“Tin vào sự phát triển của thơ Việt”

NGUYỄN QUANG VIỆT (thực hiện) 24/02/2013 09:05

Nhà thơ Đặng Vương Hưng (công tác tại NXB Công an Nhân dân, người tham gia quản lý quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và gắn bó với cuộc thi thơ lục bát “Nghìn năm thương nhớ”) đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với PV Báo Quảng Nam nhân Ngày thơ Việt Nam.

- P.V:Xin anh chia sẻ chút cảm xúc khi từng gắn bó với cuộc thi thơ lục bát “Nghìn năm thương nhớ” trước đây?

- Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Là thành viên ban giám khảo, tôi rất tâm đắc với cuộc thi thơ này. Đây là một cuộc thi hiếm hoi huy động đến 6 cơ quan báo chí (Tuần báo Văn nghệ, Báo Giáo dục & thời đại, báo Gia đình & xã hội, Hệ phát thanh có hình- Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Người cao tuổi, website Lucbat.com) cùng tham gia. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ban tổ chức đã nhận được hơn vạn bài thơ của hơn 10 nghìn tác giả gửi về. Phần lớn trong số đó là những bài thơ rất chất lượng. Chúng tôi đánh giá đây là cuộc hội tụ thơ thú vị, để lại dấu ấn đặc biệt trong sáng tạo của nhiều tác giả cũng như người yêu thơ. Bây giờ nhớ lại, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn nhiều cảm xúc.

- P.V:Có ý kiến cho rằng các cuộc thi thơ nói chung, thơ lục bát nói riêng, vẫn còn mang tính phong trào, tự phát, điều này có khiến anh thất vọng không?

Đó là một đánh giá quá khắt khe. Tôi lấy ví dụ về cuộc thi thơ lục bát mà bạn vừa đề cập. Cuộc thi đó chỉ được tổ chức trong 6 tháng thôi, mà ban giám khảo đã phát hiện được nhiều tác giả trẻ rất “luyến láy” về giọng điệu. Có lẽ quỹ thời gian hạn hẹp ở nhiều cuộc thi thơ mà đặc biệt là thơ lục bát đã làm cho thơ ít, nhiều bị giảm đi tính “thiêng” của mình.

- P.V: Nhiều diễn đàn về thơ đã chia sẻ rằng, hơn ở đâu hết, thơ lục bát là nơi gìn giữ và nâng niu sự trong sáng và giàu biểu tượng của tiếng mẹ đẻ nhất. Anh đánh giá gì về suy nghĩ này?

“Trong tiến trình phát triển của thơ Việt, chúng ta hy vọng vào sự gặp gỡ, cộng hưởng với nhiều thể loại thơ giàu tính biểu đạt khác, của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, nếu lục bát được công nhận là quốc thơ, tôi tin vào sự phát triển của thơ Việt gắn với những gì tinh túy nhất về giá trị mà cha ông ta đã dày công tạo dựng”.
(Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG)

Tiếng Việt của chúng ta giản dị và dễ hiểu, rất gần gũi với sinh hoạt, tập quán của người Việt. Tôi nghĩ thơ lục bát là sự tôn vinh tiếng Việt nhuần nhị nhất. Khi nào thơ lục bát còn sống được thì bản sắc văn hóa, tâm hồn Việt khó bị nhòa đi, dù cho đời sống công nghiệp ngày một “gặm nhấm” thói quen của chúng ta.

- P.V: Có thể thấy rằng, thời gian qua, nhiều tác giả trẻ chỉ chú trọng đơn thuần vào hình thức thơ sao cho mới mẻ và hiện đại. Theo anh, thơ lục bát có giúp các nhà thơ vừa bám sâu vào đời sống hiện đại lại vừa có những gợi mở về cuộc sống đương đại không?
Lục bát là một thể thơ hết sức đặc biệt, nó có thể bám sát vào đời sống nhân dân, nhất là đời sống của người lao động lam lũ. Có rất nhiều tác phẩm lục bát đưa ra nội dung bám sát vào đời sống hiện đại. Một điều có thể thấy nữa là tất cả vấn đề bức xúc và ám ảnh của đời sống hiện nay đều có thể đưa vào  thơ lục bát. Thơ lục bát có thể chuyển tải được những chiều kích sâu sắc nhất. Đó là một khả năng đặc biệt của lục bát.

- P.V:Với tính thuần Việt của thể thơ lục bát, có nên đề cử lục bát thành quốc thơ Việt Nam?

Ở Việt Nam, đối với lục bát, các nhà thơ thành danh hay chưa thành danh đều ít nhất vài lần dùng thể thơ này để biểu đạt những điều muốn nói. Có cơ sở để chúng ta đề cử lục bát là quốc thơ của Việt Nam. Xét về lịch sử, lục bát là một thể  thơ có từ rất lâu đời. Lục bát cũng có thể lưu truyền và bất tử qua lời ăn tiếng nói của nhiều tầng lớp nhân dân. Người dân Việt Nam từ khi được sinh ra đã làm quen với lục bát qua lời ru ầu ơ của bà, của mẹ, khi lớn lên thì được nghe các làn điệu dân ca, ca dao. Người Việt Nam chúng ta tự hào về Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới, người đã dùng thể thơ lục bát làm chủ đạo về thể loại trong sáng tác. Lục bát đã trở thành hồn vía của dân tộc. Đây là thể thơ thuần Việt hơn cả. Lục bát là thể thơ lưu giữ được vốn liếng văn hóa tự ngàn đời của dân tộc.

- P.V:Thử ví dụ, nếu lục bát được công nhận quốc thơ, xa hơn nữa là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (như quan họ, ca trù), thì điều này sẽ tác động như thế nào đến đời sống thơ ca Việt, thưa ông?

Quan họ, ca trù đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lục bát không chỉ có mặt trong các thể loại diễn xướng đó mà còn hiện hữu trong chèo, hát xẩm, dân ca và nhiều làn điệu khác biểu đạt về ngọn nguồn dân tộc Việt. Dĩ nhiên, trong tiến trình phát triển của thơ Việt, chúng ta hy vọng vào sự gặp gỡ, cộng hưởng với nhiều thể loại thơ giàu tính biểu đạt khác, của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, nếu lục bát được công nhận là quốc thơ, tôi tin vào sự phát triển của thơ Việt gắn với những gì tinh túy nhất về giá trị mà cha ông ta đã dày công tạo dựng.

- P.V:Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thân mật này.

NGUYỄN QUANG VIỆT (thực hiện)

NGUYỄN QUANG VIỆT (thực hiện)