Người "Vẽ" Nguyên Ngọc giữa Sài Gòn
Lần đầu tiên chúng tôi biết đến cái tên Nguyên Ngọc không phải từ việc đọc tác phẩm của ông, lại càng chẳng phải do được gặp mặt trực tiếp. Thời ấy đất nước còn chiến tranh, ông lại đang ở chiến khu lãnh đạo một cơ quan văn nghệ, nên cậu học sinh trung học là tôi chỉ biết đến Nguyên Ngọc qua một số báo xuân năm Bính Ngọ 1966, phát hành giữa Sài Gòn…
Gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn lưu giữ số báo Nghệ thuật xuân Bính Ngọ, như gìn giữ nét son đẹp của một thời, bởi nó thuộc về lương tâm văn học. Lịch sử đã từng chứng minh, những giá trị nhân văn như thế có khả năng tồn tại với con người. Sau ngày hòa bình, tôi có dịp gặp gỡ, ít nhiều quen biết với nhà văn Nguyên Ngọc và đã mang tới tặng ông bản photo số báo tết đó.
Trở lại với thời điểm tôi cầm trên tay tờ báo Nghệ thuật năm ấy. Đây là số đặc biệt của một tuần báo văn nghệ ra vào dịp tết, do nhà văn Mai Thảo làm chủ nhiệm. Tờ tuần báo Nghệ thuật xuân tăng trang, in ấn đẹp hơn, có sự đóng góp bài vở của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình thuộc hàng sáng danh trên diễn đàn văn học nghệ thuật ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Nhưng dấu ấn nổi bật của ấn phẩm này phải kể đến bài báo khá dài viết về những nhà văn Sài Gòn, trong đó có đoạn giới thiệu nhà văn kháng chiến Nguyên Ngọc.
Bài báo đó, đúng hơn là một tiểu luận văn học, có tiêu đề: “Mười năm truyện ngắn” của tác giả Tam Ích. Ông là nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng trên văn đàn Sài Gòn thời ấy. Có thể nói đây là một đánh giá có tính tổng kết qua nhãn quan của tác giả, theo tuyến thời gian quãng từ sau Hiệp định Genève (1954) đến xuân Bính Ngọ 1966, và cố nhiên là khu biệt trong văn học miền Nam. Đọc bài viết, tôi hình dung đến cái tư thế sảng khoái của nhà phê bình Tam Ích, đang ngon trớn điểm từng gương mặt quen biết như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nhất Hạnh, Mặc Đỗ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ… rồi bất ngờ đưa Nguyên Ngọc vào ngon lành. Mà Nguyên Ngọc xuất hiện mới đẹp đẽ làm sao: “… Một ngôi sao sáng nhất hiện thời là Nguyên Ngọc đã viết Đất nước đứng lên cách đây mấy năm… Một khi đã có kỹ thuật độc đáo rồi chỉ còn hai ngả: Một là chỉ viết những chuyện tầm thường thì rồi tài sẽ đứng lại; hai là dùng kỹ thuật của mình để kể những truyện độc đáo, thì tương lai lộng lẫy không biết đâu là chừng… Còn với Nguyên Ngọc thì lại khác hẳn, dẫu không từ Nga từ Mỹ từ năm châu bốn biển tới cho nên tơ là tơ thuần Á Đông, thuần Việt Nam, đây là tinh hoa thuần túy của đất nước, của gấm vóc. Tôi nói tinh hoa mà không ngượng miệng chút nào! Xin ngả nón rất thấp!”.
Vậy đấy, bao nhiêu nhân vật trong bài viết dường như nhòa đi bởi ngôi sao sáng Nguyên Ngọc xuất hiện. Tôi đoan chắc rằng, cả cuộc đời nhà văn Tam Ích (1915- 1972), ông chưa hề một lần gặp Nguyên Ngọc. Nói lên điều này là để tránh đi những ngộ nhận, hiểu lệch lạc, rằng họ có khi cùng hội cùng thuyền mà “bồng bế” nhau, hoặc vì những lý do "quan hệ" như thế nào đó.
Một lẽ khác, dưới chế độ Sài Gòn thời ấy, rào cản chính trị đã làm bao nhiêu tờ báo, tạp chí và cá nhân một số nhà văn sáng tác hoặc viết bài về đề tài kháng chiến bị lên bờ xuống ruộng. Tôi còn nhớ trường hợp truyện ngắn “Cha và Anh” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đăng trên tạp chí Vấn đề. Chỉ vì truyện có hơi hướm đánh Tây, kể chuyện kháng chiến lại bê bài hát “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy vào, nên tạp chí bị chính quyền Sài Gòn tịch thu và bắt đóng cửa, còn tác giả Nguyễn Xuân Hoàng phải xách chiếu ra hầu tòa. Nhắc lại để thấy trái tim quả cảm của Tam Ích, khi ông dám viết về một nhà văn “Việt cộng” tầm cỡ như Nguyên Ngọc với những nhận định toàn là ngôi sao sáng, là tinh hoa, là gấm vóc. Viết như thế, hẳn là ông cũng đã lường cái hậu quả bất trắc nào đó sẽ gieo xuống cuộc đời cầm bút của mình. Nhưng lương tâm văn học chính là ở sự quả cảm và trung thực đó.
Đến đây hẳn có người sẽ hỏi: Tam Ích là ai? Hồi ký của nhà văn Sơn Nam từng viết: “Hồi trước Cách mạng Tháng Tám, tôi (tức Sơn Nam) được may mắn học trường Trung học Cần Thơ. Bấy giờ Cần Thơ có hai trường trung học tư thục là Nam Hưng và Bassac. Bên trường Nam Hưng, giáo sư nổi danh nhất là Lê Nguyên Tiếp (tức Tam Ích) thích chống đối thực dân. Khoảng năm 1946-1947, trong chiến khu, tôi giựt mình vì trên số báo tương đối cũ “Ngày mai” có bài của Tam Ích… Dám viết báo trong vùng địch để chống đối công khai quả là táo bạo”. Hóa ra sự quả cảm, sự táo bạo đã tuần hoàn trong máu huyết của Tam Ích từ cái thời ông còn trai trẻ. Sau năm 1954, ông về Sài Gòn dạy học và tiếp tục các công trình nghiên cứu, dịch thuật rồi qua đời năm 1972. Một số sách của ông đã xuất bản như: Văn nghệ và phê bình, Nghệ thuật và nhân sinh, Dialogue (Pháp ngữ), Văn chương và xã hội, Trẻ Guernica (dịch), Kêu thương (dịch), Sartre và Heidegger trên thảm xanh (triết học), Ý văn (khảo luận)…
Vào thời điểm đất nước còn ngăn cách hai miền, Tam Ích đã lựa chọn Nguyên Ngọc để tạc nét xuân lung linh về một ngôi sao sáng theo cách nhìn của ông. Trong khi nhà văn Nguyên Ngọc đang gian nan kháng chiến ở tận vùng rừng núi khu 5 xa lơ xa lắc, thì Tam Ích đường bệ đặt bức tranh vẽ tinh hoa, gấm vóc Nguyên Ngọc lên một tờ báo tết thuộc vào hàng “sân rồng” giữa Sài Gòn, bất chấp mọi hiểm nguy đang vây bủa. Từ sau số báo tết đó, chẳng riêng gì lớp trẻ chúng tôi mà còn đông đúc tầng lớp bạn đọc khác ở miền Nam bằng nhiều cách khác nhau họ tìm đọc Nguyên Ngọc, để thưởng thức món ăn “thuần túy tinh hoa của đất nước” mà như Tam Ích đã giới thiệu.
NGUYỄN NHÃ TIÊN