Một đời với tuồng cổ

SONG ANH 12/02/2013 10:53

Đã ngoài 80, nhưng tâm huyết dành cho tuồng của nghệ sĩ Văn Thị Mộng Huyền - người luôn giữ kép chính trong những vở diễn đi suốt các  miền quê khu V - xem ra vẫn còn “trẻ” lắm.

Cha dạy con, rồi con gái lại dạy lại cho con của mình – đó là điều đẹp nhất về gia đình người nghệ sĩ già mà chúng tôi biết được. Bà Mộng Huyền kể, cha bà (ông Văn Phước Khôi) là diễn viên của đoàn tuồng Quân khu V, ngụ tại Hội An. Người diễn viên già nhiều lần dẫn cô con gái đến những sân khấu dựng sơ sài để xem cha tập và diễn. “Riết rồi mê. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu lên sân khấu với cha” - bà Mộng Huyền nhớ lại.

Bà Văn Thị Mộng Huyền trong vai hoàng hậu Dương Vân Nga.
Bà Văn Thị Mộng Huyền trong vai hoàng hậu Dương Vân Nga.

Khi cha truyền dạy đủ những lớp lang của tuồng đồ, Mộng Huyền bắt đầu theo đuổi giấc mơ hát tuồng ấp ủ từ bé. Ngay từ thời niên thiếu, giọng ca Mộng Huyền đã vang khắp tỉnh. Những đoàn tuồng tư nhân bắt đầu mời bà lưu diễn, từ Túy Nguyệt Trường Thành (Đà Nẵng), Tân Thạnh Ban (Tam Kỳ) đến đoàn Sông Trà (Quảng Ngãi). Có khi bà đến diễn tại vùng núi Sơn - Cẩm -Hà (Tiên Phước), nhiều bữa ra tận đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đến khoảng năm 1950, bà lấy chồng, về tại Tam Kỳ. Từ đây, cuộc sống của nữ nghệ sĩ tuồng bắt đầu những chuỗi ngày cơ cực. “Tôi có 10 người con, mỗi khi mình đi hát thì đứa lớn chăm đứa nhỏ. Sau giải phóng đi hát nhiều hơn, nhưng thu nhập cứ như muối bỏ biển, phải làm thêm đủ thứ. Tôi chỉ dắt được đứa con thứ 5 theo nghề, đó là Trần Thị Xuân Phước” - bà Huyền chia sẻ.

Trần Thị Xuân Phước, thế hệ thứ 3 và cũng là người trẻ nhất trong gia đình theo nghiệp cầm ca, năm nay cũng đã ngoài 40. Mười tuổi, chị Phước đã mon men theo mẹ diễn tập và được chọn làm diễn viên nhí của nhiều vở. Đây cũng là đứa con mà người mẹ Mộng Huyền đặt niềm tin nhiều nhất. “Những hôm trời mưa, đi diễn, hai mẹ con chia nhau gói xôi cầm bụng. Vậy mà vui. Giờ mẹ già rồi vẫn ham hát, đến ngày Đại đoàn kết mẹ lại diễn cho tổ dân phố xem. Còn mình thì coi như xong, đoàn tuồng Tam Kỳ giải thể  mình cũng giải nghệ” - chị Phước nhớ lại.

Nhớ thương lời ca, điệu diễn của những tuồng tích cũ, thi thoảng lão nghệ sĩ Mộng Huyền lại lục ảnh cũ xem. Đến giờ, dù tuổi đã ngoài 80 bà vẫn nhớ rành rọt từng câu hát của nhân vật người mẹ trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn” hay những lời đau đớn của kép chính hoàng hậu trong vở “Hoàng hậu Dương Vân Nga”. “Lời lẽ tuồng tích còn nằm trong ruột mình chứ đi đâu được. Nó đã ăn sâu vào máu mình, không dễ dầu gì quên được” - bà nói.

Bà Mộng Huyền thường thủ vai chính diện, vai phụ nữ bất khuất, kiên trung và nhân hậu. Vai người mẹ trong “Thoại Khanh Châu Tuấn” của bà đã lấy nước mắt của nhiều thế hệ người xem. Thế hệ khán giả lớn tuổi ở Tam Kỳ hẳn còn nhớ đến một “cô đào” Mộng Huyền từng làm bao người mê mẩn. Nhiều người kể, ngày xưa, đoàn hát tuồng Tam Kỳ dựng vở nào cũng đông nghịt khán giả vì họ ái mộ “cô đào” Mộng Huyền vừa đẹp lại hát hay, diễn tốt… Giờ đây, bà sống yên bình trong ngôi nhà bên triền sông Trường Giang. Lớp diễn viên thế hệ bà ngày xưa đã theo ông bà về với đất gần hết. Những đứa con cũng chỉ biết vun vén cho mẹ niềm vui nho nhỏ: Cuối năm tụ họp về sân nhà để nghe bà hát lại khúc tuồng xưa…

SONG ANH


SONG ANH