Bí ẩn “trời trồng”

LƯU ANH RÔ 02/02/2013 09:37

   Ở Quảng Nam có câu thành ngữ “Đứng trơ trơ như trời trồng”, diễn tả một thế đứng thẳng, hầu như không nhúc nhích. Phải chăng ông cha ta muốn nhắc lại truyền thuyết “trời trồng” thường gặp ở những huyện vùng cát Tam Kỳ, Núi Thành, Hội An... hay các làng ven sông Thu Bồn?
Từ truyền thuyết...

Chuyện xưa kể rằng, do kiếp trước ông bà, cha mẹ ăn ở thất đức thế nào đó nên con cháu của họ ở độ tuổi còn trinh thì bị trời quở phạt bằng cách “trồng” thẳng họ vào lòng đất. Người bị “trời trồng” thường là còn trẻ, là cư dân ở những vùng cát; họ tự nhiên bị bắt đứng chết trân một chỗ, giữa bãi cát mà không thể cựa quậy và tự giải thoát được, cứ thế cho đến khi “chìm” thẳng đứng vào lòng đất. Truyền thuyết còn nói rằng, khi có người bị “trời trồng” thì chỗ đất xung quanh họ đứng rất nóng, hào quang trên đầu của họ vụt sáng lóe lên!

Tại làng Kỳ Anh của xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ hiện có một nổng cát kỳ dị, dân địa phương gọi là nổng Cây Dừng (đọc theo tiếng địa phương, thực ra là cây vừng, tức cây lộc vừng). Nhiều cụ già vẫn truyền lại câu chuyện này: Năm 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường “Nam chinh bình Chiêm” bằng thủy quân, khi đi qua vùng biển này gặp lúc hoàng hôn thấy cảnh vật rất đẹp bèn ra lệnh cho chiến thuyền dừng lại để tướng sĩ nghỉ ngơi qua đêm. Khi đội thuyền dừng lại, nhà vua nhìn về phía tây thấy giữa dải cát trắng phau nổi lên một nổng lớn, trên đó có cây cối um tùm. Bỗng nhiên, một luồng ánh sáng màu hồng rực rỡ từ phía tây chiếu thẳng vào chỗ cây to nhất, tỏa ra một ánh hào quang rực rỡ. Ngài bèn cưỡi con ngựa hồng mao lúc nào cũng chinh chiến cùng mình, phóng lên đỉnh đồi. Khi đến nơi, luồng ánh sáng trên cây dừng vụt tắt. Con ngựa hồng liền hí lên vang dội. Từ trong thân cây, một con hồng mao khác y hệt con ngựa nhà vua cưỡi vụt bay ra, nhằm thẳng hướng nam mà phóng, kéo theo vầng hào quang rực rỡ. Cũng ngay lúc đó, con ngựa của nhà vua đang cưỡi bỗng dưng quỵ bốn chân xuống, lún dần, lún dần và mất hút vào lòng cát.

Nghĩ rằng, trời có ý muốn thay ngựa cho mình, nên vua Lê Thánh Tông bèn cưỡi ngựa hồng mao mới, lập tức quay lại chiến thuyền và đốc quân sĩ hành quân cấp tốc…

Làng cát ven biển Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu
Làng cát ven biển Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu


... đến chuyện nay

Trong tác phẩm “Cây Dừng Thiêng” (NXB Quân đội nhân dân - 2008) của nhà văn Đỗ Xuân Đồng, một người con của làng Kỳ Anh, có kể lại chi tiết: Vào những năm 1969-1970, bọn địch quyết liệt “bình định” vùng quê này, chúng đã đốn phá cây dừng. Hôm ấy trời đang nắng như thiêu như đốt, bỗng từ đâu mây đen ùn kéo tới, sấm nổ đùng đùng. Khi mây tan, mọi người thấy từ hướng tây một quầng ánh sáng màu hồng chiếu thẳng vào đỉnh đồi có cây dừng vừa bị chặt… Sau khi cây dừng bị đốn thì xảy ra chuyện lạ, một tên lính bình định tham gia đốn cây giữa trưa đi ngang qua đỉnh đồi bỗng bị “trời trồng”, hắn bị vùi thẳng đứng vào lòng cát trắng! Nghe bạn bị chết, 3 tên lính khác xông lên đỉnh đồi thử xem ma quỷ dám làm gì mình, liền bị mìn clay-mo do du kích địa phương đặt quật chết cả ba. Tiếp đó ít lâu, lại có chuyện một đêm bọn lính bình định đi phục kích về, qua nổng cát Cây Dừng bỗng thấy những bóng ma từ gốc cây bò ra, sợ quá, cả đám bỏ chạy. Một tên bị chìm vào cát mất tích…

Từ truyền thuyết “trời trồng” kể trên cho thấy một điều chung: Tất cả nạn nhân dù yếu (như người) hoặc mạnh (như ngựa) khi bị “trời trồng” đều không thể làm gì được, không thể tự giải thoát cho mình.

Vùng cát Kỳ Anh bây giờ.
Vùng cát Kỳ Anh bây giờ.

Đi tìm lời giải

Thực ra, trên thế giới hiện tượng “trời trồng” không phải là hiếm gặp, nếu không nói là rất phổ biến. Tại Florida (Mỹ) có chuyện 2 sinh viên dạo chơi ven hồ Okeechobee thì một người bị “trời” hút thẳng vào lòng đất theo tư thế thẳng đứng trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của người còn lại. Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, quân đội Mỹ khi hành quân trên đất Đức cũng đã chứng kiến một hiện tượng kỳ bí: một chiếc xe vận lương lớn trong đoàn quân lương gần làng Weimar (Đức) bị nuốt chửng vào lòng đất, trước mắt hàng trăm binh sĩ mà không hề để lại dấu vết gì. Kể từ đó, thế giới mới thật sự để tâm nghiên cứu hiện tượng “trời trồng”, “hố đen trên cát” hay còn gọi là “hiện tượng cát lún”.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, những nơi có cát hạt nhỏ, tròn, trơn và từng là nơi nằm giữa một dòng nước chảy mạnh thì hội đủ điều kiện để trở thành “cát lún”. Nếu vô tình bước vào vùng cát ấy thì coi như sa vào hố tử thần. Điều đáng nói là, trong một bãi cát mênh mông, chỉ có một vài chỗ là rơi vào vùng “cát lún”, trong khi bề mặt của chúng cũng có vẻ cứng như loại cát thường. Hạt cát lún thường tròn, trơn, có thể tự chuyển động quanh nhau và “chảy” như một dòng sông dưới lòng đất.

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng: những nơi có cát hạt nhỏ, tròn, trơn và từng là nơi nằm giữa một dòng nước chảy mạnh thì hội đủ điều kiện để trở thành “cát lún”. Nếu vô tình bước vào vùng cát ấy thì coi như sa vào hố tử thần. Điều đáng nói là, trong một bãi cát mênh mông, chỉ có vài chỗ là rơi vào vùng “cát lún”, trong khi bề mặt của chúng cũng có vẻ cứng như loại cát thường. Hạt cát lún thường tròn, trơn, có thể tự chuyển động quanh nhau và “chảy” như một dòng sông dưới lòng đất. Vì vậy, nếu vô tình sa chân vào cát lún thì phải cố gắng chạy thật nhanh, trước khi có thể lún sâu hơn. Nếu đã sa hẳn vào “hố tử thần” hoặc đã bị “trời trồng” rồi, thì nhanh chóng tháo tất cả vật nặng trên người; cố gắng nằm xuống, ngửa mặt lên trời giống như đang “bơi ngửa” và từ từ dịch chuyển nhẹ nhàng đến chỗ đất cứng gần nhất, mọi cử động phải bình tĩnh, nếu không muốn bị “trời trồng”.

Phải chăng từng chứng kiến tai nạn “cát lún” đối với những người quanh mình song không thể lý giải được, nên người Quảng gọi là đó là hiện tượng “trời trồng”, rồi khoác lên nó muôn điều kỳ bí như chúng ta đã từng nghe kể và truyền tụng suốt mấy trăm năm nay?

 LƯU ANH RÔ

LƯU ANH RÔ