Độc đáo dân ca Cơ Tu
“Hát khóc trâu”, “Hát bắt cá” là 2 tiết mục mang đậm hơi thở đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào Cơ Tu nơi miền tây xứ Quảng, được chọn tham gia Liên hoan Dân ca - dân vũ khu vực duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra tại Phú Yên cuối tháng 3 vừa qua.
|
Các nghệ nhân, diễn viên Cơ Tu thể hiện tiết mục “Hát khóc trâu” tại liên hoan.Ảnh: NAM ĐÔNG |
Hòa quyện
Các nghệ nhân, diễn viên Cơ Tu sau gần một ngày vượt hơn 500 cây số đến Phú Yên, đã không ngại nhọc nhằn đường xa, bắt tay ngay vào luyện tập, chạy chương trình. Nhìn nét mặt rạng ngời của các nghệ nhân, diễn viên Cơ Tu trên sân khấu, chúng tôi cảm nhận được khát vọng quảng bá tinh hoa văn hóa Cơ Tu xứ Quảng. Bởi, các tiết mục không chỉ trình diễn trước đông đảo khán giả Phú Yên, giao lưu với các dân tộc trong khu vực mà còn được truyền hình trực tiếp qua kênh VTV5 - kênh truyền hình dân tộc thiểu số - Đài Truyền hình Việt Nam.
GS-TS. nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan nhận xét: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và thú vị bởi các tiết mục của đơn vị Quảng Nam. Tôi đặc biệt ấn tượng với màn “Hát khóc trâu”. Các nghệ nhân, diễn viên đã thể hiện tiết mục với cả tấm lòng, thể hiện đúng chất nguyên sơ, không dàn dựng, phô trương. Ngoài việc mang lại giá trị nghệ thuật dân gian, tiết mục còn ẩn chứa tính nhân văn cao đẹp qua từng lời hát, sắc thái biểu diễn”. |
Trên sân khấu Nhà hát Sao mai, chúng tôi như hòa vào không khí rộn ràng và ngập tràn sắc màu của các dân tộc anh em trong khu vực. Các nghệ nhân, diễn viên Đà Nẵng, Quảng Nam lộng lẫy trong trang phục thổ cẩm Cơ Tu, nhẹ nhàng thanh thoát trong trang phục hát múa sắc bùa. Quảng Ngãi đằm sâu với trang phục của đồng bào H’rê nơi miền đất Ba Tơ vang danh một thời đánh Mỹ. Trang phục của đồng bào Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, nơi cực nam miền Trung đầy nắng, gió và cát, không lẫn vào đâu được. Cùng với đó là những lời ca, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa và hơi thở cuộc sống từng vùng miền. Đồng bào Cơ Tu Quảng Nam có “Hát khóc trâu”, “Hát bắt cá”, H’rê - Quảng Ngãi có điệu vỗ thường, đối đáp, hát cúng dân gian “Pot ca chinh” (Gọi hồn chiêng), Ba Na - Bình Định có “Đăm rương” (Hát khóc trâu), “Hai cô gái Ba Na” (dân ca Ba Na), Ba Na - Phú Yên có “Hò giã vôi” và điệu hát trao duyên sâu nặng nghĩa tình. Người Chăm - Ninh Thuận và Bình Thuận đem đến liên hoan những điệu hát giao duyên đối đáp, thổi kèn saranai, biểu diễn nhạc hội Mã-la của đồng bào Raglai… Tất cả cùng hòa quyện, tạo nên một khu vườn âm nhạc truyền thống đầy màu sắc và ấn tượng.
Điều khá đặc biệt, tại liên hoan lần này, trong số 96 diễn viên tham gia, lực lượng trẻ chiếm số đông, điều này thể hiện sức sống mãnh liệt của âm nhạc truyền thống trong dòng chảy văn hóa và đời sống hiện đại. Diễn viên nhỏ nhất ở tuổi 13 là câu bé thổi kèn saranai của đoàn Ninh Thuận, cao tuổi nhất là diễn viên La Lan Thị Hoài của đoàn Phú Yên (70 tuổi). Dù ở thế hệ nào, các diễn viên, nghệ nhân đều thể hiện niềm đam mê và ước muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy vốn quý dân ca, dân vũ quê hương không ngơi chảy trong tâm hồn mỗi người…
Độc đáo dân ca Cơ Tu
Trong khu vườn đầy màu sắc của âm nhạc và trang phục ấy, hình ảnh, tiếng hát, lời ca của các diễn viên, nghệ nhân Cơ Tu đã tạo được ấn tượng mạnh cho người xem và các đơn vị bạn. Trong tâm thức người Cơ Tu, con trâu gần gũi với đời sống thường ngày và cũng là vật quan trọng dùng để hiến tế thần linh trong các dịp lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của dân làng quanh năm luôn được ấm no, hạnh phúc... Con trâu được dùng làm vật hiến tế xem như một sự hy sinh to lớn để đem lại điều may mắn cho cả buôn làng nên đồng bào rất tiếc thương khóc tiễn đưa trước khi trâu về với thần linh… Lời “Hát khóc trâu” có đoạn: “Ơi trâu ơi! Mày sống khôn chết thiêng, mày về với đất lạ phương xa. Ơi trâu ơi, trâu ơi, thịt mày không đầy sân nhưng cả buôn làng ai cũng có phần… Ơi trâu ơi, trâu ơi, lúc mày còn sống hiền lành ngoan ngoãn. Nay chết rồi, mày để lại cho dân buôn làng ta được giàu sang, yên ổn… Trâu ơi, trâu ơi…”. Lời hát thắm thiết vang vọng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem và cả Hội đồng nghệ thuật.
Nếu lễ hội đâm trâu và nét đẹp văn hóa khóc trâu mang tính nhân văn cao, thể hiện sâu sắc đời sống tâm linh của đồng bào, thì “Hát bắt cá” (tiếng Cơ Tu là T’bươn axiu) là lời khẩn cầu của người Cơ Tu tới các vị thần sông, suối cho nước đầy ao, cá đầy giỏ, cho cuộc sống ấm no. Lời bài hát có đoạn: “Hỡi các vị thần cai quản sông suối! Hôm nay ngày lành tháng tốt, chúng tôi cầu xin cho hố nước này được một gùi to, hố nước kia đầy một giỏ… Hỡi những con cá to, này những con cá nhỏ. Các chú cá to hãy ở lại đó. Mày tìm bóng mát, mày tìm hộc đá, mày ăn cái rêu, mày giỡn với tảng đá, mày đi theo đàn, thân mình mày sáng lóng lánh…”. Cùng với lời hát, là điệu múa của những cô gái Cơ Tu thể hiện hành động nhanh tay vợt từng con cá to cho vào giỏ. Arất Thị Cúc - người thể hiện tiết mục “Hát bắt cá” chia sẻ: “Để thể hiện được cái hồn của bài hát này, mình đã phải tập luyện khá công phu. Hôm nay, mình và cả đội đã đem hết khả năng thể hiện bài hát trên sân khấu liên hoan để giới thiệu nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến các đoàn bạn”. Tiếng hát lời ca và điệu múa của người Cơ Tu cũng như các dân tộc anh em trong khu vực như hòa quyện trong niềm hân hoan vì được đem vốn quý văn nghệ truyền thống giới thiệu cùng bạn bè và người xem.
Tuy chưa có kết quả chính thức, nhưng theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, “Hát khóc trâu” của đồng bào Cơ Tu - Quảng Nam là một trong những tiết mục “sáng giá” được đề cử chọn tham gia Liên hoan Dân ca, dân vũ toàn quốc lần thứ V, sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tháng 4 này.
Đặng Nam Đông