Vui hội trống, chiêng
Chỉ là hội thi cồng chiêng nhưng đã tái hiện đầy đủ bản sắc Tây Giang từ lễ mừng lúa mới, kết nghĩa Pa ngón, lễ cưới, ngày mùa... Các diễn viên đã mang đến cho người xem những nét đặc sắc nhất của trống chiêng Tây Giang.
Vũ điệu tâng tung da dá mừng lúa mới ở Tây Giang. Ảnh: ANH TRÂM |
Hiện nay, Tây Giang có hơn 60 khu tái định cư; vì vậy, văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở đây ít nhiều đang bị mai một. Sự du nhập của các luồng văn hóa mới, cộng với việc phải di chuyển chỗ ở khiến những phong tục tập quán lâu đời của họ có nguy cơ bị lãng quên. Phục dựng các lễ hội mang tính đặc trưng như đâm trâu mừng tết mùa, múa cồng chiêng, tổ chức chợ phiên… không chỉ là giữ bản sắc Tây Giang mà còn làm “vừa lòng” cư dân của xứ sở khi hòa vào không khí đó là sự hồ hởi, vui mừng của đồng bào và được trở thành nhân vật chính trong các hoạt động này.
Nhân dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” diễn ra vào cuối năm 2012, UBND huyện Tây Giang tổ chức hội thi trống chiêng toàn huyện lần thứ nhất. Có hơn 300 nghệ nhân là những già làng, thanh niên nam nữ Cơ Tu của 10 xã trên địa bàn huyện tham gia. |
“Vui lắm, hồi trước ở làng cũ thường tổ chức những lễ hội như thế này. Từ khi sang khu tái định cư chẳng còn lễ hội chi nữa. Phần vì nơi ở mới không quen, phần do điều kiện không có, ít đất ít rẫy nên không có cái lúa mà mừng. Giờ được trở lại như ngày xưa, mừng lắm!” - chị Zơrâm Blùa cười nói.
Từng nhịp trống, chiêng mạnh mẽ, thanh thoát, âm quyện trong điệu múa tâng tung da dá thể hiện khí phách của những người con sống giữa đại ngàn Trường Sơn. Theo các già làng, điệu múa trống chiêng hầu hết đều có trong các lễ hội quan trọng của đồng bào Cơ Tu như cưới hỏi, đâm trâu, ăn mừng lúa mới, lễ kết nghĩa… Ở mỗi điệu trống chiêng khác nhau, có điệu múa tâng tung da dá khác nhau. Khi biểu diễn thường kèm theo nhiều vật dụng khác như thanh la, khênh, gùi, nia sảy lúa,... Lúc đầu, dưới sự dẫn dắt của già làng, đội hình tham gia lần lượt xuất hiện. Trong đó gồm nam, nữ và 6 nhạc công đánh chiêng trống xen kẽ. Già làng hú gọi dân làng ăn mừng, điều khiển điệu múa, thổi tù và gọi thần linh về dự hội. Nam giới tham gia điệu múa với các hành động tượng trưng cho tập quán sinh hoạt sản xuất của đàn ông Cơ Tu, gắn liền với sức mạnh của họ; phụ nữ với các hành động sảy lúa, gặt lúa, tuốt lúa rẫy...
Già làng Bhling B’ríu (thôn Zơ Rượt, xã Ch’Ơm) nói, những hoạt động như thế này hết sức cần thiết cho người Cơ Tu. “Lớp trẻ giờ không biết về các lệ tục của dân tộc mình, có biết thì cũng chỉ qua lời kể. Việc tổ chức những lễ hội như thế này sẽ giúp cho đồng bào Cơ Tu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình ”- già làng Bhling B’ríu chia sẻ.
Anh Trâm - Nguyễn Dương