Đua tài đầu năm

XUÂN HIỀN - CÔNG TÚ 18/02/2013 08:29

Trong không khí tràn đầy nhựa sống đầu xuân Quý Tỵ 2013, hàng nghìn người dân ven lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã có dịp thưởng thức màn đua tài hấp dẫn, kịch tính ở các hội đua thuyền tại Trung Phước (Nông Sơn) và Đại Lộc.

Hội làng trên sông Thu

Đã thành thông lệ, xuân năm nào tại làng Trung Phước người dân cũng háo hức rủ nhau đi xem hội đua thuyền đầu năm. Ngay từ tờ mờ sáng mùng 7 tết, những người dân quen với ruộng đồng bờ bãi đã í ới gọi nhau trẩy hội. Từ người già đến trẻ nhỏ, khuôn mặt đầy vẻ hân hoan. “Đầu xuân trẩy hội sông nước cầu mong an lạc, phồn thịnh cho quê hương đã trở thành nếp nghĩ của người dân nơi này. Ngày xưa dân ở đây chủ yếu di chuyển bằng đường sông, làm ăn nhờ con nước nên rất coi trọng việc cúng tế cũng như hội làng trên sông” - ông Phan Hùng (gần 60 tuổi) cho biết. Ngoài ý nghĩa tri ân công đức thần linh phù hộ một năm yên bình, người dân vùng thượng nguồn sông Thu còn cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, nhân dân trong vùng làm ăn phát đạt.

Quyết liệt tranh tài.Ảnh: BÍCH LIÊN
Quyết liệt tranh tài.Ảnh: BÍCH LIÊN

Đúng 6 giờ sáng, tiếng trống khai hội vang lên rộn rã. Cơn mưa lâm thâm không ngăn được dòng người từ các vùng đổ về bến chợ Trung Phước. Hội làng gắn với phong tục tập quán và nếp làm ăn của người dân bản địa nên tất thảy đều xem đây như ngày hội của chính mình.

Hội đua thuyền mùa xuân ở thượng nguồn sông Thu đã có từ rất lâu. Sau một thời gian mai một do chiến tranh, điều kiện sống, hơn 10 năm nay, hội làng sông nước được phục hồi. Trên sông, các thuyền xếp thành hàng ngang, khí thế hừng hực. Đây là những tay chèo “cừ khôi” của các xã được người dân quê tin tưởng chọn cử đi tranh tài. Trên bờ, người mang trống, người mang chiêng khua ầm ĩ, rộn vang cả đoạn sông. Xem chừng đứng trên bờ không thể nào bộc lộ hết tinh thần đối với đội nhà, nhiều cổ động viên nhiệt tình bơi theo thuyền đua, hò reo cổ vũ. Phía bên kia sông, biền bãi làng Đại Bình đầy kín người dự hội. Không chỉ có người dân làng Trung Phước và các địa phương của huyện Nông Sơn, hàng trăm cổ động viên đến từ các huyện khác cũng bơi ghe theo thuyền đua của xã mình để đến với bến đò Trung Phước. Người ở Hiệp Hòa (Hiệp Đức) thì xuôi thuyền theo triền sông; người ở Đại Lộc, Duy Xuyên thì ngược nguồn về với Cà Tang, Đại Bình. Khắp vùng Trung Phước tràn ngập không khí lễ hội.

Năm nay, ngoài sự tham dự của các đội thuyền địa phương như Bình Yên (Phước Ninh), Dụ Sơn (Quế Lâm), Cà Tang, Quế Trung... còn có các thuyền đua đến từ Đại Thạnh, Đại Thắng, Đại Cường (Đại Lộc), Duy Tân (Duy Xuyên), Hiệp Hòa (Hiệp Đức). Theo ông Nguyễn Thanh Quảng - Trưởng ban Tổ chức, số lượng các thuyền đua tham dự năm nay đông hơn các năm trước. Mỗi thuyền đua có 18 thành viên tham gia tranh tài. Sở dĩ hội đua thuyền truyền thống mở rộng được đến các vùng địa phương lân cận như vậy vì sự hỗ trợ lớn từ các mạnh thường quân. Những người con xa quê sẵn sàng góp từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng cho hội làng quê hương thêm phần xôm tụ.

Kết quả chung cuộc, đội thuyền xã Đại Thạnh giành giải Nhất các giải Hòa Bình và Chánh Tiền; đội thuyền xã Quế Trung nhất giải Rượu. Ngoài hội đua thuyền truyền thống, người dân vùng sơn cước Nông Sơn còn được thưởng thức 2 đêm văn nghệ chung khảo “Tiếng hát mùa xuân” và sôi động cùng giải bóng đá “Tứ hùng” của huyện.

Đua tài trên Vu Gia

Đứng trên bờ công trình kè khẩn cấp chống sạt lở sông Vu Gia qua khu vực thị trấn Ái Nghĩa mới hoàn thành vào cuối năm 2012, ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc vui vẻ cho hay, giải đua thuyền truyền thống (diễn ra thường kỳ vào mùng 6 tết) là hoạt động hòa chung không khí sôi nổi của nhân dân đón chào xuân mới. Giải đua thuyền truyền thống lần này quy tụ 31 đội tham gia, số lượng thuyền đua đông đảo nhất từ trước đến nay. Sau lễ khai mạc, 16 đội thuyền nam bắt đầu xuất phát trên đường đua tranh giải Hòa Bình dưới sự hò reo cổ vũ của hàng nghìn cổ động viên đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn Đại Lộc và vùng lân cận. Ngay từ vòng thi đầu tiên, thuyền đua xã Đại Nghĩa đã vượt lên phía trước, rồi một mình băng băng về đích, bỏ khá xa những đội còn lại.

Trong các hoạt động vui xuân đón tết tại Đại Lộc, có lẽ chưa có môn thi đấu truyền thống nào lại thu hút đông đảo lượng khán giả đông kỷ lục như giải đua thuyền năm nay. Các cổ động viên từ trẻ con cho đến người già, không phân biệt nam, nữ đứng cả hai bờ sông thưởng thức, tập trung đông nhất trên đoạn bờ kè mới dài gần 1 cây số nắm phía tây nam cầu Ái Nghĩa. “Sức hấp dẫn của cuộc đua nằm ở chỗ sự quyết liệt mang tính đồng đội cao, nhất là đoạn vặn tiêu. Thời khắc đó đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật lách qua khe hở giữa cọc tiêu và thuyền bạn của người chèo rồi vặn tiêu để thoát đi, vượt nhanh lên phía trước, hướng đến chiến thắng cuối cùng” - ông Nguyễn Văn Sô (xã Đại Hiệp) phân tích.

Sức hấp dẫn và kịch tính càng tăng lên ở nội dung thi chính thức dành cho nam, khi các đội thuyền cạnh tranh nhau quyết liệt từng mét nước. Đến vòng thứ 3, thuyền đua các xã Đại Đồng, Đại Nghĩa bứt tốc vượt lên, rồi xứng đáng giành hai vị trí đầu tiên. Song, khán giả vẫn dành lời khen ngợi cho những nỗ lực kiên trì bám đuổi của nhiều đội về phía sau, trong đó, đội giành thứ hạng 4 và 5 chỉ cách nhau có tích tắc. Dù năm nay đã 82 tuổi, cụ bà Võ Thị Sâm (xã Đại Hồng) vẫn đi xem đua thuyền. Sở dĩ bà “nghiện” như thế vì thích không khí sôi nổi, quyết liệt, bền bỉ diễn ra trên đường đua. Giữa đám đông cổ động viên đang “truyền lửa” cho đội đua của mình, nổi bật hình ảnh chị Ngô Thị Hà (xã Đại Sơn) miệng liên tục hò reo, khoa chân múa tay. Chị cho hay ngay lúc nhỏ môn đua thuyền đã lôi cuốn mình bởi tính hấp dẫn, hào hứng của nó.

XUÂN HIỀN - CÔNG TÚ

XUÂN HIỀN - CÔNG TÚ