Dấu ấn Quảng
Những di sản hay giá trị ở Quảng Nam, hễ nhắc tên là nghĩ ngay đến xứ Quảng, cũng được xem là “thương hiệu” của một vùng đất.
1. Cristophoro Borri trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” có chép chuyện yến sào, dù chỉ nói chung chung nhưng giúp chúng ta hình dung ra yến sào Cù Lao Chàm. “Ở xứ này có một thứ chim be bé giống như chim én, nó làm tổ ở các cồn đá và hốc đá sóng biển vỗ vào. Con vật nhỏ này dùng mỏ lấy bọt biển và với chất toát ra từ dạ dày, trộn cả hai thứ lại làm thành một thứ tôi không biết là bùn hay nhựa để làm tổ. Tổ này khi đã khô cứng thì trong suốt và có sắc vừa vàng vừa xanh. Dân xứ này nhặt những tổ đó về ngâm trong nước cho mềm và tan ra…”. Cristophoro Borri còn nhận định: “Thứ này nhiều đến nỗi chính tôi đã thấy người ta chất đầy mười chiếc thuyền nhỏ những tổ yến nhặt ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng chưa đầy nửa dặm. Và đây là món rất ngon, nên chỉ có chúa độc quyền sử dụng”.
Du khách nước ngoài thưởng thức món Quảng tại hội chợ quê Việt tổ chức tại Hội An.Ảnh: H.X.H |
Mô tả của một nhà biên khảo người Ý từ đầu thế kỷ XVII dĩ nhiên sẽ có chỗ không đầy đủ như dẫn giải thêm của GS. Đỗ Tất Lợi (trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam”) sau này, ít nhất là về cách yến làm tổ. Nhưng việc lựa chọn giới thiệu về yến sào, cho thấy Cristophoro Borri đã chính xác khi nhận định về giá trị yến sào mà đến nay càng đặc biệt có giá trị.
Yến sào đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất, khi vừa tìm cách mở rộng thị trường với giá trị đóng băng lên đến 70 tỷ đồng (đối với yến sào Cù Lao Chàm), vừa loay hoay tìm cách… phòng ngừa nhiễm cúm A/H5N1. Vi rút cúm A/H5N1 đang tấn công đàn chim yến của Công ty CP Yến Việt ở Ninh Thuận đã gây ra sự quan tâm đặc biệt của những địa phương đang mở rộng nghề nuôi yến như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhất là ở Cù Lao Chàm (Hội An). Câu chuyện thời sự về dịch bệnh này đã khiến nhiều người nghĩ ngay đến các hang yến ngoài Cù Lao Chàm, vì địa danh ấy, loài chim ấy, đặc sản ấy từ lâu đã gắn liền với xứ Quảng.
Du khách Quảng Nam chụp ảnh lưu niệm bên biểu tượng Chùa Cầu ở cao nguyên Genting. |
2. Nhưng xứ Quảng lưu dấu trong “bản tường trình lạc quan” của Cristophoro Borri không chỉ có yến sào. Rõ nhất, phải kể đến hải cảng, đến Faifo. Ông viết: “Còn về hải cảng thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. (…) Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An)”. Viết về Hội An, tác giả nêu tên Faifo, “một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật”.
Hội An đang trở thành điểm đến đặc biệt, được du khách quốc tế ưa thích. Danh hiệu gần đây nhất chính là Giải vàng Thành phố được yêu thích nhất năm 2012. Giải thưởng này do tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) tổ chức bình chọn. Hội An vượt qua 976 thành phố trên thế giới, và trong top 10 xếp trên cả Cusco (Peru), Kyoto (Nhật Bản), Copenhaghen (Đan Mạch), Venice (Ý)… Gần 3.000 độc giả là du khách từng đến Hội An, qua trải nghiệm đã bỏ phiếu đánh giá mức độ hài lòng lên tới 97,18%. Còn nhớ, nhân dịp gặp gỡ báo chí đầu xuân Quý Tỵ, khi đề cập tin vui này (được công bố trước đó), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải tâm tình: “Người ta có yêu mến mình thì mới đến. Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe họ nói về Hội An của mình rất trìu mến”. Nhân đấy, nói về di sản, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý rằng, với tiềm năng sẵn có chúng ta càng phải biết cách phát huy và khai thác hiệu quả.
Đâu chỉ có du khách phương xa đến và yêu mến Hội An, yêu mến xứ Quảng. Người Quảng Nam khi ra nước ngoài, đôi khi cũng bất ngờ “gặp” một phố Hội thu nhỏ và cảm thấy sung sướng vô cùng. Cảm giác này chúng tôi từng trải qua khi đến cao nguyên Genting, nơi có khách sạn First World nhiều năm liền giữ vị trí lớn nhất thế giới (với gần 6.000 phòng ở), vốn mệnh danh là một Las Vegas của Malaysia. Khu nghỉ mát này được tạo dựng bởi Tan Sri (Lâm Ngô Đồng) từ cuối thập niên 1960. Ở đó, nhiều du khách Quảng Nam thú vị với hình ảnh Chùa Cầu được cách điệu, một bên ghi “cầu Hội An”, bên kia ghi “Việt Nam quán”, trên con lạch nhỏ có chiếc thuyền được chèo qua lại rất ấn tượng…
3. Ai đã đọc tạp văn “Người Quảng đi ăn mì Quảng” in trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hẳn sẽ bật cười thú vị trước những chi tiết đưa ra để “luận” về món ăn được cho là phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Thậm chí, xét về tính đặc trưng (trong phạm vi cộng đồng của nó), có lẽ mì Quảng đứng hàng đầu trên… thế giới. Và điều đáng đưa vào sách Guinness chính là chỗ: Có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé đến già chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.
Đặc trưng và phổ biến là thế, nhưng tô mì Quảng đúng “nhãn hiệu” thì lại… không bao giờ được xác định trên cõi đời này, theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bởi lẽ, không ai chịu ai về sợi mì, về nước nhưn, về rau sống; và kiểu nào cũng có thể cãi được, cãi đúng kiểu Quảng. Vượt lên trên hết, mì Quảng đã trở thành món ăn thuộc về ký ức. Theo tác giả “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, không còn thuần túy món ăn nữa, mì Quảng trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương như Quảng Nam.
Cuối cùng, món ăn của ký ức và trải nghiệm ấy cũng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á. Mì Quảng “vươn tầm” ra châu Á kể từ ngày 30.8.2012, khi tin vui loan đi từ Faridabad - Ấn Độ. Để được công nhận, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chọn lọc và đề cử 17 món ăn. Để được đề cử, trước đó ngành VH-TT&DL địa phương đã phải chuẩn bị chu đáo “hồ sơ mì Quảng” gồm phim giới thiệu, hình ảnh, bài viết giới thiệu món ăn, nghệ nhân nấu mì... Giờ đây, Quảng Nam đang chuẩn bị công bố kỷ lục châu Á (của mì Quảng) và kỷ lục quốc gia (của bê thui Cầu Mống) tại Festival Di sản Quảng Nam vào tháng 6.2013 tới, một cơ hội quý để “tên tuổi” hai món đặc trưng ấy đi xa hơn…
Khi Báo Quảng Nam đăng tải phóng sự ảnh về mì Quảng, có độc giả quê gốc Điện Bàn gọi điện thoại về tòa soạn để “nhận” người thân được nhắc đến trong bài viết. Vị độc giả này tỏ ý vui vì xem ra vẫn còn có người nhớ đến những địa danh cũ, nhớ những gánh mì từ bến đò Kẹo tỏa đi. Mì Quảng, món ăn của trải nghiệm và ký ức giờ trở thành “món ăn thời sự” khi UBND tỉnh Quảng Nam chuẩn bị cho chương trình “Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam”. Và thêm một lần dấu ấn Quảng được xác lập.
HỨA XUYÊN HUỲNH