Tiếng gọi đò ngang…
Nói đến người hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong ca dao, ta dễ liên tưởng ngay đến sự đảm đang tần tảo, chịu khó chịu thương. Đó là hình ảnh những “con cò lặn lội bờ sông” trong bóng chiều tà, giữa những cánh đồng quê, dường như quên mất họ đi, lấy hạnh phúc của người mình thương làm hạnh phúc của chính mình. Đó là hình ảnh của những cô Tấm trong cổ tích, những cô Tâm trong câu truyện “Cô hàng xén” của Thạch Lam, những cô Tú trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Suốt đời, họ chỉ biết đến hy sinh và phụng hiến, trong tình yêu và trong cuộc sống. Tấm lòng của họ mênh mông lắm và sự yên lặng chịu đựng khiến sự mênh mông kia càng thêm thăm thẳm. Trái tim của họ như một con ốc nhỏ, nhưng tựa hồ như chứa đựng cả đại dương.
Nhất là sự cam chịu thiệt thòi trong tình yêu đôi lứa. Đã có bao giọt nước mắt rơi xuống dòng sông nơi “cây đa bến cũ”, khi người con gái cất bước sang ngang với mối tình đầu dang dở? Ngậm ngùi “bỏ cuộc chơi” để rồi chấp nhận cuộc đời lặng lẽ cùng trách nhiệm, với sự ràng buộc khắt khe của hai chữ “tam tòng”: Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”. Đó là những nàng Kiều trong ca dao: “Nàng rằng: Phận gái chữ tòng/ Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Nhưng có lẽ bài ca dao sau đây gây cho chúng ta một ấn tượng lạ thường:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về.
Trong văn học mọi thời đại hiếm có những câu thơ nào nói về tình yêu đơn giản mà tha thiết đến thế; chấp nhận tình cảnh ngậm ngùi nhưng không hờn oán, trách móc nhưng không cay nghiệt, trong đau đớn mà vẫn đằm thắm yêu thương.
Đi đâu? Thiếp không cần biết, miễn là được đi theo chàng. Cho dẫu phải đến tận cùng trời, cuối đất. Hang rồng hang rắn, hay địa ngục thiên đường, nào có gì là quan trọng? Miễn sao được sống bên cạnh chàng. Tình yêu chân chính không hề biết đến sợ hãi. Và nó giúp con người đủ nghị lực để đương đầu, thách đố với đói khổ lẫn thương đau. “Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”, có gì thiết tha hơn, đằm thắm hơn câu ca dao bình dị đó? Không một đòi hỏi đáp đền. Chỉ cho đi, mà không mong chờ nhận lại. Đó chỉ có thể là tình mẫu tử mà thôi! Tình yêu của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa mênh mông đến vậy.
Lịch sử nhân loại, và ngay trong cuộc sống đời thường cho chúng ta thấy những khi đại cuộc gặp cơn khốn quẫn hay gia đình gặp cảnh ba đào, chính phụ nữ tiên phong tự nguyện hy sinh để cứu vãn tình thế. Dường như thượng đế đã ban cho họ lòng vị tha nhẫn nhục để hướng đến hy sinh, nếu điều đó đem lại bình yên cho người mà họ yêu thương. “Đi đâu cho thiếp theo cùng”. Dù có bị hờ hững bạc đãi cũng được, miễn sao được trọn đời gần gũi chàng để sửa túi, nâng khăn. Cho dù nước chảy có vô tình, nhưng hoa rơi lại hữu ý, cho nên hoa cứ âm thầm đợi chờ đến ngày nước cảm nhận được lòng hoa.
Ví dầu tình có dở dang,
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về.
Hai chữ "ví dầu" nghe như một lời dự báo. Vì dù là ví dầu nhưng trong thâm tâm dường như đã đoán trước được một kết thúc dở dang trong cay đắng. Tôi không biết trong nền văn học thế giới có thể nào có được một câu dân ca thăm thẳm như câu cuối hay không: Chấp nhận ra đi trong đau đớn, ra đi để khỏi bận lòng người mà mình đã tận tụy hy sinh. Không cần phải chờ đến con đò dọc, mà chỉ cần gọi một chuyến đò ngang. Không có gì có thể hay hơn hai tiếng “đò ngang” ấy!
Đò dọc là những chuyến đò chạy xuôi theo dòng sông trên đường dài, chủ yếu là thuyền buôn; lâu lắm mới có một chuyến, nhất là trong thời kỳ thương mãi kém phát triển trong xã hội ngày xưa. Còn đón đò ngang để sang sông không khó. Con sông nào cũng có bến đò ngang. Chỉ cần cất tiếng gọi là con đò cập bến để đưa khách sang sông. Bước chân đi vội vã, nhưng không rúng rắng oán hờn, mà vẫn giữ chữ lễ của đạo tam tòng: “Thì cho thiếp gọi”!
Nếu ca dao Việt Nam là cây đàn muôn thuở của nỗi niềm, thì tiếng gọi đò ngang đó mãi vang dội trong khắp cõi ca dao, như một giai điệu trầm buồn mênh mông trên sông nước, khi mái chèo đưa con đò qua bên kia sông trong bóng chiều hôm. Tiếng gọi đò trong ca dao, ở một góc độ nào đó, như gợi nên một hòa thanh tương ứng với tiếng gọi đò trong hai câu thơ tuyệt diệu của nhà thơ Quách Tấn: “Đời nửa khói mây chìm bóng mộng/ Gọi đò một tiếng lạnh hư không”.
Hư không không lạnh nhưng lòng người chắc là se sắt lắm, khi người thiếu phụ một mình trên con đường về, trước mặt chỉ còn bảng lảng bóng chiều hôm…
HUỲNH NGỌC CHIẾN