Người Co vui hội

SONG ANH - VINH ANH 13/03/2013 09:10

Lần đầu tiên sau nhiều năm, người Co trên địa bàn huyện Bắc Trà My được “trở lại” với văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong một ngày hội lớn vừa tổ chức tại xã Trà Kót.

Lễ đâm trâu của đồng bào Co.
Lễ đâm trâu của đồng bào Co.

Nét văn hóa độc đáo

Đã bao nhiêu năm trôi qua, già làng Trần Văn Hành (làng Ông Âu, xã Trà Kót) mới có được một ngày vui như hôm nay. Ông bảo đứa cháu gái đang theo học ở Đà Nẵng phải về mừng hội của làng. Cô cháu gái Trần Thị Lệ cũng không quên mượn bạn học chiếc máy ảnh kỹ thuật số để ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong lễ hội của đồng bào mình. Già Hành nói: “Bao nhiêu năm rồi, đồng bào mình hôm nay mới có được cái lễ lớn, đông vui như thế này. Vừa có đánh cồng chiêng, nhảy múa, vừa có lễ đâm trâu, lễ cúng Thần Nước, Thần Sông và thần Karatế. Già ưng cái bụng lắm”. Vừa trò chuyện, già làng hơn 80 tuổi vừa chỉ những thanh niên trong làng cách rải lá cây lau để sau khi đâm trâu còn biết cách mà làm. Kế bên, ông Nguyễn Văn Nghía, năm nay cũng gần 70 tuổi, chỉ cho trai gái trong làng các điệu nhảy checlat, pattamoi, checphankhong để cùng nhau nhảy múa trong lễ đâm trâu.

Sau Tết Càzim (thường diễn ra vào tháng 10 âm lịch) và Tết Bác Hồ (tức Tết Nguyên đán của người Kinh), đây là lần lễ hội lớn nhất mà cả làng cùng tham dự. Trước khi lễ đâm trâu diễn ra, UBND huyện Bắc Trà My đã tổ chức cho người Co tại xã Trà Kót giao lưu với đồng bào khắp huyện và cả đồng bào Co bên mé Trà Bồng (Quảng Ngãi). Trong đêm trước ngày diễn ra lễ đâm trâu, đồng bào Co cùng nhau tụ họp cúng thần bản đã giúp họ có được vụ mùa ấm no, giúp con cháu không đau ốm bệnh tật. Lễ cúng gồm 3 con heo, 9 con gà tượng trưng cho trời và đất. Sau lễ cúng, đồng bào cùng quây quần bên những bếp lửa đỏ hồng, kể cho nhau nghe chuyện ngày xưa và say sưa cất lên những làn điệu dân ca truyền thống của người Co. Nào điệu a giới, a ly nồng nhiệt hân hoan, điệu dân ca xà ru ngọt ngào cho đến điệu hát cacheo có từ Tết Càzim, rồi những điệu nhảy chỉ có của người Co. Họ cùng nhau vui bên ché rượu cần, đánh chéc tok, chéc tup suốt đêm để đợi đến ngày hội chính hôm sau.

Người Co quan niệm, cây nêu càng cao, càng thẳng, càng đẹp thì may mắn càng nhiều cho bản làng. Cây nêu được dựng lần này chính là cây vừa được khôi phục trước Tết Quý Tỵ, sau khi tham khảo ý tưởng và phác họa của nhiều già làng trên địa bàn huyện. Khi mặt trời ló dạng, cả làng cùng tiến hành các nghi thức để thực hiện lễ đâm trâu. Già Hành khấn trời đất, thần linh phù hộ cho dân làng, và cầu mong các thần nhận lễ vật dân làng dâng lên. Sau khi tiến hành lễ cúng, người làng cùng nhấp ché rượu cúng, nhảy điệu checlat, sau đó xếp thành vòng tròn dẫn đến cây nêu. Cơm nếp, lá cây lau, trứng gà được đựng trong một chiếc gùi. Vị già làng dẫn đầu đoàn lễ đi 9 vòng quanh trâu cúng và tiến hành đâm trâu. Giáo, mác, lao đã được thanh niên, trái tráng sẵn sàng trong tay. Dân làng và khách tham dự đứng xung quanh cổ vũ. Khi trâu gục ngã, già làng đập trứng gà bôi lên cây nêu nhằm làm dịu mát không khí đang hừng hực. Tiếp theo, một già làng lấy lá cây lau tung lên cao để bà con cùng hứng lấy, cầu mong mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu để mùa sau tiếp tục tổ chức lễ đâm trâu. Sau khi hoàn tất các thủ tục, lễ cúng, người làng cùng xẻ thịt trâu, tổ chức ăn mừng ngày hội.

Gìn giữ bản sắc

Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội văn hóa dân tộc Co lần thứ nhất cho biết, người dân, già làng, trưởng bản rất phấn khởi khi nghe tin huyện sẽ tổ chức lễ hội này trên địa bàn. Bà Dung cho hay, chính đồng bào đã mang những bảo vật cổ truyền của gia đình tham gia gian hàng triển lãm tại lễ hội. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục có những kế hoạch dài hơi trong công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. “Bắc Trà My đang tiến hành xây dựng quảng trường văn hóa. Sẽ có 5 nhà làng tượng trưng cho giá trị văn hóa truyền thống của 5 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện được dựng lên” - bà Dung nói.

Tại ngày hội, chúng tôi bắt gặp khá nhiều gương mặt trẻ. Họ là thế hệ thanh niên đồng bào Co đang theo học tại nhiều trường trong và ngoài tỉnh. Trần Thị Lệ (tốt nghiệp ngành nghiên cứu văn hóa trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, đang được huyện cử đi học cao cấp chính trị tại Đà Nẵng) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi biết đến nhiều phong tục, nghi thức văn hóa của đồng bào mình. Mặc dù là người Co nhưng vốn hiểu biết của tôi cũng như các bạn trẻ nơi đây về văn hóa đồng bào mình rất ít, bởi các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống dân tộc lâu nay không được tổ chức. Thông qua lễ hội lần này, chúng tôi có cơ hội để ý thức hơn về việc gìn giữ vốn văn hóa của đồng bào mình”.  Ngay cả già làng Trần Văn Hành cũng chia sẻ rằng, để tiếp tục có những ngày hội như thế này, thế hệ trẻ phải biết được văn hóa, lễ nghi của đồng bào mình. “Có lẽ không cần phải có những hoạt động, lễ hội thật to lớn, chỉ cần tái hiện đúng nghĩa lễ hội mang đậm bản sắc của mỗi tộc người, tự bản thân nền văn hóa đó sẽ có sức sống lâu bền” - bà Dung chia sẻ.

SONG ANH - VINH ANH

SONG ANH - VINH ANH