Bảo tồn nhóm tháp G theo hướng nào?

Khánh Linh 23/05/2013 08:05

Dự án bảo tồn và tu bổ nhóm tháp G qua gần 10 năm triển khai đã dần đi vào những phần việc cuối cùng để mở cửa đón khách tham quan vào tháng 6 này. Bảo tồn gìn giữ nhóm tháp G theo hướng nào sau khi dự án kết thúc nhằm đảm bảo hài hòa giữa việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học và quản lý.

  • Chặng đường dài bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn
  • Cần thêm 500 nghìn USD trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn
  • Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn đối với nhóm tháp G, Mỹ Sơn
Các chuyên gia thực hiện việc tu bổ nhóm tháp G. Ảnh: KHÁNH LINH
Các chuyên gia thực hiện việc tu bổ nhóm tháp G. Ảnh: KHÁNH LINH

Không riêng gì Mỹ Sơn, ở hầu hết các di tích vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích sau tu bổ luôn gặp nhiều ý kiến trái chiều. Tại nhóm tháp G Mỹ Sơn, sau gần 10 năm tiến hành trùng tu, các chuyên gia đến từ Italia và Viện Bảo tồn di tích đã cơ bản cứu vãn được nhóm tháp tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. Ngoài tháp G4 thì các tháp còn lại như G1, G2, G3, G5 đã phần nào lấy lại dáng vẻ ban đầu. Nhiều hạng mục tháp G1 như bậc cấp lên xuống, các mảng tường sụp đổ… đã được tu bổ chắc chắn. Theo KTS. Đặng Khánh Ngọc (Viện Bảo tồn di tích), nhóm tháp G hầu như đã được phục hồi nguyên dạng trong điều kiện có thể và sẵn sàng mở cửa đón khách tham quan. “Thời gian này chúng tôi tiếp tục tu bổ tháp G2 và cải tạo cảnh quan xung quanh, tạo lối lên nhóm tháp để mở cửa đón khách trong dịp Festival di sản sắp tới” - ông Ngọc cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn nhóm tháp G nhất là tháp G1 sau khi dự án kết thúc đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia nghiên cứu. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất dự án bảo tồn Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn giai đoạn 3 vừa diễn ra tại Mỹ Sơn với sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UNESCO và Viện Bảo tồn di tích, điều được quan tâm nhất sau khi dự án kết thúc là ngoài trưng bày hiện vật nhóm tháp G và cải tạo lối đi lên nhóm tháp thì việc xử lý mái che tháp G1 vấp nhiều ý kiến không đồng nhất. Theo các chuyên gia đến từ Italia, nên duy trì mái che  nhằm tránh nước chảy vào lòng tháp tạo nên độ ẩm gây nguy hại cho tháp.

Đồng quan điểm với các chuyên gia về giải pháp mái che, tuy nhiên, theo TS.Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích), nên thiết kế mái che theo kiểu di động với kết cấu là các tấm panel có khung bằng kim loại không gỉ bề mặt là các tấm nhựa thông minh trong suốt hoặc trắng mờ có khả năng xuyên sáng và được gắn với một dây kéo riêng biệt để có thể kéo mở hoặc xếp lại tùy thời tiết. “Tôi nghĩ đây là mái che có kết cấu đơn giản, gọn nhẹ dễ thi công và không tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến vật liệu gốc cũng như không ảnh hưởng đến cảm thụ di tích của du khách” - ông Vinh đề xuất. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả, nên tháo dỡ mái che tháp G1, vì phương pháp duy trì mái che bên cạnh những ưu điểm như hạn chế nước mưa chảy vào lòng tháp thì vẫn có những hạn chế như khả năng thông thoáng, thoát hơi nước mà tháp F1 là một minh chứng. Ngoài ra, việc sử dụng mái che di động cũng khó đảm bảo lâu dài, nhất là vào mùa mưa dông, gió lốc cũng như đảm bảo mỹ quan. “Tháo dỡ toàn bộ mái che G1 trong 3 năm để theo dõi sau đó tùy tình hình thực tế sẽ có hướng xử lý” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả kết luận.

Có thể nhận thấy việc bảo tồn tháp G1 sau khi hoàn thành tu bổ là công việc khó vì đây là lần đầu tiên một nhóm tháp ở Mỹ Sơn được trả lại nguyên vẹn với chính nó, thoát khỏi sự “bao bọc che chắn” của con người. Dù mới chỉ mang tính thăm dò nhưng hy vọng nhóm tháp G, đặc biệt là G1 sẽ thích nghi và đứng vững qua thời gian, khẳng định một giải pháp trùng tu mới, tạo tiền đề cho các dự án trùng tu tôn tạo các tháp Chăm khác trong những năm đến.

Khánh Linh

Khánh Linh