Ngày xuân, vãn cảnh chùa

NGUYỄN TAM MỸ 23/02/2013 08:44

Gần 90 năm tồn tại, trải qua bao cuộc bể dâu với lúc suy lúc thịnh, song chùa Tế Nam vẫn là nơi chốn để đạo hữu và bà con trong thôn đến “tĩnh tâm” nhìn lại một năm qua và đón chào năm mới với lòng hướng thiện.

Ngày xuân ngày tết, về quê, sau khi viếng mộ ông bà gia tiên, thắp nén hương thơm vọng tưởng tiền nhân, tôi theo chân bà con thôn Phái Đông (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) vãn cảnh chùa Tế Nam. Thầy Trần Minh Thoại - sư trụ trì chùa Tế Nam - cho tôi hay: “Chùa Tế Nam theo phái Nam tông, nhà chùa luôn mở rộng cửa đón chào người có đạo và người không có đạo. Vì thế, ngày xuân ngày tết, bà con trong thôn đến chùa vãn cảnh, phát tâm cúng dường”.

Chùa Tế Nam.
Chùa Tế Nam.

Chùa Tế Nam do Ân sư Thái Viết Đào sáng lập năm 1925. Lúc bấy giờ, ông Thái Viết Đào là người giàu có nhất vùng, hầu hết ruộng đất thuộc loại “nhất đẳng điền” ở làng Tả Lâm và làng Hữu Lâm đều là của ông. Cuộc sống giàu sang của một phú hào không làm ông thanh thản vô lo khi nhìn thấy bao phận người bất hạnh lầm than, quanh năm làm lụng cật lực nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lay lắt sống trong cảnh đói nghèo triền miên. Và rồi ông quyết định dâng hiến tất cả gia sản để xây dựng chùa Tế Nam. Khi khánh thành chùa cũng là lúc ông xuống tóc quy y cửa Phật.

Mẹ tôi bảo, hồi đó có không ít người thất cơ lỡ vận, tứ cố vô thân tới nương nhờ thiền môn. Trong số họ có người hoạt động trong “hội kín”, bí mật tuyên truyền giác ngộ dân nghèo đi theo cách mạng. Tháng 8.1945, tổng khởi nghĩa nổ ra. Cùng với nhân dân cả huyện, bà con Hữu Lâm với gậy tầm vông trong tay rầm rập kéo về huyện đường Tiên Phước đánh đổ chế độ phong kiến để xây nền dân chủ mới. Rồi thời thế đổi thay, khi quân viễn chinh Mỹ nhảy vào miền Nam, thầy Tư (tục danh là Lê Mậu Thành) cởi bỏ áo cà sa tham gia kháng chiến. Và trong một trận chống càn không ngang sức, ông đã anh dũng hy sinh. Chính quyền tề ngụy không thể kiểm soát được chùa Tế Nam (vì nằm ngoài vùng bị địch tạm chiếm) nên chấm tọa độ dội pháo “xóa sổ”. Kỳ lạ thay, đạn pháo các cỡ băm vằm nát bốn chung quanh nhưng ngôi chùa nhỏ vẫn không hề hấn gì. Đinh ninh đấy là chốn linh thiêng, bọn chúng kiêng, không dám bắn phá nữa.

Lúc bấy giờ, ngoài thầy Sáu là sư trụ trì, còn có thầy Bốn, cô Tư, cô Năm... Là những người tu hành nhưng họ luôn ủng hộ kháng chiến. Và chùa Tế Nam là “điểm hẹn” giữa Đội công tác Phước Kỳ với các cơ sở cách mạng hoạt động trong ấp chiến lược thôn Hữu Lâm. Trong những năm tháng ấy, cha và anh Ba tôi đặt “hộp thư chết” tại chùa Tế Nam để liên lạc với các ông Nguyễn Địch, Trần Ninh... ở Đội công tác Phước Kỳ cho đến khi quê hương được hoàn toàn giải phóng.

Không chống chọi nổi với thời gian, dù rằng đã qua hai lần sửa chữa, chùa Tế Nam ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, chùa Tế Nam được xây dựng mới với sự đóng góp tiền bạc, công sức của bà con đạo hữu và bá tánh gần xa. Sau 3 năm thi công, chùa Tế Nam được xây dựng xong và khánh thành vào dịp lễ Vu lan 2012… Vãn cảnh chùa, tôi vào chánh điện thắp hương lễ Phật, không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy di ảnh của những người quá cố ở thôn Phái Đông được thờ tự ở đây. Thầy Trần Minh Thoại giải thích: “Nhiều gia đình trong thôn mong muốn người thân đã về với tổ tiên được hương khói thường xuyên đã đem di ảnh đến chùa thờ tự”. Trò chuyện với vị sư trụ trì, tôi được biết thêm, chùa Tế Nam đã đón nhận trường hợp không phải là đạo hữu tới nương nhờ cửa Phật để “tĩnh tâm”. Đó là chị X. Chơi biêu, chơi hụi, cuối cùng vỡ nợ, chị X. tìm đến chùa để suy ngẫm lại những chuyện đã làm nhằm nhận ra điều tốt xấu. Là anh Y. nghiện ma túy, quyết tâm cai, anh nương nhờ chốn thiền môn để đoạn tuyệt với “làn khói trắng mỏng manh chết người” nhằm làm lại cuộc đời ở tuổi thanh xuân…

Vãn cảnh chùa, trò chuyện với bà con đạo hữu ở thôn Phái Đông, tôi nhận ra chùa Tế Nam không những là chốn tâm linh mà còn là nơi bao người cùng chung tay thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”.

NGUYỄN TAM MỸ

NGUYỄN TAM MỸ