Đất Quảng - Chân dung từ cuộc chiến

Nguyễn Điện Nam 16/03/2013 08:51

Cuốn sách “Đất Quảng - Chân dung từ cuộc chiến” của nhà báo Đinh Văn Dũng vừa được ấn hành, như góp thêm ý nghĩa hướng về kỷ niệm những ngày tháng ba lịch sử, ghi dấu tấm lòng trân quý những cống hiến hy sinh của người Quảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Không dày lắm với hơn 250 trang sách kể lại câu chuyện của 29 cá nhân, tập thể, sự kiện lịch sử, nhưng cuốn sách lại mang “sức nặng” ở chỗ mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cảm nhận là tác giả đã “cố gắng phác họa gương mặt con người là chủ thể và cũng là sản phẩm của cuộc chiến”, đồng thời làm người đọc “có thể chạnh lòng với tác giả, hay có thể ngạc nhiên về nhiều người trong cuộc chiến thành tích đầy mình sao giờ đây họ còn chịu  nhiều thiệt thòi mà lại “chẳng hỏi đòi chi, hồn giản dị”...”.

Con người hiện lên trong “Chân dung từ cuộc chiến” đầy ắp khổ đau mà anh dũng, giản dị mà cao cả, được mô tả bằng lối văn thô mộc như lời kể chuyện của người Quảng. Người đọc có thể gặp gỡ câu chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Anh hùng Trần Thị Lý, Hồ Văn Biển, Nguyễn Phan Vinh, Lê Minh Trung, Lê Tấn Viễn, Huỳnh Huề… dưới góc nhìn riêng bằng xúc cảm chân thật. Đặc biệt, chân dung về những cán bộ binh vận, những chiến sĩ giao liên, công tác mật trong nội thành Đà Nẵng và các đô thị miền Nam bừng lên ánh sáng của lòng quả cảm, trí thông minh đến không ngờ.  

Một góc độ khác, chính qua những trang sách mỏng mảnh nhưng không mong manh, lấp lánh những tính cách người Quảng kiên trung, bất khuất nhưng giàu lòng nhân ái. Hơn ai hết, từ cuộc chiến dữ dội đạn bom lửa cháy, người Quảng đã hiểu cái giá rất đắt để có hòa bình, độc lập, nhưng sẵn lòng khép lại những trang máu và nước mắt hận thù để hướng tới vòng tay nhân văn, nhân loại. Từ một đài bia tưởng niệm ở Hà My, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả, người đọc thấy toát lên vẻ đẹp của sắc hương hoa sen, của vị mặn biển cả tình đời…

Nguyện vọng khắc họa “Chân dung từ cuộc chiến” của đất và người xứ Quảng quả không thể một mình Đinh Văn Dũng mang vác nổi. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An đã “giới thiệu”, chiến tranh kết thúc khi Đinh Văn Dũng còn là cậu bé 8 - 9 tuổi, nên “để có được những hiểu biết, cảm xúc, có vốn sống viết về những chân dung cuộc chiến hẳn anh đã có biết bao nhiêu cố gắng và tâm huyết”. Mà làm sao có bút mực nào nói hết, kể hết về đất Quảng, nơi “ra ngõ gặp anh hùng”? Vậy nên, cuốn sách của Đinh Văn Dũng đáng trân trọng khi góp phần khơi dậy ước vọng “cháy lên ngọn lửa” trong những người cầm bút trẻ viết về cuộc chiến đã qua.

Nguyễn Điện Nam

Nguyễn Điện Nam