Sứ mệnh tâm điểm lịch sử - văn hóa

CÔNG TÚ 20/06/2013 09:53

(QNO) - Sau gần 3 năm trùng tu tôn tạo, tối ngày 17.6, Bảo tàng Điện Bàn đã chính thức hoạt động trở lại, tiếp tục thực hiện sứ mệnh giữ gìn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương.

Cắt băng khánh thành Bảo tàng Điện Bàn.
Cắt băng khánh thành Bảo tàng Điện Bàn.

Tiếp tục sứ mệnh

Tọa lạc tại vùng đất Thành tỉnh Quảng Nam xưa, Bảo tàng Điện Bàn được Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại mỹ thuật Đà Nẵng II trùng tu, tôn tạo trên diện tích xây dựng 1.200m2 với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng. Bên trong bảo tàng là các không gian trưng bày hơn 1.500 hiện vật, bao gồm Phòng Lịch sử - văn hóa và 5 phòng chuyên đề: Văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, Tuồng truyền thống, Điện Bàn trên đường phát triển, Bộ sưu tập đèn dầu cổ của Việt Nam. Nhân buổi lễ khánh thành, Bảo tàng Điện Bàn đã tiếp nhận các hiện vật do các ông: Huỳnh Trương Phát (ống ngoáy trầu của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ), Phạm Quốc Huy (quyển nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Hữu Trịnh, quê xã Điện Hòa), Phạm Chí Hòa (tượng đồng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tứ (Mười Khôi)), Lê Công Chiêm (bộ đèn dầu cổ) sưu tập và trao tặng. Đại diện đơn vị thiết kế và thi công công trình, họa sĩ Đinh Gia Thắng cũng đã trao tặng vật phẩm cho Bảo tàng Điện Bàn. Bảo tàng được Liên đoàn Lao động tỉnh chọn là công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ngày 29.3.1978, toàn thể cán bộ và nhân dân trong huyện đã đặt viên gạch đầu tiên khởi công xây dựng công trình Bảo tàng Điện Bàn trên khu vực Hoàng Cung của Thành tỉnh La Qua. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức sau ngày quê hương hoàn toàn thống nhất. Bốn năm sau, Bảo tàng Điện Bàn chính thức được đưa vào sử dụng, trở thành bảo tàng cấp huyện sớm nhất của Quảng Nam cũng như cả nước.

Qua quá trình hoạt động, bảo tàng trở thành tâm điểm về giữ gìn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử của huyện nhà. Công tác sưu tầm hiện vật đạt nhiều kết quả với việc bổ sung những hình ảnh, hiện vật quý làm phong phú thêm các nội dung trưng bày. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Điện Bàn, ngoài các nội dung của bảo tàng lịch sử cách mạng cấp huyện, Bảo tàng Điện Bàn còn phối hợp khai quật, sưu tầm được nhiều hiện vật quý trên vùng đất quê hương như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, sự giao lưu buôn bán với nước ngoài của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong thời Dinh trấn Thanh Chiêm. Và gần đây nhất, bảo tàng đón nhận hơn 500 bộ đèn dầu cổ có giá trị đặc biệt từ phía nhà sưu tập Lê Công Anh Đức, một người con quê hương trao tặng. Với hoạt động của mình, bảo tàng luôn vinh dự được đón nhận sự quan tâm sâu sắc của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước qua các thời kỳ.

Ông Lê Công Chiêm (bên trái) trao tặng tượng trưng bộ đèn dầu cổ.
Ông Lê Công Chiêm (bên trái) trao tặng tượng trưng bộ đèn dầu cổ.

Do ảnh hưởng của thời gian và thiên tai tàn phá, bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng. “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, ngày 20.11.2004, Huyện ủy đã có Chương trình hành động số 21, trong đó nhấn mạnh việc cải tạo, nâng cấp bảo tàng cho tương xứng với tầm vóc và giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất và con người Điện Bàn. Kỳ họp lần thứ 10, HĐND huyện khóa 9, ngày 24.7.2007 ban hành Nghị quyết số 09 về việc mở cuộc vận động nâng cấp Bảo tàng Điện Bàn. Cuộc vận động này nhanh chóng triển khai và được đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện đồng tình hưởng ứng tích cực” - Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Trí Thanh cho biết. Cũng theo ông Lê Trí Thanh, chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc vận động quyên góp hơn 2 tỷ đồng, đó là tiền đề quan trọng để ngày 12.9.2010 Bảo tàng Điện Bàn được khởi công trùng tu, tôn tạo. Và hôm nay, công trình chính thức mở cửa hoạt động trở lại phục vụ nhân dân, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.

Địa chỉ đỏ

Không chỉ là nơi để giới thiệu về hình ảnh của Điện Bàn đến các du khách gần xa, tạo tiền đề chiến lược trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Bảo tàng Điện Bàn còn là địa điểm có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống văn hóa – lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Cho nên, tuổi trẻ Điện Bàn có nhiều cố gắng phát huy giá trị bảo tàng, tổ chức các hoạt động hội trại, văn hóa - văn nghệ, sinh hoạt truyền thống, kết nạp Đoàn - Đội… ngay tại địa điểm nói trên nhân các ngày lễ, tết.

UBND huyện Điện Bàn tặng giấy khen cho các cá nhân có công sưu tầm, trao tặng các hiện vật.
UBND huyện Điện Bàn tặng giấy khen cho các cá nhân có công sưu tầm, trao tặng các hiện vật.

Sau khi huyện nhà mở cuộc vận động nâng cấp bảo tàng, nó nhanh chóng được triển khai trong tổ chức Đoàn - Hội - Đội và được đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi đồng tình ủng hộ. Phong trào “Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi ủng hộ 1 viên gạch xây dựng Bảo tàng Điện Bàn” do Huyện đoàn phát động được thế hệ trẻ hưởng ứng tích cực; đoàn viên thanh niên của khối cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang hăng hái đóng góp 2 ngày lương. Chị Đặng Thị Bảo Trinh - cán bộ Huyện đoàn Điện Bàn vui vẻ bày tỏ, hôm nay đây, nhìn công trình bề thế, uy nghi giữa một khuôn viên tươi đẹp, mỗi người dân Điện Bàn càng tự hào hơn về văn hóa – lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng. Tuổi trẻ huyện nhà càng quá đỗi vui mừng khi có một điểm đến quan trọng nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống cho thế hệ tương lai. Về phần mình, Huyện đoàn Điện Bàn sẽ phát động trong tuổi trẻ các phong trào, hoạt động góp phần bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp vốn có. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, làm cho bảo tàng huyện thực sự là điểm đến thường xuyên của tuổi trẻ.

Một số khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng.
Một số khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin đại chúng đã mang lại những hình thức truyền tin, phổ biến tri thức hết sức nhanh nhạy, tiện ích và hấp dẫn. “Nhưng với vai trò là một thiết chế văn hóa đặc thù, các bảo tàng vẫn không hề suy giảm khả năng đưa lại cho công chúng những thông tin, tri thức chân thực, đáng tin cậy và lý thú từ việc trưng bày hiện vật gốc được sưu tầm vốn thấm đượm và phản ánh sâu sắc trí tuệ, tinh thần và tình cảm của các thế hệ người Việt Nam, của hồn thiêng sông núi và dân tộc” - chị Đặng Thị Bảo Trinh chia sẻ.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ