn xưa…
Múa Chăm tại khu đền tháp Mỹ Sơn. |
Lễ hội văn hóa dân gian Chăm chính thức diễn ra vào ngày 22.6 tại khu đền tháp Mỹ Sơn với sự góp mặt của đoàn nghệ thuật Chăm đến từ Ninh Thuận. Các hoạt động được thể hiện đều xuất phát từ cái gốc dân gian nguyên thể của văn hóa Chăm. Từ nghi lễ, nghệ thuật dân gian, trưng bày, ẩm thực đến những tiết mục nghệ thuật trình diễn trên sân khấu đều không thể tách rời cái gốc dân gian trên nền tảng ấy.
Thức dậy từ ngàn xưa
Ba phân đoạn gồm 6 phiến đoạn trong ngày khai mạc văn hóa Chăm sẽ đưa du khách trở về với dấu tích ngàn năm xưa. Trong cái nắng ươm vàng hắt qua những điêu tàn đền tháp, hồn Chămpa trở về, qua dòng Khe Thẻ như con sông thiêng, như tưởng các vị chức sắc cao cấp Basek ngày trước qua sông nhận phong sắc. Ngày hội văn hóa Chăm lần này tại Mỹ Sơn tái hiện khung cảnh vùng đồi núi đền tháp Chămpa mấy nghìn năm trước, cả sự giao thoa của hai nền văn hóa Việt - Chăm từ dòng chảy xanh mượt tằm dâu của con sông Thu Bồn. Trên suốt hành trình đến với không gian đền tháp, du khách, đang trong vai những vị chức sắc cao cấp thời cổ sẽ bắt gặp nhiều thiếu nữ Chăm múa hát đón mừng với các điệu trống, tiếng kèn vang lên trong ngày hội. Trong sắc màu rực rỡ của những điệu múa quạt, múa khăn, tiếng kèn saranai, tiếng trống ghinăng rộn ràng hay tiếng trống paranưng bập bùng… vang lên dưới chân đền tháp như thúc giục người về trung tâm thánh lễ Chăm xưa. Tại đây những vị sư cả, người chủ trì buổi lễ sẽ bắt đầu những nghi thức quan trọng cho lễ mở cửa đền, lễ tẩy trần, tẩy uế đất đai. Không gian Mỹ Sơn trở nên linh thiêng qua các nghi lễ truyền thống tái hiện cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Từ vai trò của một người khách, du khách sẽ trở thành người can dự vào lễ hội, hòa mình vào các sinh hoạt cộng đồng với các nghi thức như lễ dâng nước, tắm tượng…
Ngay tại mô hình nhà lễ nâng cao, nới rộng của người Chăm, chính người Chăm sẽ chào mừng quý khách bằng âm nhạc, điệu múa, lời ca được sáng tạo trên nền tảng dân gian trước khi du khách sang tháp G, nơi chính thức diễn ra nghi lễ truyền thống, nghệ thuật nguyên thể người Chăm. Sau rất nhiều thế kỷ lụn tàn, tháp G đã được phục dựng và chính thức mở cửa trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Ông Nguyễn Công Hường - Giám đốc Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn cho biết: “Trong suốt thời gian diễn ra Festival Di sản Quảng Nam, Mỹ Sơn sẽ mở cửa tự do phục vụ khách đến tham quan và chiêm ngưỡng những giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo của khu di tích này”
Giao thoa Việt - Chăm
Theo Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn, với kinh nghiệm của những lần tổ chức lễ hội được diễn ra từ năm 2003 đến nay, trước đây việc tổ chức lễ hội tại khu vực đền tháp chủ yếu phục vụ cho giới truyền thông, quan khách. Chính vì thế, người dân ít có cơ hội tham gia tích cực vào lễ hội, làm cho không gian văn hóa lễ hội không lôi kéo được cộng đồng. Năm nay, Ban tổ chức chú trọng đến không gian lễ hội, mở rộng cho người dân đến với phần hội. Do vậy, lễ hội sẽ mở cửa tự do phục vụ người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa. Du khách và người dân sẽ có dịp hòa mình vào không gian huyền ảo Mỹ Sơn, thưởng thức những điệu múa của các vũ nữ thoát ra từ hồn đá giữa đêm hội đầy sắc liêu trai, huyền hoặc.
Ngày hội Văn hóa Chăm cũng là ngày khánh thành phục dựng tháp G trong quần thể di tích tháp Chăm tại Mỹ Sơn. Từ Ninh Thuận, các vị chức sắc Bà la môn Chăm cũng góp mặt trong các nghi thức mở cửa tháp thiêng cùng các trích đoạn nghi lễ khác, bày tỏ sự vui mừng của người Chăm và các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Công Hường cho biết: “Trong những ngày diễn ra festival, không gian lễ hội được mở rộng đến cộng đồng địa phương trên địa bàn huyện Duy Xuyên, kéo du khách đến với Làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, Làng du lịch Homestay Mỹ Sơn, tham gia các hoạt động du lịch như đạp xe tham quan làng quê, tìm hiểu di tích lịch sử tại địa phương, du lịch thám hiểm rừng Mỹ Sơn…”.
Cuộc sống sinh hoạt tín ngưỡng, tập tục cũng như những nét đẹp văn hóa dân gian, sự giao thoa văn hóa của cộng đồng hai dân tộcViệt - Chăm được chính các diễn viên Chăm và người dân cùng tái hiện. Không thể thiếu tiếng kèn sanarai, hội trống palay, tất cả đều tự do lên tiếng với các cặp trống ghinăng và người lẫn cảnh cùng hòa vào nhịp hội cầu cho quốc thái dân an.
TÂM AN