Nỗ lực cứu nguy di tích
Hàng trăm di tích cấp tỉnh có nguy cơ đổ nát không thể cứu vãn nếu không có sự can thiệp kịp thời của đề án Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh (giai đoạn 2011 - 2020).
Lăng mộ Bà Đoàn Quý Phi (Duy Trinh, Duy Xuyên) trước và sau khi trùng tu. Ảnh: TRUNG TÂM QLBTDT |
Trùng tu cấp thiết
Nằm lặng lẽ trong một rừng thông ca-ri-bê thuộc thôn 1 (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước), di tích Nghĩa trũng Tiên Phú Tây (còn có tên gọi là Nghĩa trũng Nghĩa hội Quảng Nam) giờ đây trở nên quang đãng hẳn sau đợt trùng tu gần đây. Lăng đường được gia cố, cứng hóa bằng xi măng các chi tiết như bệ thờ, nền móng... và quét vôi sạch sẽ. Ngoài ra, Phòng VH-TT huyện Tiên Phước đã cho xây dựng tường rào, cổng ngõ, gắn bia di tích, góp phần tôn vinh di tích Nghĩa trũng Tiên Phú Tây. Ông Nguyễn Quang Cảnh - Trưởng thôn 1 (xã Tiên Mỹ) giải tỏa được nỗi lo canh cánh trước đó vài tháng, lăng đường gần như sập đổ, không có bờ tường để xác định diện tích di tích hay để bảo vệ di tích. “Hằng năm đến ngày 16 tháng 2 (âm lịch), nhân dân chúng tôi làm lễ tảo mộ, thấy cảnh lăng đường cũ kỹ mà xót thương. Giờ thì các nghĩa sĩ yêu nước chắc đã yên lòng an nghỉ” - ông Cảnh nói.
Từ trước năm 2010, dù các địa phương và ngành chức năng đã cấp báo về tình trạng xuống cấp của hàng trăm di tích nhưng tỉnh vẫn chưa có cơ chế tài chính dành cho việc trùng tu, tôn tạo. Trước tình hình đó, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020”. Cuối năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án, đây là cơ sở quan trọng để bố trí nguồn lực tài chính, xây dựng lộ trình cụ thể cho việc tu bổ di tích cấp tỉnh đã xuống cấp. Sau 3 năm triển khai đề án, UBND tỉnh đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo lại các di tích, các huyện, thành phố đã cân đối ngân sách đối ứng kinh phí và huy động các tầng lớp nhân dân đóng góp với số tiền hơn 20 tỷ đồng. |
Đưa chúng tôi thăm đình Hiền Lộc, ông Huỳnh Xứng (75 tuổi, thôn Hiền Lộc, Bình Lãnh, Thăng Bình) cho biết nhân dân trong thôn rất xúc động khi ngôi đình được phục dựng đẹp đẽ khang trang không khác gì đình cũ. “Bốn đời nhà tôi tự nguyện hương khói, chăm sóc đình Hiền Lộc nên bao nhiêu thăng trầm của ngôi đình tôi hiểu rõ hơn ai hết. Chiến tranh, sự bào mòn của mưa nắng đã khiến ngôi đình gần như mất đi vào năm 2003. Nhân dân vùng này đau xót vô cùng khi nơi thờ tự các bậc tiền hiền khai làng lập ấp bị sụp đổ… Nay đình đã được phục dựng đẹp đẽ, xứng tầm rồi. Mà lạ lắm từ ngày phục dựng lại đình mới, cây bàng đã mục rỗng thân ở đình bỗng dưng xanh tốt lại. Mùng 10 tháng 2 âm lịch vừa qua, sau khi đình phục dựng xong, chính quyền xã và bà con nhân dân đã làm lễ nghinh thần, rước sắc ở đình mới”... - ông Xứng kể.
Kinh phí cho việc trùng tu đình Hiền Lộc ngoài nguồn ngân sách tỉnh phân bổ 600 triệu đồng, UBND huyện Thăng Bình đầu tư hơn 800 triệu đồng, khởi công trùng tu từ tháng 3.2012, đến tháng 8.2012 thì hoàn thành. Các di tích Nghĩa trũng Tiên Phú Tây, đình Hiền Lộc là vài điển hình trong danh mục nhiều di tích cấp tỉnh vừa được tu bổ lại trong thời gian qua theo đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020”.
Không làm biến dạng di tích
Nhờ cơ chế hỗ trợ của đề án, hàng chục di tích đổ nát, hư hỏng nặng đã “sống” lại khang trang, đẹp đẽ nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên diện mạo vốn có. Theo ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích tỉnh, quy trình thực hiện công tác trùng tu đã được tiến hành chặt chẽ, khoa học. “Sau khi nhận kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các địa phương tiến hành lập và trình dự án cùng tất cả hồ sơ thiết kế lên Sở VH-TT&DL và Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích tỉnh. Nếu có chi tiết nào không phù hợp chúng tôi yêu cầu chỉnh sửa. UBND các huyện, thành phố chỉ có thể ra quyết định phê duyệt dự án khi có văn bản thỏa thuận của Sở VH-TT&DL để thống nhất phương pháp trùng tu, tôn tạo phù hợp nhất. Ngoài ra, trung tâm cũng cử đoàn xuống kiểm tra trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thành dự án”. Do vậy, trong quá trình thực hiện đề án chưa xảy ra trường hợp nào trùng tu làm biến dạng hay “méo mó” di tích” - ông Cẩm nói.
Việc triển khai đề án cũng đã giải cứu nhiều di tích thuộc sở hữu cá nhân khỏi nguy cơ xuống cấp khi chủ sở hữu không có tiền sửa chữa, tôn tạo. Nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh nép mình trên lưng chừng sườn đồi ở thôn 4 (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) được dẫn vào bằng một ngõ đá nhỏ xinh xắn. Chủ nhân ngôi nhà là ông Nguyễn Đình Hoan (52 tuổi) cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện kể từ ngày ngôi cổ nhà của cha ông để lại được tu sửa. “Trước kia, nhà bị xuống cấp, cha tôi (ông Nguyễn Huỳnh Anh) đã cho thay 2 tầng mái thành 1 tầng mái và thay vách nhà đất bằng đá mặt ngoài tô vôi, xi măng... Qua thời gian, nhiều chi tiết trong ngôi nhà bị hư hỏng, tôi không tìm đâu ra kinh phí để sửa chữa. May mắn là từ tháng 12.2012 đến tháng 3.2013, Nhà nước quan tâm tu sửa, thay mới rui, đòn tay, 2 kèo sau, 3 cột và một số hoa văn bị hư hỏng bằng gỗ mít giống như nguyên bản của ngôi nhà” - ông Hoan cho biết.
Không chỉ riêng các di tích ở Tiên Phước hay Thăng Bình mà nhiều di tích ở các huyện, thành phố khác cũng được tôn tạo, phục dựng xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa của mỗi di tích. Phần mộ các nghĩa sĩ Lương Đình Thự, Trần Thu, Trịnh Uyên, Nguyễn Thược (từng tham gia Việt Nam Quang Phục Hội), trước là mộ đất nằm tản mát ở những nơi heo hút thì nay UBND TP.Tam Kỳ đã đưa về Khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước an táng. Hay ngôi nhà tiến sĩ Trần Văn Dư (Phú Ninh), lăng mộ Bà Đoàn Quý Phi, Mạc Thị Giai (Duy Xuyên) và một loạt đình làng xây dựng từ đời nhà Nguyễn như đình Ái Nghĩa, đình Phiếm Ái, đình Không Chái (Đại Lộc)… cũng đã trùng tu xong.
DOÃN HOÀNG - ĐOÀN ĐẠO