Người “kể chuyện” bằng tem

PHƯƠNG GIANG 09/06/2013 06:05

Một cuộc chơi đòi hỏi không ít công phu, tâm huyết và phải tìm tòi, sáng tạo bằng tất cả đam mê - ông Trần Văn Địch đã tự nhận xét như vậy về thú chơi tem sau hơn 30 năm gắn bó…

Những con tem từ nửa vòng trái đất

Xuất ngũ, hành trang mang theo gồm thư từ của bạn bè, người thân được ông Trần Văn Địch (Giám đốc bưu điện Quảng Nam) trân quý tựa một gia tài. Như một cơ duyên, những con tem ngoài bì thư được lưu giữ cẩn thận bắt đầu hút hồn người lính. Không chỉ bảo quản cẩn thận những con tem, ông bắt đầu sưu tầm tem từ những nguồn “tự túc” xung quanh. Thời ấy, chơi tem với ông chỉ đơn thuần là sự hứng thú với những con tem nhỏ bé nhưng gói ghém trong đó nhiều cảm xúc. “Trong quân ngũ, những bức thư là nguồn sức mạnh vô hình đối với người lính, trong đó có tôi. Tình yêu và cả niềm đam mê với tem khởi nguồn từ những lá thư ngày ấy” - ông chia sẻ.

Ông Trần Văn Địch và bộ sưu tập tem mang tên “Bàn tay”.
Ông Trần Văn Địch và bộ sưu tập tem mang tên “Bàn tay”.

Luân chuyển qua nhiều công việc, đến khi về công tác tại bưu điện tỉnh Quảng Nam, ông có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những cuộc triển lãm tem. Thói quen sưu tập tem cũng công phu và chuyên nghiệp hơn. Theo ông phân tích, để có được một bộ sưu tập tem, điều cốt yếu không nằm ở số lượng mà là tính liên kết trong cả bộ tem theo từng chủ đề nhất định. “Mỗi con tem đều mang trong mình một giá trị lịch sử, một thông điệp, hoặc một câu chuyện. Sự công phu của thú chơi tem bắt nguồn từ việc truy tìm nguồn gốc, ý nghĩa từ những câu chuyện ấy” - ông lý giải. Một bộ sưu tập tem luôn được giới thiệu bằng những lời dẫn giải ngắn gọn, súc tích bên dưới mỗi bộ, mỗi phần, hoặc mỗi con tem. Chính điều đó trở thành mối liên kết cho những con tem, tạo nên tính nhất quán và ý nghĩa cho bộ sưu tập hoàn chỉnh. Hành trình tạo dựng nên một bộ sưu tập, cũng vì đặc điểm riêng ấy mà lắm kỳ công. Thế nên, trong số hàng chục bộ sưu tập mà ông đã từng sở hữu, dễ hiểu vì sao có những con tem đến từ nửa vòng trái đất.

Tỉ mẩn lật từng trang của bộ sưu tập được ông tâm đắc nhất, bộ tem có tên “Bàn tay”, ông chỉ cho chúng tôi xem từng con tem được mang về từ Venezuela, Cộng hòa Ghana… Ông tâm sự: “Mỗi con tem tôi có được không chỉ là kết quả của một cuộc tìm kiếm, mà còn là mối nhân duyên. Ở thời đại công nghệ, mọi khoảng cách địa lý gần như bị xóa nhòa. Nhưng nếu không có nhân duyên, tôi tin rằng sẽ không có những cuộc hội ngộ của tôi với những con tem trong bộ sưu tập của mình, với những người bạn chơi tem khắp năm châu bốn bể”.

Một trong những con tem nằm trong bộ sưu tập của ông.                     Ảnh: P.Giang
Một trong những con tem nằm trong bộ sưu tập của ông. Ảnh: P.Giang

Nghe tem “kể chuyện”…

Bộ tem mang tên “Bàn tay” từng tham gia triển lãm tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 2008 là bộ sưu tập được ông ưa thích và tâm đắc nhất. Bộ tem có sự hiện diện của rất nhiều con tem đến từ 5 châu lục trên thế giới, nhưng giá trị hơn cả là những câu chuyện đằng sau con tem mà ông Địch có thể kể vanh vách nguồn gốc xuất xứ, hành trình đến với bộ sưu tập của ông. “Chủ đề “Bàn tay” mà tôi lựa chọn xuất phát từ suy ngẫm về hành trình của một đời người. Bàn tay làm nên đặc điểm nhận dạng, làm nên sự tài hoa, làm nên tính nhân văn, cảm xúc của con người. “Bàn tay ta làm nên tất cả”, bằng hình tượng bàn tay tôi mong muốn chuyển tải thật nhiều thông điệp”- ông nói.

Bắt đầu từ ý tưởng, nhưng việc xây dựng nên bộ tem theo ý tưởng mới thực sự là một hành trình gian nan. Ông nhớ như in con tem trở về từ Ghana: “Bắt đầu tìm tòi, lên mạng tham khảo các diễn đàn về tem, tôi liên lạc được với một người chơi tem ở Ghana để ngỏ ý mua lại con tem cho bộ sưu tập của mình. Quá trình giao dịch thành công, trong email trả lời của người bạn ngoại quốc, một câu nói mà tôi còn rất nhớ là con tem chỉ như một chiếc lá, hy vọng khi về đến Việt Nam nó sẽ trở thành một chiếc lá trong một cành cây thật đẹp, thật xanh”. Một lần, vì quá yêu thích con tem của một vị cựu chiến binh nguyên là chiến sĩ Vệ quốc đoàn thời trước, ông Địch đã lặn lội ra tận Hà Nội, tìm đến nhà xin nhượng lại. Cuối cùng, trước lòng chân thành của một vị khách miền Trung, chủ nhà đồng ý “chuyển nhượng” chỉ với… vài hộp sữa được mang đến tặng chứ không đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền nào khác.

Đi qua hơn nửa đời người, ông chia sẻ: “Mỗi con tem đều có một câu chuyện kể của mình. Niềm đam mê sẽ dẫn dắt người chơi tem đi tìm, lắng nghe tem kể. Không chỉ kết nối tình cảm giữa người với người qua những cánh thư, chơi tem cũng tạo nên những mối nhân duyên giữa những người cùng đam mê, chia sẻ niềm vui từ một thú chơi tao nhã”. Theo ông, điều đáng tiếc là giới trẻ hiện nay rất ít người theo đuổi thú chơi tem, phần vì tốn kém, kỳ công, phần vì chơi tem đòi hỏi phải đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu, sưu tầm. Bên cạnh nhiều thú chơi khác, chơi tem - như lời ông nói - không chỉ là cách gắn kết người với người mà còn liên kết những giá trị lịch sử, giáo dục cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ bằng những thông điệp đầy ý nghĩa. Những bộ tem đã được sưu tầm, sau một thời gian ông lại tìm cách chia sẻ để có thể đến với nhiều người có cùng đam mê, cùng sở thích chỉ giữ lại cho mình những bộ tem mà mình tâm đắc nhất. Đó cũng là một thú vui theo ông đến tận bây giờ.

Lần giở lại từng con tem trong bộ sưu tập “Bàn tay”, lắng nghe từng câu chuyện, chợt thấy phảng phất triết lý nhân sinh trong từng con tem: “Ru hời ru hỡi bàn tay/ Trả cho trời đất đám mây phong trần/ Ru hời ru hỡi bàn chân/ Đi qua hết cuộc phong trần thời thôi…”.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG