Bảo tồn âm nhạc dân tộc, dễ hay khó?

BẢO ANH 07/04/2013 08:52

Hội thảo “Khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế” vừa tổ chức tại Quảng Ngãi nhấn mạnh đến việc “khai thác và phát huy”, nhưng hầu hết ý kiến lại đề cập những vấn đề mang tính “nguy cơ” đối với vốn âm nhạc quý giá này…

“Bị tổn thương”

Cuộc hội thảo đề cập âm nhạc dân gian mà theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) là “tuy hơi muộn nhưng vẫn mang tính thời sự, nên vấn đề trở nên quan trọng và cấp thiết”. Càng cấp thiết trong bối cảnh cả nước đang tiến hành tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quang cảnh hội thảo.                                                                                                                                                                                                          Ảnh: P.C.A
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.C.A

Theo Giáo sư - nhạc sĩ Thế Bảo (TP.Hồ Chí Minh), trong quá trình hội nhập quốc tế và sự tác động của cơ chế thị trường, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền của dân tộc đang mờ dần bản sắc, thiếu vắng người nghe, người xem, trong đó có các loại hình âm nhạc dân gian phổ biến ở miền Trung như hát bội, hát bả trạo, bài chòi, sắc bùa, hò, lý,... Đồng thời, ông đưa ra cảnh báo: “Âm nhạc dân gian là loại hình rất dễ bị tổn thương và trên thực tế đã bị tổn thương nặng nề”. Nhạc sĩ Trần Hồng (Đà Nẵng) “minh họa” thêm bằng cách chỉ ra một số “vấn nạn” của đời sống ca nhạc hiện nay. Trong đó, ngoài hiện tượng “giễu nhại” (chứ không phải “vận dụng”) vốn quý âm nhạc dân tộc, nhiều ca khúc của dòng nhạc trẻ đã bóp méo, làm sai lệch hình ảnh đẹp đẽ của phẩm cách, tâm hồn con người Việt Nam. “Đau nhất là nhiều ca khúc mì ăn liền, giậm giật, lai căng, thô thiển, thiếu tính dân tộc... lại được hát rất phổ biến ở các phòng trà, được phát trên một số đài phát thanh, truyền hình và được in sang băng đĩa phát hành rộng rãi trong thị trường...” - nhạc sĩ Trần Hồng nói.

“Đau nhất là nhiều ca khúc mì ăn liền, giậm giật, lai căng, thô thiển, thiếu tính dân tộc... lại được hát rất phổ biến ở các phòng trà, được phát trên một số đài phát thanh, truyền hình và được in sang băng đĩa phát hành rộng rãi trong thị trường...”.
(Nhạc sĩ TRẦN HỒNG)

Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu (Quảng Ngãi) lại nêu lên một thực tế cũng không kém quan ngại: Những người hiểu biết về âm nhạc dân tộc ngày càng già yếu, mất đi, trong khi lớp kế tục thì rất hiếm hoi. Tại các trung tâm đào tạo âm nhạc lớn ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh…, số người thi tuyển vào các ngành đào tạo về âm nhạc dân tộc mỗi ngày một vắng; thậm chí có nơi mỗi năm chỉ tuyển được... 1 người. Trong khi đó, việc phổ biến âm nhạc dân tộc qua các phương tiện nghe nhìn thì cực kỳ khiêm tốn. “Quả thật, âm nhạc dân tộc làm sao đến được với công chúng khi mà vào các khung giờ vàng, hầu hết đài truyền hình lại chỉ chiếu phim Tàu, phim Tây” - nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu nói.

Định hướng bảo tồn

Thiếu tài năng sẽ gây phương hại cho nhạc Việt
Nhạc sĩ Phan Văn Minh (Quảng Nam) cảnh báo: Khi bàn đến tính dân tộc trong ca khúc, cần phải phân tích và tổng hợp những yếu tố nào trong bản sắc Việt có thể được chuyển tải vào tác phẩm. Ở đó, người nhạc sĩ phải có đủ tài năng thì mới có thể tránh được sự hời hợt về cảm xúc cũng như sự ngớ ngẩn, thiếu logic trong vận dụng âm nhạc dân gian. Ông nói thêm: “Cho dù có nêm vào tác phẩm đủ thứ gia vị “dân tộc tính” mà nghệ thuật “nấu nướng” kém cỏi thì cũng không ai “ăn” được, trái lại còn làm phương hại đến “thương hiệu” nhạc Việt”.

Nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc đã cho rằng, bảo tồn, khai thác, phát huy vốn quý âm nhạc dân gian là việc phải làm ngay, trên cơ sở kết hợp nhiều giải pháp, biện pháp. Theo nhạc sĩ Trần Long Ẩn, trước hết cần phải làm cho mỗi người dân Việt, nhất là giới trẻ, quay trở lại và “sống” với mạch nguồn tâm hồn dân tộc. Ông nói: “Để âm nhạc dân tộc không mất đi thì trước hết, bản sắc văn hóa phải được bảo tồn trọn vẹn và được phát huy đúng mức. Nhạc sĩ - nhà giáo ưu tú Đào Trọng Minh (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cùng với việc đào tạo bổ sung lực lượng diễn xướng, diễn tấu âm nhạc dân gian, nhất thiết phải đầu tư phát triển công nghệ nghe nhìn. Ông gợi ý: Nhiều nước trên thế giới đã tổ chức sản xuất băng đĩa CD, VCD, DVD, HD thương mại về văn hóa truyền thống - trong đó có âm nhạc dân gian, dưới hình thức giới thiệu du lịch khám phá, trò chơi điện tử... và đã tỏ ra đắt hàng. Việt Nam có một kho tàng dân nhạc, văn hóa dân gian đồ sộ và hoàn toàn có thể “bảo tồn, khai thác, phát huy...” theo hướng này.

Ở một hướng khác, nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Gia Thiện (Bình Định) cho rằng, để khai thác, phát huy được vốn quý âm nhạc dân tộc, bên cạnh việc ràng buộc trách nhiệm để các cơ quan truyền thông ưu tiên chuyển tải, giới thiệu các tác phẩm âm nhạc dân gian, cần có chính sách khuyến khích những người có khả năng khai thác, cải biên, biểu diễn âm nhạc dân tộc. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các liên hoan dân ca nhạc cổ, các cuộc thi nhạc khí và dân ca các dân tộc... Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (Gia Lai) thì đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa có chính sách khuyến khích các nhạc sĩ đưa âm nhạc dân gian vào tác phẩm âm nhạc đương đại. Ông nêu ví dụ: Tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từng được nhạc sĩ An Thuyên chuyển thể thành một vở opéra 6 màn gồm 30 bản hợp xướng, khúc hát độc lập kết hợp giữa âm nhạc điện tử với âm nhạc cồng chiêng, tơ rưng, kloong pút, alar... Vở opéra này không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn nhận được tình cảm đặc biệt của đồng bào Tây Nguyên...

Cũng tại hội thảo, một số nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc còn lưu ý công tác bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân gian không thể phó mặc cho cộng đồng mà cần có những động thái cụ thể, thiết thực từ phía các nhà quản lý và giới chuyên môn. Việc giới thiệu, quảng bá thôi chưa đủ, mà còn phải tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ kho di sản quý báu của dân tộc gắn với việc đào tạo, sử dụng những tài năng và thế hệ kế thừa. Quá nhiều yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc, vì thế không dễ và không thể sớm đạt mục đích.

BẢO ANH

BẢO ANH