Bản sắc trong nền kinh tế mở - Bài 1: Đất di tích
Mười lăm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là một hành trình đủ dài để nhìn nhận lại những tầng vỉa văn hóa đang hiện hữu và sự tác động của nó với cuộc sống hiện đại. Với bề dày văn hóa, Quảng Nam đang từng bước khẳng định bản sắc trong một nền kinh tế mở.
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được quan tâm đầu tư bảo tồn từ nhiều nguồn. Ảnh: Huỳnh Hà |
BÀI 1: ĐẤT DI TÍCH
Với 2 di sản văn hóa thế giới, gần 300 di tích cấp tỉnh, 55 di tích cấp quốc gia, chưa kể những di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đang đệ trình hồ sơ công nhận các cấp, có thể nói Quảng Nam là vùng “đất di tích”. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, do một số điều kiện khách quan lẫn chủ quan, nhiều di tích ở Quảng Nam vẫn chưa thực sự được “đánh thức”…
Bài toán khó
Hiếm có vùng đất nào sở hữu nhiều di sản, di tích như Quảng Nam. Nhìn từ Hội An, hay thử ngẫm về Mỹ Sơn, hẳn người Quảng Nam ai cũng tự hào. Không chỉ có vậy, mới đây Thành cổ Trà Kiệu được các nhà khảo cổ khai quật, một lần nữa, Quảng Nam lại lưu tên trên bản đồ du lịch của người yêu thích văn hóa Chăm-pa. Tất cả những giá trị văn hóa đó đã góp phần làm nên “thương hiệu” của Quảng Nam.
Tuy nhiên, ngoại trừ Hội An, Mỹ Sơn và một số nơi có cơ hội đưa di tích vào làm du lịch, hầu như các di tích còn lại tại Quảng Nam đang nằm trong cảnh “đìu hiu” - vì nhiều lẽ. Mười lăm năm qua, rất nhiều các chính sách về đầu tư, tôn tạo di tích được đưa ra, ngõ hầu tìm phương kế tốt nhất để tu bổ và phát huy giá trị. Nhưng bài toán về kinh phí cũng như năng lực của đội ngũ quản lý di tích cấp cơ sở khiến nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong phần việc này.
Từ năm 1997 đến nay, từ Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH-TT&DL, các di tích cấp quốc gia ở Quảng Nam đã được phân bổ tổng số tiền 50 tỷ đồng để thực hiện công tác tu bổ. Năm 2010, UBND tỉnh ban hành Đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020”, qua đó cũng đã có 42 di tích được tu bổ, xây dựng bia với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Riêng năm 2012, nguồn ngân sách tỉnh đã chi 347 triệu đồng nhằm chống đỡ cấp thiết cho Tháp Sáng - Phật viện Đồng Dương; đầu tư hạng mục xử lý nguồn nước ngầm gây hiện tượng mủn gạch tại di tích tháp Chăm Khương Mỹ với kinh phí 762 triệu đồng. Ngoài ra, Sở VH-TT&DL phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tiến hành các dự án trùng tu, bảo tồn di tích tại Mỹ Sơn và Hội An với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. |
Toàn huyện Thăng Bình hiện có 22 di tích được công nhận cấp tỉnh thì tại xã Bình Dương đã có đến 12 di tích. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn mới có 2 nơi được cắm bia di tích và có sự đầu tư khoanh vùng bảo vệ là di tích Vụ thảm sát Trảng Trầm và Hoàng cừ cây mộc. Nhiều người dân tại Bình Dương có thân nhân hy sinh trong những trận đấu oanh liệt ở các nơi được công nhận di tích vẫn băn khoăn không biết khi nào những di tích tại đây được dựng bia tưởng niệm. Hiện nay, hầu như các di tích ở Bình Dương đã trở thành phế tích, không còn dấu vết. “Muốn giáo dục đời sau cần có sự đầu tư, mà xã thì không đủ khả năng. Nhân dân ở đây có ý thức rất cao, nơi nào đã quy hoạch là khu di tích thì không hề có sự xâm phạm trái phép” - một cán bộ văn hóa của xã Bình Dương nói.
Tuy nhiên, chỉ có ý thức gìn giữ của người dân thôi chưa đủ. Để phát huy giá trị một di tích, cần sự đầu tư kinh phí và ý tưởng trùng tu hay bất cứ cách nào đó để khơi lên lòng yêu di tích từ nhân dân. Một thực trạng khác đang gây khó cho các nhà quản lý văn hóa là việc quy hoạch chồng lấn lên di tích. Tại Bình Dương, quy hoạch khu sinh thái ven biển, sắp xếp dân cư và khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã xâm phạm đến đất của 5 di tích được công nhận trước đó. Hiện tại mọi công tác quy hoạch đang phải tạm dừng. Hay như mới đây, tại huyện Nam Trà My, khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nước Là bị xâm hại khi huyện cho cày ủi con đường trong khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ...
Mười lăm năm chưa đủ dài để đánh giá “tương lai” của những di tích lịch sử cấp tỉnh, thậm chí là cấp quốc gia. Tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ không có một lộ trình khoa học về hướng bảo tồn phát triển di tích, rất khó để con cháu đời sau biết đến lịch sử, văn hóa quê hương.
Cộng đồng cùng bảo tồn
Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của Quảng Nam, đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích là điều rất cần thiết, song cần phải có sự vào cuộc thỏa đáng của Nhà nước, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, những di tích là địa điểm cách mạng, nơi diễn ra các trận đánh… có diện tích rất lớn, trong khi sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì rất cần quỹ đất. Do đó, cần phải hòa hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chúng ta có thể chọn ra một vị trí đẹp để dựng bia di tích, nhắc nhớ đời sau mà vẫn bảo đảm có quỹ đất cho địa phương phát triển”.
Đình làng Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn) - Di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh - được nhân dân trong làng và con em xa quê chung tay góp sức phục dựng với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.Ảnh: SONG ANH |
Trao đổi về công tác đầu tư kinh phí cho việc trùng tu di tích, ông Tịnh cho biết thêm, Quảng Nam là một trong những tỉnh nhận được sự đầu tư của Chính phủ về công tác quản lý, trùng tu di tích. Tuy nhiên, việc có khá nhiều địa phương chưa nhận được sự đầu tư bởi lẽ phải ưu tiên cho những di tích mang tính cấp thiết trước. Năm 2011, Đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020” ra đời. Từ đây, một lộ trình tu bổ chi tiết theo từng năm với những cơ chế rõ ràng đã giúp ngành văn hóa và các địa phương có cơ sở pháp lý để triển khai tu bổ di tích. Bên cạnh đó, sự linh động, sáng tạo của các địa phương trong công tác bảo quản và trùng tu di tích đã kịp thời “cứu” những di tích đang trong tình trạng xuống cấp.
Từ lâu, xã hội hóa di tích là cụm từ thường xuyên được nhắc tới. Không phải từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 mới bắt đầu vận động cộng đồng cùng nhau gìn giữ và góp sức trong công tác này. Mỗi di tích đã trở thành niềm tự hào và phần hồn cốt của mỗi ngôi làng, mỗi tộc họ. Tộc Phan làng Phiếm Ái đã vận động con cháu đóng góp hơn 85 triệu đồng tôn tạo đình làng Phiếm Ái, một di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh ở huyện Đại Lộc. Huyện Điện Bàn trong những năm qua cũng đã vận động các tộc họ văn hóa phối hợp cùng chính quyền nâng cấp tôn tạo các di tích với kinh phí lên đến hơn 20 tỷ đồng. Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VHTT Hội An cho hay, ngoài việc vận động đội ngũ cộng tác viên bảo tồn di sản, TP.Hội An còn có nhiều chương trình hỗ trợ những chủ sở hữu các công trình kiến trúc cổ để cùng họ thực hiện công tác trùng tu. Tính đến nay, công tác trùng tu các di tích tại Hội An đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Không những vậy, trong giai đoạn hiện nay, lợi thế về phát triển du lịch cũng như sự kêu gọi đầu tư từ các tổ chức nước ngoài đã giúp Hội An có thêm “nguồn” để gìn giữ di tích.
Di tích - di sản văn hóa vật thể là yếu tố cấu thành nên diện mạo văn hóa đất Quảng. Tô đậm hay làm mờ nhạt diện mạo này, phụ thuộc chủ yếu vào chính cộng đồng. Trong nền kinh tế mở, truyền tình yêu di tích đến thế hệ đời sau chính là giữ gìn bản sắc văn hóa.
________________________
Bài 2: Không điều gì bị lãng quên
Bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ và phát huy truyền thống của vùng “đất di tích”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) còn là kim chỉ nam để vực dậy những loại hình văn hóa phi vật thể - đang bị làn sóng văn hóa mới lấn át.
SONG ANH