Sống lại bả trạo

TRUNG VIỆT 11/05/2013 08:45

 Hát bả trạo trong dịp lễ cầu ngư của cư dân miền biển Quảng Nam chưa bao giờ “chết”, bởi  cứ ra tết là được tái hiện. Nhưng suốt vùng biển dài hơn 100km sao chỉ có vài ba địa phương tổ chức cầu ngư, hát bả trạo, trong khi nhu cầu người dân lẫn tiềm năng về vốn văn hóa biển này đâu có thiếu?

Một người hiện đang rất quan tâm đến hình thức diễn xướng dân gian này là nhạc sĩ Xa Văn Hùng (Phòng VH-TT Thăng Bình). Theo ông Hùng, nhiều địa phương tổ chức hát bả trạo nhưng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ của các cụ già, vì thế thiếu tính chuyên nghiệp, bài bản từ kịch bản đến âm nhạc, đạo cụ, nghi thức, nghi lễ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi bả trạo khởi phát từ cộng đồng, một cách tự phát…

Mấy năm trở loại đây, nhu cầu diễn xướng bả trạo tại các lễ hội cầu ngư phát triển mạnh trở lại. Tuy nhiên, đâu là căn cứ khoa học để phục hồi, làm sống lại bả trạo một cách chuẩn xác, chân thực và sống động? Trả lời câu hỏi này, ông Xa Văn Hùng tiết lộ: “Hiện có 3 địa phương tổ chức khá chuyên nghiệp là Bình Minh (Thăng Bình), Cửa Đại (Hội An) và Tam Hòa (Núi Thành). Trong đó, Bình Minh “chuẩn” hơn cả, từ con người, trang phục, kỹ thuật hô hát đến ca từ, âm nhạc. Tôi có một  kịch bản trong tay, phần lời và  nhạc đã được ký âm; phương thức biểu diễn, trang phục, đạo cụ, nghi thức tiến hành… cũng được viết hoàn chỉnh, có thể nhân rộng”.

Hát bả trạo trong lễ cầu ngư tại An Lương - Duy Hải.Ảnh: TRUNG VIỆT
Hát bả trạo trong lễ cầu ngư tại An Lương - Duy Hải.Ảnh: TRUNG VIỆT
Tính đồng thuận trong bà con ngư dân gắn liền với tín ngưỡng tâm linh đã thành nếp, nên việc nhân rộng, phục hồi các đội hô hát bả trạo là việc không khó khăn mấy. Trở  ngại, nếu có, chính là vấn đề làm sao cho hợp  lòng dân, động viên tính xã hội hóa cao nhưng đừng biến thành “quốc doanh” vô tội vạ.

Trở lại với đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư Quảng Nam” mà ông Xa Văn Hùng tham gia. Trong đó, ông đặt vấn đề kịch bản chương trình  phải đủ 2 phần, gồm Long thần bả trạo ca (tức nghi thức cúng cá ông) và Âm linh bả trạo ca (tức chèo âm linh). Đội hát phải đủ khăn viên, sia (hài), hằn (mỏ), mái dầm âm dương… Ông Hùng cho biết, kiến thức vừa nêu căn cứ vào kết quả điền dã và tài liệu Hán Nôm mua được từ một nghệ nhân. Đó là tài liệu cách đây 130 năm của các ông Trần Phước và Trần Trước, quê gốc An Lương (Duy Hải, Duy Xuyên) nhưng sống ở Cù Lao Chàm (Hội An). Sau đó, ông dịch sang tiếng Việt, nhờ nghệ nhân ở Cửa Đại góp ý, sau đó ghi thành âm nhạc với 14 làn điệu cơ bản trong bả trạo, từ tuồng, kinh Phật đến dân ca. “So sánh với các vùng miền, tôi nhận thấy đây là bản hay nhất  so với những gì đã nghe, đã biết tại các buổi cầu ngư có hát bả trạo tại Tam Hải, Tam Hòa, An Lương… và mang tính nghệ thuật, nhân văn rất cao, ca từ hay. Ca từ trong hát bả trạo tại Tam Hòa, Tam Hải lấy từ Phan Rang,  Phước Hải (Phú Khánh), Bình Định, Lý  Sơn nên có nhiều chỗ chưa đúng với đặc điểm, lối sống của vùng biển và con người Quảng Nam” - ông Xa Văn Hùng nói. Mặc dù chưa rõ những tài liệu trên sẽ được kiểm chứng, đánh giá ra sao, nhưng theo ông Hùng, kịch bản dẫn từ tài liệu này khá hay, trong đó có những câu rất gợi, nhuốm màu hư vô nhưng lại  hiện đại và trong sáng, ví dụ “Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt/ Vạn lý vô vân vạn lý thanh”…

Nghiên cứu, sưu tầm: chưa được coi trọng đúng mức
Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo chủ đề “Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể ở xứ Quảng” do Hội VH-NT phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức hồi cuối năm 2012, liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói chung, trong đó đáng chú ý có các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo như bả trạo.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, cư dân xứ Quảng từ đồng bằng đến miền núi còn bảo lưu nhiều vốn di sản phi vật thể quý giá, là nhân tố quan trọng xác lập bản sắc văn hóa của dân tộc. Văn hóa phi vật thể được xem là linh hồn trong đời sống văn hóa mỗi tộc người, tuy nhiên công tác nghiên cứu, sưu tầm, phát huy giá trị hiện nay còn hạn chế.
Theo Luật Di sản, văn hóa phi vật thể bao gồm tiếng nói, chữ viết; tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học; ngữ văn truyền miệng; diễn xướng dân gian; lối sống, nếp sống; lễ hội; nghề thủ công truyền thống; trang phục; ẩm thực; tri thức văn hóa dân gian…(P.V)

Đời sống tâm linh, nhu cầu văn hóa quay về với yếu  tố truyền thống, yếu tố cộng đồng đang được khuyến khích. Tính đồng thuận trong bà con ngư dân gắn liền với tín ngưỡng tâm linh đã thành nếp, nên việc nhân rộng, phục hồi các đội hô hát bả trạo là việc không khó khăn mấy. Trở  ngại, nếu có, chính là vấn đề làm sao phục hồi loại hình nghệ thuật này cho hợp  lòng dân, động viên tính xã hội hóa cao nhưng đừng biến thành “quốc doanh” vô tội vạ. Bởi thực tế từ múa cồng chiêng đang “phục hồi” mạnh mẽ tại các huyện miền núi cho thấy thực trạng rất lộn xộn khi ai cũng vào đánh được, ăn mặc phản cảm, rượu vào lại nhảy tứ tung… nhưng chẳng thấy ai lên tiếng cảnh báo.

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT