Hát bộ trên nguồn
Ở làng Đại Bình (Nông Sơn) bây giờ, đoàn tuồng không còn nữa, nhưng những bậc cao niên trong làng vẫn nhớ và tự hào về một thời tiếng trống chầu vang động…
Gắn liền với đoàn tuồng là tên tuổi của ông Phan Vọng, thường gọi là ông Chơn (học trò ông Hai Doan, một nghệ nhân nổi tiếng thời đó). Ông Chơn là người đa tài, hát hay, hát tuồng hay hò đối đáp ông đều thể hiện xuất sắc. Hai đời vợ, con cháu đầy đàn nhưng đều bị cơn lụt lịch sử năm 1964 cuốn trôi tất cả. Vượt lên nỗi đau, máu nghệ sĩ vẫn tràn chảy trong ông, để rồi ông tập hát tuồng cho bà con trong làng. Có thể nói ông là người đầu tiên khơi nguồn hát tuồng ở làng Đại Bình.
Đò qua Đại Bình. |
Những năm 60 của thế kỷ XX, nghệ thuật hát tuồng ở Đại Bình rất sôi nổi. Nhiều nghệ sĩ ở các nơi về biểu diễn như đoàn hát ông Hội Hồng ở Dùi Chiêng phối hợp với kép hát của ông Phó Hường ở thôn Trung Hạ, cùng rước các đào ở xa như nghệ sĩ Võ Thị Thu Đào ở Quế Long… Những đêm có đoàn hát về, làng vui như trẩy hội. Gia đình nào cũng tranh thủ cơm nước, dọn dẹp để ra ngoài sân bãi sớm hơn. Có năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng phấn khởi tổ chức hát bộ mừng xuân từ mùng 4 đến 20 tháng giêng. Giai thoại truyền rằng, hát dài ngày như vậy, trống chầu phải kê bằng những khúc chuối to, có khúc lõm bị hư, bọ lên ăn chuối ăn thủng luôn… cả trống. Nhưng tiếng trống chầu vẫn dồn dập tưng bừng hòa theo tiếng hò reo vang dội nơi đầu nguồn…
Những năm chiến tranh, điều kiện biểu diễn rất khó khăn nhưng sân khấu tuồng vẫn không bỏ cuộc. Khó khăn đến mức trống chầu làm bằng thùng phuy, ánh đèn sân khấu là những ngọn đuốc vậy mà sân bãi vẫn chật kín người. Nhưng dần về sau, có thể vì sự an toàn của bà con, những đêm diễn thưa dần rồi lịm tắt… Đó là sự thăng trầm của nghệ thuật hát tuồng ở một làng quê tiêu biểu Quảng Nam. Nếu nói rằng vì điều kiện quá khó khăn nên đoàn tuồng tan rã thì chưa đúng. Thế thì tại sao hát tuồng Quảng Nam vẫn còn mờ nhạt so với các loại hình sân khấu khác?
Nhân tố tuồng ngày càng hiếm, kể cả đội ngũ nhạc công. |
Có một vài lý giải sau, trước tiên phải kể đến sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông hiện đại (truyền hình, mạng internet…) đáp ứng nhu cầu thưởng thúc nghệ thuật đủ mọi thành phần khán giả. Người lớn tuổi ngại đến chỗ đông, phức tạp nên ở nhà xem cho tiện. Còn lớp trẻ mải mê phim kiếm hiệp, chương trình ca nhạc, thời trang… nên nghệ thuật tuồng đối diện với thử thách lớn. Mặc dầu ngành nghệ thuật này có những nghệ nhân xuất sắc như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu…, một thời vàng son tô điểm cho sân khấu cung đình, nhưng cũng không thể bắt nhịp được với nhịp sống hiện đại.
Khởi đầu nghệ thuật tuồng chỉ dành riêng cho vua chúa cùng các quan thưởng lãm. Họ giỏi chữ nghĩa, học rộng, am hiểu Nho học. Cho nên, chữ nghĩa của tuồng cũng rất văn chương, lời ít ý nhiều, ai hiểu thì mới phát hiện hết vẻ đẹp của nghệ thuật tuồng. Chỉ đơn cử đoạn Kim Loan hát khi tiễn mẹ, lúc từ biệt ra về trong vở tuồng cổ “Tống Địch Thanh chinh Tây Liêu”: “Mẹ ơi mắt liếc ngó theo hình vân cẩu/ Đau lòng con mấy cuộc tang thương/ Vầng ô đà xa chốn an trường/ Dấu thỏ kiếp trông chừng cố lý/ Mượn sương trời rơi lụy đỗ quyên”. Người xưa diễn tả giọt nước mắt khóc mẹ là “sương trời rơi lụy đỗ quyên”, thật tuyệt tác, không có cách nào diễn đạt hay hơn…
Theo giáo sư Hoàng Châu Ký, bộ môn hát tuồng là “bộ môn bác học”, nên cũng rất khó tiếp thu, nhiều người học 6 tháng ròng rã chưa chắc tự tin lên sân khấu. Cho nên, nhân tố hát tuồng rất hiếm. Không có sự đam mê không thể tập nổi tuồng. Nói chung nghệ thuật hát tuồng là sự biểu hiện về hình thể và âm thanh. Đặc biệt về âm thanh, hơi phải vận từ bụng lên cổ, đưa hơi, giữ hơi ở hàm ếch... Cho nên biểu diễn nghệ thuật này không phải dễ dàng gì! Mặt khác, một số người quá mến mộ ngành tuồng nhưng không ai hướng dẫn nên “đơn thương độc mã” tập diễn, hát lom lem, chưa rành điệu bộ cơ bản của tuồng. Ai bước lên sân khấu tuồng ít nhất phải thuộc năm bộ tay (xoan, xỏ, vụn, chần, úp), năm bộ chân (cầu, kí, bê, siếng, nhảy), nhưng nhiều người chưa rành khiến khán giả có những trận cười nghiêng ngả…
Chuyện thăng trầm của nghệ thuật hát tuồng ở Quảng Nam đã được đề cập nhiều lần, nhưng phải thừa nhận rằng ảnh hưởng của tuồng vẫn còn tiềm ẩn ở mỗi địa phương. Quế Sơn chẳng hạn, 13 xã đều có đoàn tuồng. Ở xã Quế Trung (Nông Sơn), vào dịp lễ hội, hoặc xuân về chính quyền cũng tạo điều kiện để những nghệ sĩ nghiệp dư phô diễn tài năng. Năm vừa rồi khi khánh thành Phước Linh tự (Trung Phước 1), dân làng Trung Phước mời đoàn tuồng Quảng Nam về biểu diễn, được bà con không tiếc lời khen ngợi. Tiếng hát vang lên phía hữu ngạn thượng nguồn sông Thu, càng về khuya tiếng hát càng vang xa, vọng qua làng Đại Bình. Nhiều cụ già ngoài tám mươi đêm hôm không thể qua sông xem, nên tập trung ở dốc bến đò lắng nghe hết đêm diễn mới trở về nhà. Như vậy hễ còn khán giả là nghệ thuật tuồng còn có khả năng, niềm tin phục vụ công chúng.
Ở làng Đại Bình, văn nghệ quần chúng mừng xuân làm gì cũng xen vào một trích đoạn tuồng làm phong phú thêm cho chương trình văn nghệ đồng thời làm hả hê tấm lòng của quý cụ vốn có máu ham mê hát bội tự thuở nào. Không chỉ ở Đại Bình mà ở nhiều nơi còn vận dụng hát tuồng vào việc hát đưa linh… Sực nhớ, lúc sinh thời giáo sư Hoàng Châu Ký từng có nhiều hoài bão về hồi sinh tuồng, trong khi NSND Nguyễn Lai lúc lâm chung cũng mong ước: “Đừng để mai một nghệ thuật này của ông cha ta, uổng lắm!”.
MẠC LY