Di sản đặc sắc

TẤN VỊNH 05/05/2013 09:33

Cùng với di sản văn hóa (VH) vật thể phong phú, đặc biệt là 2 di sản VH thế giới Hội An và Mỹ Sơn, Quảng Nam còn gìn giữ, bảo lưu kho tàng di sản VH phi vật thể to lớn, tiềm ẩn tạo nên sức sống và dấu ấn riêng của vùng VH xứ Quảng…

Kho tàng phong phú

Quảng Nam là nơi tiếp biến, giao lưu giữa các nền VH khác nhau như Việt, Ấn Độ, Chăm, Nhật… Trên nền tảng VH của cha ông thời mở cõi và sự tiếp thu tinh hoa của các nền VH khác, người dân xứ Quảng bao đời nay đã sáng tạo, hình thành kho tàng VH phi vật thể đa dạng, phong phú.

Diễn tấu đàn đá của dân tộc Co.Ảnh: Tấn Vịnh
Diễn tấu đàn đá của dân tộc Co.Ảnh: Tấn Vịnh

Xứ Quảng có sự hiện diện tương đối đầy đủ các loại hình VH phi vật thể và từng loại hình có những nét đặc sắc riêng biệt. Các cộng đồng dân cư sinh sống từ miền duyên hải, lưu vực sông Thu Bồn đến vùng trung du, miền núi đều có vốn di sản VH phi vật thể thấm đậm chất nhân văn. Di sản ấy như mạch nguồn nuôi dưỡng, thăng hoa đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, đô thị cổ Hội An là một bảo tàng sống hiếm có trên thế giới vì có sự gắn kết bền chặt giữa con người với di tích kiến trúc, giữa VH vật thể và VH  phi vật thể. Di sản VH phi vật thể được suy tôn và phát huy trong hoạt động du lịch, lễ hội truyền thống và thấm sâu vào trong nhịp sống, hơi thở hàng ngày.

 VH phi vật thể là linh hồn của di sản VH. Một di tích hay một quần thể di tích còn lưu giữ, phát triển nhân tố, loại hình VH phi vật thể như lễ hội, truyền thuyết, hình thức tín ngưỡng, tâm linh... thì di tích ấy có sức sống, thu hút và gắn kết cộng đồng.

Vốn VH ẩm thực Quảng Nam cũng vô cùng phong phú. Yến sào Cù Lao Chàm, mì Quảng, cao lầu, hến trộn, chè bắp, bánh ít lá gai Hội An, bánh khô mè Cẩm Lệ, bánh bao, bánh vạc, bánh đập, bánh su suê, bánh ít, bánh tét, bánh chưng, bánh bao, bánh nậm, cơm gà, bê thui Cầu Mống, khoai lang Trà Đõa... là những sản phẩm dân gian bình dị và đặc sắc.

Ở các làng quê, phố thị xứ Quảng vẫn duy trì nhiều lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân, đó là lễ hội Bà Thu Bồn, lễ rước cộ Bà Chợ Được, lễ hội cầu ngư. Chỉ riêng Hội An đã liệt kê được 44 lễ hội truyền thống và 9 lễ hội mới, cho thấy lịch lễ hội dày đặc, hầu như tháng nào, mùa nào cũng có, đặc biệt là vào dịp xuân.

Hát múa bả trạo trong lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển.
Hát múa bả trạo trong lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển.

Làng nghề truyền thống cũng được bảo tồn và phát triển tương đối tốt, tiêu biểu là làng đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, Văn Hà, dệt lụa Mã Châu, gốm Thanh Hà, chiếu cói Bàn Thạch, Thạch Tân, dâu tằm Đông Yên - Thi Lai, rau Trà Quế, trống Lâm Yên, dệt thổ cẩm của người Cơ Tu...

Quảng Nam còn có kho tàng di sản VH phi vật thể của nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi như Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Co. Chỉ riêng dân tộc Cơ Tu cũng đã thấy một diện mạo phong phú với kiến trúc nhà làng truyền thống, nghề dệt và trang phục, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, lễ hội. Dân tộc Cơ Tu bảo tồn nguyên vẹn một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát...  Múa tung tung ya yá, hát lý, kiến trúc, tạc tượng nhà mồ, nhà gươl... là những tinh hoa VH phi vật thể của người Cơ Tu.

Nghề đúc đồng của làng đúc Phước Kiều.
Nghề đúc đồng của làng đúc Phước Kiều.

Kiểm kê di sản

Năm 2013, ngành VH-TT&DL Quảng Nam chọn là Năm xây dựng các sản phẩm du lịch. Công tác kiểm kê giúp nhận diện, đánh giá giá trị các loại hình VH phi vật thể để xây dựng các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của xứ Quảng. Nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 4, UNESCO sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm thực hiện Công ước Paris về di sản VH phi vật thể tại đô thị cổ Hội An. Một hội thảo quy mô cấp quốc gia về di sản VH phi vật thể cũng sẽ được tổ chức tại đây. Hy vọng đây là cơ hội để chúng ta được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm  từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về bảo tồn và phát huy di sản VH phi vật thể khi các loại hình di sản này của xứ Quảng được ghi danh ở cấp quốc gia.   

Thực hiện thông tư của Bộ VH-TT&DL về quy định việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản VH phi vật thể quốc gia và Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, ngành chức năng và các địa phương đã kiểm kê được 150 phiếu, lập trên 40 hồ sơ khoa học thuộc 4 loại hình di sản VH phi vật thể như lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, làng nghề thủ công, nghệ thuật trang trí. Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan  trung ương và địa phương xây dựng hồ sơ “Hô hát bài chòi đầu xuân” để trình UNESCO công nhận di sản VH phi vật thể của nhân loại, đồng thời hoàn chỉnh một số hồ sơ khác như: Nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, Vũ điệu ya yá, Hát lý - nói lý Cơ Tu, Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, Nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ gu của dân tộc Co... trình Bộ VH-TT&DL công nhận di sản VH phi vật thể cấp quốc gia. Một số hồ sơ khác (Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ cúng cá ông và cầu ngư của cư dân thôn Thuận An, Làng đúc đồng Phước Kiều, Làng gốm Ka Noonh...) cũng tiếp tục xây dựng chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền.

Thời gian qua, ngành VH-TT&DL cũng thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, sưu tầm liên quan, làm tiền đề cho chiến lược phát triển VH của tỉnh. Bên cạnh việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản VH phi vật thể của cộng đồng dân tộc Kinh ở đồng bằng và trung du, ngành chức năng còn chú trọng việc nghiên cứu, bảo tồn VH truyền thống của các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một như Co, Ca Dong, Giẻ Triêng...

VH phi vật thể là linh hồn của di sản VH. Một di tích hay một quần thể di tích còn lưu giữ, phát triển nhân tố, loại hình VH phi vật thể như lễ hội, truyền thuyết, hình thức tín ngưỡng, tâm linh... thì di tích ấy có sức sống, thu hút và gắn kết cộng đồng. Hội An vẫn là di sản thế giới nằm trong top 10  điểm đến hấp dẫn nhất châu Á từ năm 2008 đến nay bởi vì có sự bảo tồn và phát huy, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật thể và phi vật thể, trong đó VH phi vật thể được xem là hồn cốt. Festival di sản Quảng Nam cũng là cơ hội để tôn vinh di sản VH phi vật thể, giới thiệu đến bạn bè gần xa những giá trị tiềm ẩn của truyền thống nhân văn, tinh hoa VH xứ Quảng.

TẤN VỊNH

TẤN VỊNH