Nơi đỉnh núi thơ và mây trắng

Tùy bút của NGUYỄN NHÃ TIÊN 02/03/2013 08:56

Cho dù Lễ hội mùa xuân Côn Sơn chưa đến ngày khai hội, nhưng khách muôn phương ngày mỗi về đông hơn. Côn Sơn ngày nay hoa ngàn sắc, gió ngàn hương, nhưng không hiểu sao tôi lại mơ hồ một quãng lặng của rêu xanh, nơi ngày xưa Ức Trai từng “tỉnh mộng nhớ ba rặng cúc vườn cũ”…
ĐI trong tiết trời ngập tràn gió lạnh mùa xuân Côn Sơn, con đường hun hút xuyên giữa cánh rừng thông thoảng nhẹ từng làn mây trắng mỏng mảnh bay lượn lờ, như dẫn dắt con người vào một thế giới xa xăm thanh vắng. Trong âm thanh vi vút bất tận của thông ngàn, hòa điệu với tiếng rì rầm lao xao của khe suối, chừng như cái cõi “cố sơn” gieo đầy giấc mộng trong thơ Ức Trai - Nguyễn Trãi thuở xa xưa, Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng (*), cho đến tận bây giờ hãy còn vang hưởng đâu đó giữa ngút ngàn âm thanh và mây khói ấy. Dấu xưa Ức Trai từng lưu lại núi non này, từ thời thơ dại cho đến thuở cáo quan lui về ở ẩn tại Côn Sơn, hòa mình vào thiên nhiên bao la, cao khiết một đời sống thanh bần, ngày ngày vui cùng Láng giềng một áng mây bạc/ Khách khứa hai ngàn núi xanh.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.Ảnh tư liệu
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.Ảnh tư liệu

Từ đền thờ Nguyễn Trãi bước ra, loanh quanh ngoài khuôn viên Thanh Hư động, nhìn cái vạt đất núi mưa gió xói mòn lơ thơ cỏ dại, tôi liên tưởng đến dấu tích nền nhà cũ nơi Ức Trai ngày xưa bao lần Hé cửa đêm chờ hương quế lọt. Vọng thức hay là bước đi giữa một vùng đất sâu dày trầm tích văn hóa, ta thường bắt gặp một thứ phóng nhiệm quang chiếu vào tâm thức mỗi khi chạm vào từng sự vật cụ thể. Bước dọc theo triền con suối về phía thượng nguồn, chạm tay vào một phiến đá phẳng nằm bên suối, thì ra cái thạch bàn - nơi Ức Trai thường ra ngồi ngắm cảnh và làm thơ là đây. Chao ôi, Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai, những hơn 600 năm rồi, vậy mà tiếng suối ấy, tiếng đàn cầm xao xuyến thanh âm vang động trong thơ Ức Trai ấy chảy mãi cho đến tận bây giờ. Cái thể phách, cái tinh anh của người xưa đã hòa tan vào bao la đất trời xanh thẳm Côn Sơn, mây bạc ánh lên như những hồi quang soi rọi lấp lánh, hư vô cả đấy mà mồn một dấu xưa cũng đấy!

Hái cúc ương lan hương bén áo/ Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn/ Đàn cầm suối trong tai dội/ Còn một non xanh là cố nhân. Hương hoa cỏ của mùa xuân Côn Sơn bây giờ lối nào mà chẳng bén áo, có thể còn bát ngát tỏa hương gấp vạn lần ngày xưa ấy chứ. Chỉ có điều, mùi hương cúc, hương lan của Côn Sơn - “cố nhân” của Ức Trai - mới là thứ hương vạn kỷ, thứ hương như phẩm hạnh thanh cao của nhà thơ. Bao thế kỷ qua rồi mà sao những tuyết - nguyệt - phong - hoa đẫm đầy trong thơ Ức Trai cứ như quyện vào đất trời Côn Sơn huyền nhiệm một sức sống. Thì còn gì nữa, dù trải qua bao thăng trầm và bi kịch của một số phận, nhưng may mắn thế nào đó, kho tàng văn học còn lưu giữ được đến bây giờ tập thơ chữ Hán “Ức Trai thi tập”, và nhất là tập thơ chữ Nôm “Quốc âm thi tập” - có thể xem là tác phẩm văn học bằng tiếng mẹ đẻ xuất sắc nhất thời hậu Lê còn lưu lại một cách trọn vẹn.

Những hơn 600 năm rồi, vậy mà tiếng suối ấy, tiếng đàn cầm xao xuyến thanh âm vang động trong thơ Ức Trai ấy chảy mãi cho đến tận bây giờ. Cái thể phách, cái tinh anh của người xưa đã hòa tan vào bao la đất trời xanh thẳm Côn Sơn, mây bạc ánh lên như những hồi quang soi rọi lấp lánh, hư vô cả đấy mà mồn một dấu xưa cũng đấy!

Có người cho rằng, hành hương về Côn Sơn là chạm vào ngôi đền thi ca của Ức Trai. Nói thế cũng chẳng có gì là quá. Lẽ thường, mỗi khi cổ ngoạn vùng đất huyền thoại sáng danh những nhân vật lịch sử và văn hóa, tâm thế con người ta hay bất chợt  khơi vơi trong trạng huống phóng thể về một dĩ vãng xa xăm nào đó. Ví như bây giờ, mặc dù bầu không khí mùa xuân Côn Sơn người đông vui dặt dìu nhau du xuân, ấy vậy mà khi bước đi trên những bậc đá giữa rừng thông bao la, trong ngút ngàn thanh âm gió lá kia, tôi nghe ra niềm cô đơn của Ức Trai đã khảm khắc vào chon von đỉnh núi: Còn một non xanh là cố nhân! Khoảnh khắc ấy, hình ảnh Ức Trai nhẹ nhàng giũ bỏ áo mão, rồi như làn khói bay giữa núi rừng, khi thì đạp áng mây ôm bó củi, lúc ngồi bên suối gác cần câu, có nơi cốt cách nghệ sĩ phóng khoáng niềm tự do được tắm mình giữa thiên nhiên, quét trúc bước qua lòng suối/ thưởng mai về đạp bóng trăng. Bước chân người ung dung thoát tục, nhưng lại có khi như là ưu du: Nhân dữ bạch vân thùy hữu tâm (Ta và mây trắng ai có tâm đây?). Câu thơ như một câu hỏi cho ngàn sau còn khôn nguôi niềm xao xuyến.

Thực ra, toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Ức Trai không chỉ là “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”, mà còn là: Bình Ngô đại cáo, Phú núi Chí Linh, Quân trung từ mệnh tập, Văn bia Vĩnh Lăng, Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh, Chiếu biểu viết dưới triều Lê, Dư địa chí... Tầm vóc một danh nhân văn hóa, một anh hùng dân tộc như Ức Trai - Nguyễn Trãi còn nhiều hơn thế nữa. Nhưng ở đây, cái bóng núi Côn Sơn lại gieo vào trong tâm tưởng tôi ngọn núi thơ sừng sững Ức Trai, cái bóng núi mà như thơ Người  viết: Nước chảy âu không xiết bóng non. Vâng, nước chảy khó mà trôi bóng núi, cho dù đó là dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, ẩn chứa trong lòng một thứ biển dâu định mệnh đã trút xuống cuộc đời Ức Trai nỗi oan khiên lịch sử.

Có thể nói, tháng năm lui về Côn Sơn ở ẩn, Nguyễn Trãi thi sĩ một cách triệt để nhất, Danh thơm một áng mây nổi/ Bạn cũ ba thu lá tàn/ Lòng tiện soi dầu nhật nguyệt/ Thề xưa hổ có giang san. Tâm hồn thi sĩ Ức Trai trong sáng quá, người nhún nhường mở lòng cho nhật nguyệt soi xét, lời thề xưa chưa trọn vẹn giúp nước non, đành hổ mặt mà nhìn giang sơn. Về Côn Sơn, tình yêu của Ức Trai, người bạn lớn của Ức Trai là thiên nhiên kỳ vĩ. Về Côn Sơn, láng giềng của Ức Trai là mây, là núi, là chim, là hoa cỏ. Cái núi cô liêu thăm thẳm của Ức Trai đã hào phóng sẻ chia cùng thi nhân cả kho tàng thiên nhiên giàu có cái đẹp. Thiên nhiên trong thơ Ức Trai không là bức tranh vẽ chép lại từ thế giới, mà đã hòa nhập vào tâm hồn nhà thơ thành một nhất thể: Trời nghi ngút, nước mênh mông/ Hai ấy cùng xem, một thức cùng/ Lẻ có chim bay cùng đá nhảy/ Mới hay kia nước, nọ hư không… Ở vào cái thuở cách xa bây giờ hơn cả sáu thế kỷ, vậy mà thi tài và trí tuệ uyên áo của Ức Trai đã viết nên những vần thơ trác việt như thế. Thơ đẹp như bức tranh cổ phương Đông in trên nền trời xanh biếc Côn Sơn, cái bóng núi huyền thoại soi bóng xuống Lục Đầu Giang như dẫn đường cho những bước chân hành hương tìm về!
Ngày xưa, Ức Trai từng Mộng giác cố viên tam kinh cúc (Tỉnh mộng nhớ ba rặng cúc vườn cũ). Vườn cũ bây giờ là đâu giữa mây trắng giăng giăng đồi núi chập chùng thông reo và gió hát? Không biết có phải từ vọng tưởng mà ra hay là một ngẫu nhiên, mà từ xa xa triền núi kia, áng mây trắng mỏng mảnh lượn lờ bay qua những rặng thông, rồi lướt qua phiến đá thạch bàn bên dòng suối ảo mờ, như bóng người xưa bay lên…

Tùy bút của NGUYỄN NHÃ TIÊN 
 (*) Những câu in nghiêng trong bài là thơ Nguyễn Trãi, trích từ “Nguyễn Trãi toàn tập” của Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội 1976.

Tùy bút của NGUYỄN NHÃ TIÊN