Giữ hồn văn hóa làng quê
Đam mê hát bài chòi từ thời còn trai trẻ, ông Huỳnh Tấn Công (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) được người dân ca tụng như một “nghệ nhân” giữ hồn văn hóa của làng quê. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người dân quê biển Tam Tiến lại được thưởng thức tiếng hô hát bài chòi mời gọi giục giã, như tiếng lòng và tình yêu của “ông hô hiệu” (nhân vật chính của đánh bài chòi) dành cho loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống gắn bó với đời mình suốt hai mươi năm qua.
Ông Huỳnh Tấn Công cho biết, ông “bén duyên” với bài chòi rất tình cờ. Ngày tết, ông thường theo mẹ đến điểm hội bài chòi chỉ để được cầm những thẻ bài, cây cờ con ngũ sắc. Hình ảnh anh hô hiệu chạy lăng xăng, miệng thì không ngớt xướng to những câu thơ, câu vè ghép với tên những con bài dần dà ngấm vào máu thịt của ông, thành niềm đam mê cháy bỏng. May mắn được trời phú cho chất giọng đặc trưng cộng với tài ứng đối dí dỏm, tiếng hô bài chòi quen thuộc của ông Công để lại ấn tượng trong lòng người dân miền biển Tam Tiến. Sự hâm mộ, cổ vũ của bà con thôn xóm càng hun đúc tình yêu ông dành cho nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc này. Ông không ngừng tìm tòi, học hỏi từ các cụ ông, cụ bà đi trước rồi qua ti vi, báo đài; hễ nghe nơi đâu có tổ chức hô hát bài chòi là ông tìm đến để làm giàu kho tàng nghệ thuật cho bản thân. Tài nghệ vang xa, năm 2000, ông được UBND xã Tam Tiến cử đi tập huấn hô hát bài chòi 2 năm tại TP.Hội An. Bắt đầu từ đó, ông càng trở nên “chuyên nghiệp” hơn với nghiệp diễn của mình.
Những ngày tết là dịp ông luôn bận rộn với lịch diễn bài chòi. Cứ thường lệ, từ mùng một đến mồng 5 tết, điểm hát bài chòi các thôn Long Thạnh, Bản Long, Hà Quang, Phước Lộc, Lộc Đông… của xã Tam Tiến đều đã đặt hàng mời ông đến phục vụ bà con. Bởi hát bài chòi từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây mỗi khi tết đến xuân về. Cái thú của bài chòi không nằm ở ăn thua đỏ đen mà chủ yếu là vui đầu năm cùng bà con làng xã. Những người ngồi chơi đong đầy niềm vui với tâm trạng thấp thỏm, hồi hộp. Ngần ấy năm gắn bó với nghiệp hô hát, ông Công thuộc nằm lòng từng điệu hô của mỗi con bài chòi. Trong quá trình chơi, có lúc cao hứng, ông còn tự sáng tác những câu hò, làn điệu dân ca tả cảnh làng quê, niềm vui được mùa của nông dân, hay phác họa hình ảnh ngư dân làng chài kéo lưới… Ông Công chia sẻ kinh nghiệm: “Văn chương bài chòi là văn chương bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất thơ. Bộ bài chơi là bộ tam cúc, gồm 30 con bài in mộc bản theo lối thủ công, được dán trên những thanh tre vót mỏng, chia làm 3 pho: Văn, Vạn, Sách. Tùy theo mỗi địa phương mà tên gọi các con bài khác nhau từ nhất trò, nhì nghèo, ba bụng, tứ giống, tám tiền, chín xe… cho đến sưa, dóng, xơ, quăng, ầm, voi, rún… Khi con bài rút ra, anh hiệu bắt đầu hô những câu thai liên hồi kỳ trận, những lời khôi hài, dí dỏm khiến người lớn lẫn đám trẻ con cười nắc nẻ. Người chơi sành bài chòi chỉ cần nghe câu hô đầu tiên là có thể đoán ra con bài”.
Thú vị hơn là “máu nghệ thuật” của ông Công đã truyền lửa cho các con cùng niềm đam mê theo cha, tiếp nối nghiệp hô hát bài chòi. Bà con miền biển Tam Tiến ai cũng biết đến gánh hát bài chòi của gia đình “tài tử” Huỳnh Tấn Công cùng 2 con trai là Huỳnh Tấn Duy (25 tuổi), Huỳnh Tấn Phi (19 tuổi) với em trai ruột ông Công là Huỳnh Tấn Binh phục vụ hô hát bài chòi mỗi dịp tết. Họ hô hát biểu diễn chỉ để thỏa lòng yêu thích nghệ thuật, khơi dậy niềm vui, tinh thần phấn khởi cho bà con quê hương nhân dịp tết đến xuân sang.
ÁI LY