Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài 2: Không dễ lãng quên
Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống dễ bị mai một. Nhưng may thay, sự tiếp biến, va vấp, đụng chạm với nhiều dòng văn hóa lại làm cho văn hóa truyền thống Quảng Nam tiếp tục được khẳng định và phát huy.
|
Hát tuồng - một loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn còn “đất sống” nhờ những câu lạc bộ tuồng tại một số địa phương.Ảnh: SONG ANH |
Từ văn nghệ dân gian...
Nhạc sĩ Dương Trinh - Trưởng phòng VHTT huyện Nam Trà My, người Co duy nhất của Quảng Nam là thành viên của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, từng chia sẻ với người viết về những âm giai trong nhạc của ông. Đó là nguồn cảm hứng từ những đêm hội bên ánh lửa bập bùng của cộng đồng người Co, Xê Đăng, Ca Dong hay Cơ Tu. Chính niềm say sưa trong trẻo của họ đã thúc giục người nhạc sĩ này phải tìm cách giữ lại và truyền cho thế hệ trẻ, bằng cách phát triển những giai điệu truyền thống trở nên gần gũi hơn với đời sống hiện đại. Và khúc tráng ca núi rừng được dựng trên nền giai điệu truyền thống đã cuốn lấy thế hệ trẻ. Âm thanh đàn đá, tiếng vọng của cồng chiêng, hay điệu múa ka-đấu của người con gái mới lớn với trai bản vẫn còn đầy sức hút. Nhạc sĩ Dương Trinh cho biết: “Đối với đồng bào vùng cao, đời sống tinh thần vô cùng quan trọng. Khi đã quây quần bên bếp lửa nhà làng thì không phân biệt giàu nghèo, già trẻ. Những buổi sinh hoạt như vậy là phương cách hiệu quả nhất để giữ văn hóa không bị biến thể và để thế hệ trẻ biết rằng cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Đừng để đánh mất “văn hóa làng” Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc chia sẻ: “Văn hóa người Cơ Tu chính là văn hóa làng, văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương mất đi văn hóa làng, nhà sàn cũng theo đó thay bằng nhiều nhà trệt, mái lá thay bằng tôn, gươl cũng xây dựng theo quy hoạch ra mặt tiền, có khi bị đơn lẻ một ngôi nhà giữa rừng xanh, xa dân cư, xa cuộc sống, làm xong thường bị bỏ trống, gây lãng phí và nhanh hư hại”. Theo ông Bh’riu Liếc, muốn giữ văn hóa làng, điều cần nhất là phải định canh, định cư cho đồng bào, tạo mặt bằng bố trí dân cư theo hướng quần cư, gươl ở giữa, nhà dân xung quanh. “Để làng của các dân tộc ít người ở Quảng Nam “sống, sôi động, đoàn kết và văn hóa”, các thiết chế văn hóa khác cũng phải triển khai đầu tư đồng bộ. Nhất là văn hóa cồng chiêng, lễ hội ăn lúa mới, đâm trâu, phục hồi các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, truyền cho thế hệ trẻ nghệ thuật hát lý, nói lý, múa tâng tung da dá…” - ông Bh’riu Liếc nói. S.A (ghi) |
Ở thượng nguồn Thu Bồn trong những năm gần đây, người dân thường góp tay cùng chính quyền Nông Sơn tổ chức một ngày Lệ Bà đầy ý nghĩa. Duy Xuyên, Điện Bàn, lễ thanh minh năm nào cũng trở thành ngày hội của tộc họ, xóm làng. Ngay tại Thăng Bình, lễ Rước cộ Chợ Được đã trở thành một lễ hội mang tính quy mô, phát xuất từ một lễ tín ngưỡng dân gian. Ông Xa Văn Hùng (Thăng Bình) tâm sự: “Lễ hội là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính tập thể cao. Bởi vậy hôm nay, chúng ta không có lý do gì để thiếu mặn mà với loại hình văn hóa dân gian này”. Bản lĩnh của dân gian chính là biết níu giữ lấy cái hay của ông bà xưa, biết cách biến tấu sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, để văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống không bị bỏ rơi vì lạc hậu.
Nhiều năm trở lại đây, những câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm văn nghệ dân gian xuất hiện khá nhiều ở các địa phương. Từ CLB Bả trạo Bình Minh (Thăng Bình), CLB Kịch dân ca Tam Phước (Phú Ninh), hô hát bài chòi Tam Thăng (Tam Kỳ), các CLB tuồng cổ ở Quế Sơn, Duy Xuyên… mỗi vùng tùy vào bản sắc vùng miền mà tạo nên những sân chơi riêng. Sân chơi này là chất keo kết dính hiện tại và quá khứ, để văn nghệ dân gian không rơi vào cảnh bị quên lãng.
... đến gạn đục khơi trong
Từ sau khi Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ban hành, văn hóa càng khẳng định vị trí của mình và có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Rất nhiều địa phương đã xây dựng hẳn chương trình mục tiêu về xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển. Mỗi vùng miền tùy vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện địa phương… có những chương trình hành động phù hợp. Và một cuộc “phục hưng” trong lĩnh vực văn hóa diễn ra rộng khắp. Từ việc tạo ra những môi trường diễn xướng chuyên nghiệp, không chuyên hay dựng nên những sân chơi với hình thức “hội diễn quần chúng”, vực dậy những làng nghề truyền thống…, những hoạt động này làm cho môi trường văn hóa của Quảng Nam thêm phần sôi động. Tuy nhiên, nếu không “gạn đục khơi trong”, e rằng cuộc “phục hưng” sẽ chỉ tồn tại ở dạng bề nổi và thiếu chiều sâu.
Phục dựng Lễ hội văn hóa người Co (Bắc Trà My). |
Phục dựng lễ hội và khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống không phải là chuyện của riêng thời hiện tại. Đây là phần việc cần sự đầu tư có chiều sâu để văn hóa truyền thống không phải rơi vào cảnh sân khấu hóa. Đã từng có một thời, làng nghề “đỏ lửa” chỉ để phục vụ du lịch, hay lễ hội chỉ ở mức nhàn nhạt, na ná nhau từ đô thị tới miền biển. Do đó, việc trả lễ hội dân gian về cho người dân, đưa người dân làm chủ thể của lễ hội là cách làm hay và sẽ bảo tồn được nguyên vẹn bản sắc. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, so với các địa phương khác, lễ hội tại Quảng Nam mang tính chất lành mạnh, không bị thương mại hóa. Nhà nước cũng không phải chi nhiều cho các hoạt động này, hầu hết địa phương thực hiện theo phương thức xã hội hóa. “Các lễ hội như Quán Thế Âm, Bà Thu Bồn, Long Chu… được các xã làm rất tốt, thuần túy tâm linh và tình cảm. Chính quyền chỉ hỗ trợ bằng các chính sách cởi mở và tạo điều kiện tổ chức lễ hội. Khi người dân tham gia như chủ thể của lễ hội thì việc gìn giữ không gian tâm linh, tín ngưỡng và các phong tục hay là điều không khó” - ông Bích nói.
Nội lực văn hóa của mỗi vùng miền không tự thân đứng vững nếu thiếu sự quan tâm từ chính quyền. Nó cũng sẽ trở thành một dạng văn hóa lai tạp nếu giao hết sứ mệnh gìn giữ bảo tồn cho người dân mà không có sự định hướng từ Nhà nước. Đã sẵn vốn là một kho tàng văn hóa giàu có, người Quảng Nam sẽ tự khắc có cách làm hay để kho tàng này không bao giờ bị quên lãng trong lòng bao thế hệ…
Tái hiện đúng nghĩa, văn hóa sẽ có sức sống lâu bền Mới đây, UBND huyện Bắc Trà My phục dựng Lễ hội văn hóa người Co tại xã Trà Kót. Tất cả đồng bào ở đây đều nghỉ lên nương, cả con cháu học ở xa cũng được ông bà gọi về, chỉ để cùng nhau làm lễ hội. Già làng Trần Văn Hàng (làng Ông Âu) đã rất lâu rồi mới lại được dẫn đầu đoàn người tế lễ đâm trâu. “Bao năm rồi, đồng bào mình hôm nay mới được cái lễ lớn dài 3 ngày với đủ hình thức tế lễ. Ưng cái bụng lắm, đồng bào mình trước đây cũng có làm, nhưng làm tại một số gia đình thôi” - già làng Trần Văn Hành nói. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - bà Huỳnh Thị Thùy Dung cho rằng, hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội không cần phải thật to lớn, chỉ cần tái hiện đúng nghĩa, mang đậm bản sắc của đồng bào, tự bản thân nền văn hóa sẽ có sức sống lâu bền. |
--------------------
Bài 3: Khơi mạch nguồn văn hóa
Nghị quyết Trung ương 5 ra đời làm thay đổi nhận thức của bao người về văn hóa. Nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân được nâng lên đáng kể. Những tín hiệu vui đó kéo theo sự phát triển toàn diện của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư...
SONG ANH