Dạ cổ hoài lang qua thanh nhạc Tây phương
Năm 1970, khi mới 22 tuổi, tôi đến Bạc Liêu, đúng cái nôi vọng cổ Nam Bộ và miền đất phát tích bài Dạ cổ hoài lang. Tôi học hỏi được nhiều điều mới lạ về âm nhạc phương Nam, độc đáo nhất là thẩm thấu được trọn vẹn tâm tình và giai điệu bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Cao tiên sinh viết bài này vào ngày Trung thu năm 1919, khi ông xa người vợ trẻ yêu dấu. Ông đã sống chung với bà 3 năm nhưng bà không có con cái. “Tam niên vô tử bất thành thê”, gia đình buộc ông phải “để” vợ. Bài hát là khát vọng mong được đoàn viên hạnh phúc, viết với thanh nhạc dân tộc, trên cơ sở của ngũ cung Nam Bộ Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Líu, Ú.
Đại để, ông viết phía trên một câu ca từ, phía dưới là tên nốt của từng chữ đó (mà phương Nam gọi là chữ đờn). Toàn bộ bài hát có 20 câu, 116 chữ đờn. Về bản chất, Dạ cổ hoài lang là một ca khúc (chanson) độc lập, phong cách như nhạc Ballad trong âm nhạc Tây phương, chậm rãi, kể lể và diễn cảm (lento recitativo expressivo). Nhạc sử Việt Nam ghi nhận ở phía Bắc vào năm 1930, những bài nhạc cải cách - tiền thân của thể loại ca khúc tân nhạc - mới ra đời. Thế nhưng, ở phía Nam, năm 1919 Dạ cổ hoài lang đã có (dù viết với thanh nhạc dân tộc), chiếm lĩnh sinh hoạt đờn ca tài tử và gây xúc động cho nhiều thế hệ người nghe nhạc. Cao Văn Lầu đã đi trước thời đại 11 năm trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc.
Về nghệ thuật, Dạ cổ hoài lang có ca từ hay, âm hình đẹp, nghệ thuật chuyển âm giai phong phú. Cái giỏi nhất của Cao tiên sinh là đã tạo ra những tứ trình át âm, ngũ trình át âm khiến bản nhạc cổ không hề đơn điệu - tính chất dễ gặp nhất trong âm nhạc dân gian. Toàn bài có cấu trúc hoàn chỉnh; hai câu 16 và 20 lặp lại phần thanh nhạc nhưng khá mới mẻ.
Dạ cổ hoài lang làm say đắm các dàn đờn ca tài tử Nam Bộ. Từ sân chơi của đờn ca tài tử, Dạ cổ hoài lang đi vào sân khấu cải lương. Các nghệ nhân và nhạc sĩ đương thời dựa trên tiết tấu của Dạ cổ hoài lang, cải tiến cho tiết tấu nhanh lên thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32. Đó là bài ca vọng cổ ngày nay. Dạ cổ hoài lang là bản gốc của bài vọng cổ. Mỗi nghệ nhân cổ nhạc lên sân khấu cải lương hát bài Dạ cổ hoài lang một cách khác nhau. Khi học với thầy đờn, họ học rất chân phương nhưng khi biểu diễn lại “hoa lá”. Nghĩa là về mặt nội dung ca từ, họ có thể thêm bớt một vài chữ; về mặt thanh nhạc, họ tự nhấn nhá cao độ một vài nốt theo ý mình. Dạ cổ hoài lang phát triển như thế, đi ra ngoài quy ước của một ca khúc. Chính vì vậy, đã có nhiều cuộc hội thảo về Dạ cổ hoài lang nhưng cử tọa chưa thống nhất được một Dạ cổ hoài lang giống nhất với bản gốc của Cao tiên sinh.
Dạ cổ hoài lang thấm vào trong máu thịt của tâm hồn tôi. Năm 1999, tôi được tỉnh Bạc Liêu mời về và nhờ phục hiện Dạ cổ hoài lang qua thanh nhạc Tây phương. Dựa trên bản ca từ do Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu công bố, tôi đối chiếu từng nốt của thanh nhạc ngũ cung Dạ cổ hoài lang qua solfège âm nhạc Tây phương, viết lại ca khúc với nhịp 2/4, phong cách nhạc Ballad. Tôi nghĩ nếu cứ để Dạ cổ hoài lang theo âm nhạc cổ nhạc với Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Líu, Ú như ngày xưa thì thật khó cho giới trẻ Việt Nam tiếp cận và người nước ngoài muốn nghiên cứu âm nhạc dân tộc chúng ta càng khó hiểu được. Đưa nó qua Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si quốc tế thì phạm vi quảng diễn của nó sẽ rộng lớn hơn nhiều.
Và như thế, Dạ cổ hoài lang ký âm bằng thanh nhạc Tây phương của tôi ra đời. Nhiều ca sĩ ở phía Nam như Hương Lan, Bích Phượng, Hạnh Nguyên, Thùy Trang, Cẩm Ly, Bảo Thanh, Trang Anh Thơ… đã hát bản nhạc này với phần hòa âm của các nhạc cụ Tây phương và thành công trên sân khấu tân nhạc. Bài Dạ cổ hoài lang của tôi thực hiện ký âm vừa giữ được trọn vẹn gốc nguyên bản của Cao tiên sinh, vừa có quy chuẩn rõ ràng, chính quy và hiện đại của thanh nhạc Tây phương.
Qua Báo Quảng Nam số Xuân Quý Tỵ, tôi xin giới thiệu với bạn đọc “chân dung” Dạ cổ hoài lang Nam Bộ do tôi phục hiện. Bạn có thể chơi bài hát với nhạc cụ Tây phương guitare, organ, violon, piano, kèn saxophone… nếu thích. Các ca sĩ miền Trung đều hát được với điều kiện chuẩn hóa cách phát âm nhả chữ theo phong cách âm nhạc Nam Bộ.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN