Độc đáo đình đá An Bàng
Đình đá An Bàng (Cẩm An, TP. Hội An) dù trở thành phế tích nhưng cho thấy đây là một công trình tín ngưỡng đặc biệt, không chỉ bởi giá trị văn hóa mà còn được xây dựng bằng chất liệu đá.
Bản phác thảo đình đá An Bàng của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản TP. Hội An. |
Nếu như miền Bắc có nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) thì ở Nam Trung Bộ chỉ có đình đá An Bàng được xem là điển hình về công trình kiến trúc được tạo tác bằng đá.
Độc đáo
Các nguồn tư liệu điền dã của Phòng VH-TT TP.Hội An đã xác minh, từ thế kỷ XVII đình đá An Bàng (đình Ngũ tộc) đã được các tộc họ Lê, Nguyễn, Đinh, Trần, Phạm góp sức dựng xây, tọa lạc bên bờ bắc sông Cổ Cò. Mặc dù chỉ còn là phế tích nhưng từ các cuộc khảo cứu, có thể xác định được giá trị đặc biệt của ngôi đình này là chỉ được làm bằng đá. “Từ gia phả của dòng họ, tôi được biết rằng xây dựng được ngôi đình là cả một kỳ công của các tộc họ. Để tri ân các bậc tiền hiền đã dày công khai khẩn vùng đất An Bàng ngày nay (trước đây là làng Sợi Mây - Đại An), tổ tiên của chúng tôi đã quyên góp tiền bạc, công sức để ra tận Ninh Bình mua đá và mời các bậc lão luyện nghề đá về thiết kế và “trồng” được ngôi đình” - cụ ông Phạm Văn Ngự, hậu duệ của dòng họ Phạm tham gia dựng xây nên ngôi đình đá cho biết. Theo cụ Ngự, vật liệu đá được vận chuyển về An Bàng bằng đường biển rất khó khăn, nhưng nhờ sự đồng lòng của các dòng tộc, công việc cũng được quán xuyến xuyên suốt qua hàng năm trời.
Đi quanh khu phế tích, trong ngổn ngang đá, chúng tôi vẫn còn nhận diện được nhiều lớp hoa văn tinh xảo được bày bố sắc nét, lung linh như đang chạy khắp các thân cột, kèo. Nhà thơ Phùng Tấn Đông (Trung tâm VH-TT TP.Hội An) cho rằng, An Bàng ở ven biển nên để xây dựng ngôi đình tránh sự gặm mòn của muối biển, bền vững theo thời gian, người xưa đã chọn đá là chất liệu phù hợp nhất, dù ai cũng biết chỉ dùng đá để xây đình rất khó. “Những nghệ nhân xưa, bằng nghệ thuật trác tuyệt trong đục đẽo, chạm khắc đã phải tốn biết bao nhiêu thời gian để hoàn thành được một ngôi đình như thế này? Những bậc khai cơ của làng An Bàng, vì lý do gì mà có thể “độc sáng” khi chọn vật liệu đá để làm đình mà ngay cả làng đá Quán Khái (Non Nước) dọc theo sông Cổ Cò gần đấy cũng đã không nghĩ đến? Chỉ tiếc là chiến tranh trong dòng biến thiên của thời gian đã xô ngã cả một công trình vĩ đại”- nhà thơ Phùng Tấn Đông cảm khái.
Tìm nghệ nhân phục dựng: cũng gặp khó! Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam cũng khẳng định, đình đá An Bàng là một công trình văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng độc đáo không dễ gì xây dựng được. Ngoài việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ, công trình này cần sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội thì mới có cơ may phục dựng nguyên trạng. Tuy nhiên, cái khó nhất là tìm được đội ngũ những nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thiết kế và thực hiện được một ngôi đình chỉ bằng vật liệu duy nhất là đá mà có thể tạo nên diện mạo kiến trúc độc đáo, hoa văn tinh xảo như cũ. |
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vì đây là nơi hoạt động, liên lạc cách mạng nên kẻ thù đã thả bom tàn phá ngôi đình. Từ các nguồn ghi chép khác nhau (bên cạnh gia phả và tư liệu), chúng tôi được biết tại đình đá An Bàng, ngày hội làng tổ chức đã quy tụ người dân địa phương đến đàn ca múa hát, gặp mặt và hội họp. Trong không gian hài hòa sông nước, người dân vùng ven biển An Bàng đã sáng tạo các hình thức nghệ thuật dân gian độc đáo và còn truyền giữ đến tận bây giờ như hò chèo ghe, hò kéo lưới, hò kéo neo...
Câu chuyện phục dựng
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết, cùng với dự án khai thông sông Cổ Cò, TP.Hội An cũng đã định hướng phục dựng, tu chỉnh lại ngôi đình đá An Bàng. Ngoài việc khoanh vùng, định vị và căn cứ vào các cứ liệu khảo sát được, thành phố cũng đã phác họa xong một đồ hình kiến trúc có quy mô và mẫu kiến trúc tương hợp với tính chân xác của đình đá. Việc sưu tầm các mẫu đá làm cột, kèo, tường… vốn tản mác trong các khu dân cư cũng đã được tiến hành. Ông Nguyễn Chí Trung khẳng định: “Ngoài các giá trị về văn hóa, nghệ thuật, đình đá An Bàng còn là một sự khái quát lớn về lịch sử đấu tranh cách mạng của Cẩm An nói riêng, TP. Hội An nói chung. Việc phục dựng đình đá là hết sức cần thiết”. Cũng theo ông Trung, trước mắt thành phố tiến hành sưu tầm các mẫu đá phù hợp để có thể gắn kết liền mạch với các mẫu đá hiện còn, phục vụ tu chỉnh; việc liên hệ với các nghệ nhân tạo tác đá nổi tiếng cũng đã được cất nhắc. Khi phục dựng lại đình đá An Bàng, ngoài việc bảo tồn các giá trị văn hóa hiện có, Hội An cũng sẽ chọn đây là điểm đến trong quần thể di tích, kiến trúc chung, phục vụ khách tham quan, giới thiệu chiều sâu văn hóa Hội An đến bạn bè trong và ngoài nước…
Những cột đá còn lại của ngôi đình trước đây. Ảnh: Q.VIỆT |
Mật độ di tích phân bố trên địa bàn TP. Hội An rất lớn, nhưng nhiều di tích trong số đó đã xuống cấp. Bởi vậy, việc ưu tiên đầu tư bảo tồn các di tích đối mặt với nguy cơ sụp đổ trở nên cấp thiết hơn so với việc phục dựng các phế tích. Như vậy, câu chuyện phục dựng đình đá An Bàng cần có giải pháp về vốn đầu tư. Ông Lê Tấn Việt - Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho rằng, với các giá trị to lớn của đình đá An Bàng, phường Cẩm An cũng đang kiến nghị TP.Hội An để có giải pháp thích đáng hầu mong khôi phục lại diện mạo vốn có của đình đá trước đây. Để bổ sung cho nguồn vốn đối ứng của thành phố và sự hỗ trợ nếu có của UBND tỉnh, địa phương sẵn sàng vận động sự đóng góp của toàn thể nhân dân An Bàng nói riêng, nhân dân trên địa bàn phường nói chung, bởi đây là giá trị đại diện cho vùng đất Cẩm An. “Nơi đây đã hình thành nên nếp sống của vùng đất qua các sinh hoạt và làm phong phú thêm các giá trị văn hóa địa phương khi giao thoa với bên ngoài. Không có lý do gì để địa phương không “xắn tay áo” vào cuộc cùng thành phố nhằm phục dựng lại đình đá An Bàng” - ông Lê Tấn Việt khẳng định.
NGUYỄN QUANG VIỆT