Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An

QUỐC HẢI 08/05/2013 08:17

Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vừa phát hiện 4 ngôi mộ chum hình trụ, thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, ở khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà. Từ phát hiện này, lật lại lịch sử ngành khảo cổ, từ lâu, các nhà khoa học đã phát hiện hoàn chỉnh nền văn hóa của cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh trên đất Hội An.

Hiện trường khai quật 4 mộ chum ở khối Bàu Đưng, Thanh Hà vào tháng 4 vừa qua.
Hiện trường khai quật 4 mộ chum ở khối Bàu Đưng, Thanh Hà vào tháng 4 vừa qua.

Quần cư cồn - bàu

Tháng 1.1993, với sự tài trợ của Toyota Foundation và được giáo sư Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học làm cố vấn chuyên môn, Ban Quản lý di tích Hội An đã thực hiện Dự án “Khai quật khảo cổ về di tích văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở Hội An”. Theo ông Hà Phước Mai - nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin - thể thao Hội An, công tác điền dã, khảo sát đã được triển khai suốt năm 1993 và tiếp tục đan xen trong các năm 1994, 1995. Ngoài 3 điểm thuộc An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiếm đã phát hiện mộ chum từ năm 1989, dự án đã khảo sát, mở rộng bình diện hơn 70km2 và mở ra triển vọng đánh giá mức độ phong phú cũng như mật độ phân bố của các di tích văn hóa Sa Huỳnh tại Hội An.

Giai đoạn đó, bản đồ văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An liên tục được điểm thêm các dấu hiệu mới bao gồm các phường nội thị, sườn đông - tây doi cát Cẩm Hà, sườn tây doi cát Cẩm An, các đảo sông, đảo biển,... góp phần làm sáng tỏ nhận định về một hợp thể quần cư người Sa Huỳnh thuộc dạng văn hóa cồn - bàu, ven sông, ven biển có tính đặc thù Hội An. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận định: “Việc đào thám sát và khai quật đã có độ chính xác rất cao, tuân thủ nguyên tắc và phương pháp khảo cổ. Từ đó, chúng ta có cơ sở cho những kết luận khoa học lý thú và mới mẻ về văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An”.

Với sự tham gia của hơn 20 nhà khoa học trong và ngoài nước, sau 3 năm miệt mài khai quật 9 điểm trên địa bàn Hội An, với 30 hố trong diện tích 239m2, đoàn khảo sát đã tìm thấy 220 đồ gốm; trong đó có 73 mộ chum, hàng trăm hiện vật nồi, bát, đĩa, cốc, vò, đèn, đồ sắt... Đặc biệt, có đến 2.121 đồ trang sức gồm khuyên tai, chuỗi hạt, vòng tay, đồ kim loại. Tất cả đã được xử lý và lập hồ sơ khoa học hoàn chỉnh.

Văn hóa Sa Huỳnh cổ điển

Theo giáo sư EiJi Nitta (Nhật Bản), người trực tiếp tham gia dự án, hệ thống di chỉ cư trú, di tích mộ táng ở các địa hình khác nhau tại Hội An có mật độ dày đặc và trữ lượng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, kết quả khoa học đã hé mở một điểm sáng về mối quan hệ của lớp cư dân cổ này với người Hán - Trung Quốc ở phía bắc với các cư dân khu vực Đông Nam Á.

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Hội An.Ảnh: QUỐC HẢI
Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Hội An.Ảnh: QUỐC HẢI

Các hiện vật là bằng chứng rõ nét nhất về sự thông minh, tài hoa, khéo léo, về trình độ văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh Hội An. Phải chăng chính lớp cư dân này đặt nền móng cho nền văn minh Chămpa, Đại Việt vào các thế kỷ sau? Bên cạnh khối lượng thông tin đồ sộ, hàng nghìn hiện vật, mẫu vật, đặc biệt là 29 ngôi mộ chum phục dựng được đã thiết lập nên nhà trưng bày chuyên ngành khảo cổ học về một nền văn hóa từng xuất hiện cách đây hơn 2.200 năm - Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An. Tại nhà trưng bày này, ngay sau những năm 1990 đã bước đầu trưng bày một số trong tổng cộng 2.397 hiện vật phục vụ nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch.

 “Trong quá trình điền dã khảo cổ học tại Hội An, điều thú vị là ở đâu có vết tích di tích Chàm thì ở đó có điểm di tích văn hóa Sa Huỳnh. Cụ thể như miếu Thần Hời, miếu Bà Yàng, Trà Quế, Trà Quân, lăng Bà Lồi… Và tất cả di chỉ cư trú, di tích mộ táng phát hiện cho tới nay đều thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh, hay còn gọi là văn hóa Sa Huỳnh cổ điển” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết. Từ năm 1994, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh được nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, ở số 149, đường Trần Phú. Bảo tàng trưng bày bộ sưu tập đầy đủ và độc đáo gồm hơn 1.000 hiện vật phát hiện từ kết quả các đợt thám sát, khai quật khảo cổ học ở Hội An giai đoạn 1989 - 1995. Đây là các hiện vật khai quật được tại các di chỉ Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang, Xuân Lâm, Đồng Nà… Bộ sưu tập được các nhà khoa học đánh giá là phong phú và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam.

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI