Già làng “áo dài khăn đóng”
Áo dài khăn đóng là trang phục truyền thống của đàn ông Việt, cũng là loại trang phục truyền thống được ưa thích của già làng các dân tộc miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Trang phục áo dài khăn đóng của già làng Cơ Tu trong lễ kết nghĩa. |
Trong lễ hội của người Cơ Tu hay người Co, bên cạnh trang phục truyền thống khố áo thổ cẩm, ta còn thấy những chiếc áo dài khăn đóng của các già làng. Họ đến phố huyện đặt thợ may đo hoặc thông qua các lái buôn người Kinh để sắm cho mình bộ trang phục áo dài khăn đóng mà đồng bào gọi là áo “bông tròn”. Trong khi các già làng Cơ Tu ở vùng thấp thích chiếc áo dài màu xanh, quần dài trắng thì các già làng Cor lại chọn cho mình chiếc áo dài với nhiều màu sắc khác nhau. Một số làng dân tộc Co vùng “Đường nước” thuộc địa phận huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi ưa dùng chiếc áo dài màu đỏ.
Áo dài và khố của đàn ông dân tộc Co. |
“Phụ kiện” cho già làng Sự khác nhau giữa trang phục của đàn ông người Kinh và già làng miền núi chính ở bộ trang sức kèm theo. Đàn ông người Việt không đeo trang sức kèm theo, trong khi đó các già làng miền núi lại rất coi trọng bộ trang sức khi diện áo dài khăn đóng. Lễ hội là dịp để các già làng khoe những món trang sức đắt giá nhất của gia đình. Điều này thể hiện tính cách, sự giàu có, sang trọng của từng người. Chỉ những gia đình giàu có mới có áo dài đẹp và bộ trang sức quý hiếm. Trang sức mã não, nanh heo, vuốt thú, cườm đá, vỏ ốc... được xâu thành chuỗi hỗn hợp tạo ra bộ trang phục hoàn chỉnh nhất. |
Người Co xưa từng sử dụng phổ biến áo dài lễ, đó là tấm vải nhuộm màu xanh hoặc màu chàm, vấn theo kiểu áo cà sa của nhà Phật, không may vá. Về sau, xuất hiện chiếc áo dài lụa được may sẵn của người Hoa hoặc người Việt mang lên trao đổi, mua bán. Có thể loại áo dài lễ (áo cót) này được du nhập lên vùng người Co vào khoảng giữa thế kỷ XIX và nhanh chóng thay thế loại áo dài kiểu vấn giống như áo “cà sa” đã có từ trước. Cùng với áo dài, người Co cũng dùng khăn đóng. Áo dài thường may kiểu áo kép, có nhiều màu, xanh đỏ, vàng, tím, xanh lá cây…; riêng trong lễ tang người ta kiêng mặc áo dài màu đỏ. Cá biệt, có nơi kết hợp giữa trang phục của người Kinh với trang phục dân tộc: mặc áo dài và đóng khố.
Già làng Cơ Tu đeo trang sức chuỗi cườm mã não và đá. Ảnh: T.V |
Trong quá trình cận cư, xen cư..., những ảnh hưởng của nhóm dân cư cũng chi phối ít nhiều đến trang phục các dân tộc. Ở miền núi đã xuất hiện sự “vay mượn văn hóa” (cultural borrowings), tiếp nhận các sản phẩm văn hóa của tộc người khác, trong đó có sự tiếp nhận các loại hình trang phục của các dân tộc cận cư. “Áo dài khăn đóng” thể hiện sức sống của loại hình trang phục này. Không phải các già làng thiếu bộ trang phục của mình để rồi phải “vay mượn” trang phục của dân tộc khác; mà cái chính là bộ trang phục này có sức hút, được cộng đồng bà con miền núi chấp nhận. Áo dài khăn đóng cũng góp phần làm cho lễ hội thêm phần long trọng, nghiêm trang, màu sắc đa dạng hơn. Sự giao thoa văn hóa đã cho họ sự lựa chọn phù hợp để làm đẹp và phong phú hơn đời sống văn hóa của tộc người.
Trang phục áo dài của già làng dân tộc Co.Ảnh: TẤN VỊNH |
TẤN VỊNH