Cần giữ gìn văn hóa biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 12/04/2013 07:49

Những phong tục, tập quán của nghề khai thác hải sản vẫn còn hiện hữu trong sinh hoạt của người dân phường Cẩm An (TP.Hội An). Tuy nhiên, nguy cơ mai một về văn hóa biển đang là thực tế.

Do ưu tiên phát triển du lịch - dịch vụ - thương mại, văn hóa biển ngày càng nhạt nhòa trong sinh hoạt của người dân phường Cẩm An.  Ảnh: QUANG VIỆT
Do ưu tiên phát triển du lịch - dịch vụ - thương mại, văn hóa biển ngày càng nhạt nhòa trong sinh hoạt của người dân phường Cẩm An. Ảnh: QUANG VIỆT

Nét đẹp văn hóa biển

Tuổi đã cao, cụ Phùng Tấn Tráng - từng là Đội trưởng đội lưới cản An Bàng một thời ăn nên làm ra không còn đi biển được nữa. Theo lời cụ kể, trước đây nghề biển luôn thu hút đông đảo lao động địa phương. Không khí sinh hoạt hồi đó rất sinh động chứ không thưa vắng, đìu hiu như bây giờ. “Làng biển không khai thác hải sản khi con trăng sáng tỏ. Khoảng thời gian đó, rảnh rang, chúng tôi được các bậc cha chú trong làng kể về sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ với nhau trong lao động, sản xuất. Như một sự liên kết tự nhiên, liền mạch, tập quán sản xuất đó đã ăn sâu và biểu hiện qua sinh hoạt của chúng tôi, tiếp nối từ đời này qua đời khác. Vậy nhưng, bây giờ những người trẻ tuổi đã chuyển sang các nghề khác chứ ít ai theo nghiệp biển của cha ông” - cụ Tráng chia sẻ.

Theo lời cụ Tráng, ngày trước ngư dân Cẩm An đã biết vươn khơi xa khai thác theo hình thức cộng đồng, như tổ, đội sản xuất trên biển hiện nay. Vào những đêm trước khi ra khơi, bậc lớn tuổi trong làng tập trung thanh niên trai tráng tổ chức sinh hoạt, dặn dò tinh thần giúp đỡ nhau trong sản xuất. Mỗi khi ra khơi, nếu phương tiện nào không may bị hỏng hóc sẽ được ngư dân cùng thôn, xóm lai dắt quay về. Tuy không trực tiếp lao động, nhưng chủ phương tiện lai dắt tàu cá bị sự cố vẫn được đội tàu cùng thôn, xóm của mình chia phần sản phẩm của chuyến biển đó. Sau chuyến biển, các đội tàu cùng thôn, xóm lại tập trung tổ chức sinh hoạt. Vào dịp này, ngư dân chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất đồng thời góp tiền để giúp đỡ các tàu cá thôn, xóm khác không may bị nạn, hỏng máy hay mất ngư lưới cụ… Tinh thần gắn kết cộng đồng khi sản xuất trên biển càng được nhắc đến khi trong quá trình sản xuất, những đội tàu của các thôn, xóm khác nhau vẫn chia sẻ với nhau về ngư trường khai thác.

Khi được hỏi về không khí sản xuất trên biển của ngư dân Cẩm An vào thời điểm này, cụ ông Trần Long ở khối phố Tân Thịnh cho biết: “Bây giờ chẳng mấy ai mặn mà gắn với biển. Chuyển nghề hết rồi, ai cũng muốn tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại. Nghề đó thu nhập cao chứ đi biển rủi ro, thất thoát, ai cũng bảo: chẳng dại gì”. Cụ Long kể, làng biển Cẩm An ngày trước có  tục cúng thần biển vào dịp 12 tháng 6 âm lịch hằng năm. Sau phần lễ nghi được tổ chức, ngày hôm sau, các hoạt động đua thuyền, chèo cạn, buông phao, hò kéo neo, hò buông lưới… mang đặc trưng của làng biển được cộng đồng dân cư tổ chức sôi động. Thế nhưng, do chuyển đổi nghề, các hoạt động này ngày càng thưa vắng. Phần hội không còn, phần lễ cũng chỉ được tổ chức 3 năm một lần với sự tham gia của số ít người còn gắn bó với biển.

Cần giữ gìn

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của phường Cẩm An giai đoạn 2010 - 2015 là ưu tiên phát triển du lịch - dịch vụ - thương mại. Ông Võ Nễ - Bí thư Đảng ủy phường Cẩm An cho rằng, đây là các ngành đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Tăng tưởng của các ngành này sẽ quyết định sự tăng trưởng chung của phường. Ông Nễ cho biết, hiện tại “gương mặt” vùng biển Cẩm An đã thay đổi đáng kể. Mặc dù phong tục, tập quán, lối sống đặc thù của người dân vùng biển đã khác trước đây nhưng văn hóa biển không vì thế mà mai một. Bởi, người dân nơi đây luôn biết cách bão hòa và tự thích nghi với điều kiện sống mới. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm, đầu tư song hành phát triển kinh tế với bảo lưu các giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh hoạt văn hóa biển ở phường Cẩm An dù vẫn còn qua các hội hè thi thoảng được tổ chức, nhưng điều đáng nói là quy mô, sự đầu tư, tâm huyết gắn bó đã giảm đi rất nhiều. Trong khi những người nắm giữ các điệu hò, câu hát nói lên tâm thế bám biển của ngư dân ngày một ít đi thì lớp trẻ cũng ngày một quay lưng lại vốn liếng truyền thống của cha ông. Nhiều ý kiến tâm huyết với văn hóa biển của TP.Hội An nói chung, phường Cẩm An nói riêng cho rằng, để người dân thiết tha với biển thì văn hóa biển cần được “phục hưng” một cách nền nếp, có chiến lược lâu dài. Theo đó, cùng với việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển, nên chăng cần kiểm kê, đối chiếu, đánh giá lại các giá trị văn hóa biển để tôn vinh những gì đã được hình thành và gìn giữ từ bao đời nay. Theo cụ Trần Long, văn hóa biển cần được phát huy để tăng thêm sự gắn bó với biển của người dân. Hiện nay, các hội phụ nữ, đoàn thể, Mặt trận… đã có mặt tại từng khối phố. Các lời ca, điệu hát, câu hò của miền biển cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. “Một khi việc này nhận được sự hưởng ứng đều khắp, văn hóa biển sẽ được bật lên tự nhiên, hài hòa. Và khi đó, gia tài văn hóa biển sẽ bền chặt, truyền đời” - cụ Long nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT