Gần 40 năm đóng vai Bác Hồ
Hình tượng Bác Hồ được nhiều nghệ sĩ như Ngọc Thủy, Đức Trung, Sỹ Hùng, Tiến Hợi… thể hiện thành công. Nhưng phải kể đến nghệ sĩ Văn Tân với khoảng 2.000 lần hóa thân Bác Hồ trên sân khấu kể từ năm 1974, mà lần nào cũng dâng trào cảm xúc.
Năm ngoái, lần đầu về với Quảng Nam, nghệ sĩ Văn Tân được mời “nhập vai” Bác Hồ trên sân khấu trong thời gian ngắn nhân hội thảo quốc gia về văn hóa giao thông có chủ đề “Bác Hồ với ngành giao thông vận tải”. Qua tài nghệ của Văn Tân, từng cử chỉ, nụ cười, cái vẫy tay chào, giọng nói, phong thái, hình dáng… của vị Cha già dân tộc được tái hiện trên sân khấu, khiến khán giả rất xúc động. Sau đó Văn Tân tâm sự, về diễn tại Quảng Nam, dường như ông được đón nhận bằng một tình cảm đặc biệt…
Nghệ sĩ Văn Tân hóa thân vào vai Bác Hồ tại Quảng Nam. Ảnh: T.NGUYÊN |
Không dừng lại ở việc hóa trang, hình dáng bên ngoài mà theo Văn Tân, ngay ở phong thái, giọng nói ấm áp, truyền cảm, vang vọng riêng có của Người cũng phải nghiên cứu, học tập, khổ luyện. Nếu như trước đây, thập niên 1970, ông tự làm tóc, râu và những phục trang, học cách đi đứng, phong thái của Bác để làm sao truyền đạt đúng “thần thái” và đạt hiệu ứng cao nhất. Ông cho biết, 2 lần được gặp Bác đã để lại ấn tượng khó quên, và qua thời gian được đồng nghiệp, bạn bè, công chúng động viên, ủng hộ, tiếp thêm niềm vui, tự tin để tiếp bước trên con đường nghệ thuật.
Nghệ sĩ Văn Tân (trái) và tác giả bài viết. |
Nghệ sĩ Văn Tân đã lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước để diễn chung hay độc diễn về đề tài Bác Hồ. Mỗi lần diễn là một kỷ niệm đẹp. Ông tâm sự, những lần đến với vùng sâu, vùng xa diễn phục vụ đồng bào dân tộc ít người thì không những đón nhận tình cảm thân thiết mà còn được tặng hoa. Thậm chí, có người xúc động đã òa khóc vì “được nhìn thấy Bác”. Những chuyến lưu diễn tại Nam Bộ với chủ đề “Bác Hồ với Dũng sĩ miền Nam” (tại Quân khu IX), “Rước đuốc về nguồn” (tại Củ Chi) thật sự là dấu ấn trong đời hoạt động nghệ thuật của Văn Tân.
Nghệ sĩ Văn Tân (ảnh) sinh năm 1943 tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Trúng tuyển vào Đoàn cải lương Vinh Quang Hà Bắc (cũ), sau đó ông chuyển sang Đoàn ca múa kịch Hà Bắc. Từ năm 1974, ông bắt đầu vai diễn Bác Hồ. Năm 1982, ông học khóa đạo diễn đầu tiên của trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội; năm 1986 làm Phó Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm rồi Phó Hiệu trưởng trường Nghệ thuật Bắc Giang, sau đó là Phó đoàn Chèo Bắc Giang. Năm 1993, ông nghỉ hưu, làm Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1994 đến nay, ông có nhiều dịp đi khắp đất nước để “hóa thân” vai diễn Bác Hồ. |
Vào nghề từ năm 1970, nhưng 4 năm sau Văn Tân mới được giao vai và hóa thân Bác Hồ thành công khi tham gia vở “Một kỷ niệm cao quý”. Kể từ đó, ông “đảm nhận” vai Bác Hồ đến nay. Được đồng nghiệp, bạn bè động viên, ủng hộ, ông tìm hiểu sâu hơn về hoạt động cách mạng của Bác, rồi học hỏi ở các bậc nghệ sĩ đi trước, tìm hiểu ở sách vở… để vào vai diễn tốt nhất. Giờ đây, đã ở tuổi 70, mỗi lúc diễn lại phải hóa trang công phu, đồng thời khổ luyện, kể cả ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân. Nguyên tắc hoạt động nghệ thuật của ông là ngoài việc trau dồi chuyên môn còn phải luôn tìm tòi, nghiên cứu, không tự thỏa mãn với chính mình. Giới nghệ sĩ cho rằng Văn Tân là người cẩn thận, chu đáo và thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Mừng, song ông tự nhủ càng phải cố gắng nhiều hơn, và mỗi lần diễn là một lần có thêm kinh nghiệm.
Theo Văn Tân, để thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ, người nghệ sĩ không chỉ tuân thủ việc hóa trang, phục trang mà từng động tác nhỏ cũng phải chuẩn từ giọng nói, cách đi đứng. Không chỉ giữ gìn hình ảnh đẹp của Bác Hồ trên sân khấu, mà trong cuộc sống đời thường người nghệ sĩ cũng phải học tập gương sáng của Người, sống giản dị, khiêm tốn. Nghệ sĩ Văn Tân tâm niệm: Noi gương Bác sẽ làm tâm hồn mình trong hơn, đẹp hơn…
BÙI MINH PHỤNG