Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài cuối: Văn hóa - động lực phát triển

SONG ANH (thực hiện) 14/05/2013 08:26

Hôm nay 14.5, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)  về văn hóa). Trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ đã đề cập nhiều vấn đề về kết quả thực hiện nghị quyết cũng như những giải pháp trong thời gian tới.

- PV: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về văn hóa đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy đã có những chủ trương, giải pháp nào để đưa nghị quyết vào cuộc sống?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ.

- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ: Xác định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của tỉnh, ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và xây dựng chương trình hành động, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết sát với tình hình thực tế của từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tham mưu xử lý những vấn đề phát sinh và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Nhiều huyện ủy, thành ủy ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng đô thị văn hóa, nếp sống văn minh; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường phổ thông...

Từ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự tích cực vào cuộc của hệ thống chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Việc thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- PV: Thưa đồng chí, quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế luôn tiềm ẩn nguy cơ làm mai một các giá trị văn hóa truyền thống (cả vật thể và phi vật thể). Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, bản sắc văn hóa truyền thống của xứ Quảng đã được gìn giữ và phát huy như thế nào? Đâu là những khó khăn, thách thức đang đặt ra với Quảng Nam hiện nay?

- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ: Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa xứ Quảng, trong những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng gắn phát triển kinh tế với chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, ban hành các cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của tỉnh. Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng; đề án tu bổ di tích cấp tỉnh, khôi phục nhà làng truyền thống, bảo tồn, xây dựng gươl, nhà làng truyền thống miền núi; sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số,… đã góp phần bảo tồn và từng bước phát huy các giá trị truyền thống, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trưng bày, giới thiệu văn hóa Hội An qua ảnh với du khách quốc tế.Ảnh: MINH HẢI
Trưng bày, giới thiệu văn hóa Hội An qua ảnh với du khách quốc tế.Ảnh: MINH HẢI

Quá trình gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa xứ Quảng cũng có những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, mặt trái của nền kinh tế thị trường. Sự xâm nhập mạnh mẽ của các sản phẩm độc hại trực tiếp hoặc qua internet, tư tưởng sùng ngoại, cũng như sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; nạn mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; thiếu rất lớn nguồn kinh phí để trùng tu bảo vệ các di tích, di sản văn hóa... là những nguy cơ, khó khăn, thách thức đối với tỉnh. Cần quyết liệt đấu tranh gìn giữ, phát huy thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống và những nét đặc trưng văn hóa của quê hương xứ Quảng.

- PV: Thưa đồng chí, văn hóa được xác định vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Với chủ trương xây dựng Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Tỉnh ủy sẽ có những chủ trương, giải pháp lớn nào về phát triển văn hóa trong thời gian tới?

- Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ: Trong thời gian đến, cùng với việc tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, cũng phải tập trung huy động các nguồn lực thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển văn hóa tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Phát huy vai trò nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển văn hóa, “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người...”. Trong đó, trọng tâm là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam và văn hóa xứ Quảng. Cụ thể, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp lớn nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể và vai trò tham mưu của các cơ quan, cán bộ làm công tác văn hóa các cấp. Tập trung phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Quảng. Tăng cường việc giới thiệu, quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật về mảnh đất và con người Quảng Nam với các vùng miền trên cả nước và thế giới; đồng thời phải có cách nhìn đúng đắn để tiếp thu tinh hoa văn hóa của các vùng, miền và văn hóa nhân loại; bồi dưỡng và nâng cao khả năng hấp thụ văn hóa tiên tiến cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; khắc phục cho được những tập tục lạc hậu cản trở sự phát triển.

Làng Tà Vàng (Tây Giang) đạt danh hiệu “Làng văn hóa” nhiều năm liền nhờ biết cách vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa.Ảnh: S.ANH
Làng Tà Vàng (Tây Giang) đạt danh hiệu “Làng văn hóa” nhiều năm liền nhờ biết cách vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: S.ANH

Gắn việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Xây dựng con người Quảng Nam có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống gắn với công tác trùng tu, nâng cấp, bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đầu tư xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gắn kết nhiệm vụ phát triển văn hóa với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, nhằm huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp văn hóa. Ưu tiên nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ngành văn hóa là người dân tộc thiểu số.

- PV:  Xin cảm ơn đồng chí!

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ: Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu

Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở; phần lớn các thôn đã xây dựng được nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, nhìn chung, thiết chế văn hóa ở cơ sở vẫn chưa đồng bộ, nhiều nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn, thiếu nhiều trung tâm văn hóa cấp xã. Thư viện, phòng đọc sách cấp huyện, xã còn khó khăn, nghèo nàn. Các khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa - thể thao cho thanh thiếu niên ít được đầu tư. Cần tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch, lộ trình đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa. Đồng thời, quản lý, sử dụng thiết chế phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương, tập quán sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Riêng nhà văn hóa thôn phải được sử dụng đa năng, chứ không phải chỉ để họp nhân dân.

Để nâng cao chất lượng việc bình xét, công nhận gia đình, thôn, khối phố văn hóa, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của xây dựng gia đình, thôn, khối phố văn hóa. Việc bình xét là công việc của dân trên cơ sở các tiêu chuẩn do Nhà nước đề ra. Phải xây dựng các tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng vùng, không chung chung, hình thức, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân.

SONG ANH (thực hiện)

SONG ANH (thực hiện)