Một thoáng quê nhà Tố Như
Từng nghe nói nhiều về Khu lưu niệm Nguyễn Du tại Hà Tĩnh, nhưng cho đến khi đặt chân đến mảnh đất Tiên Điền - làng quê gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của tác giả Truyện Kiều - chúng tôi mới thực sự cảm nhận như đang hành hương về nguồn cội...
Thực tế Nguyễn Du không lấy biệt hiệu là Tiên Điền, và ông cũng không sinh ra ở đó. Vùng này chỉ là quê hương gốc gác của thân phụ ông - cụ Nguyễn Nghiễm, Tể tướng triều Lê. Song cụ Nguyễn Nghiễm cũng không được gọi là cụ Tiên Điền, mà khi nhắc đến “cụ Tiên Điền” ai cũng biết đó là Nguyễn Du. Tên gọi một làng quê mùa trở thành tên của một nhà văn hóa lớn, và do đó Tiên Điền cùng nghiễm nhiên trở thành làng văn hóa.
Trong ánh nắng chiều tà và thanh vắng, Khu lưu niệm Nguyễn Du vừa được trùng tu mang phong cách kiến trúc cổ Việt Nam trải rộng khoảng 2 héc ta gồm quần thể tưởng niệm dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Trong đó có đền thờ cụ Nguyễn Nghiễm, khu lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Huệ - bác ruột của Nguyễn Du... Nhiều người cho rằng, chính tại vườn cây rợp mát trong khu di tích, nhiều gốc cổ thụ vẫn còn đến bây giờ từng là chỗ buộc ngựa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền khoảng 300 năm trước.
Tác giả bên chân tượng đại thi hào Nguyễn Du. |
Khi chúng tôi đến, khu lưu niệm vẫn rộng mở song hầu như không có nhân viên hướng dẫn, giới thiệu. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là bức tượng Nguyễn Du bằng đồng nằm sau cánh cổng, với trang phục khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông, toát lên thần thái nho nhã, thanh thoát. Dưới bệ tượng ghi rõ: Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Điều cần nói thêm, dọc trên những con đường gần làng quê, khi chúng tôi thăm hỏi Khu di tích Nguyễn Du, nhiều người dân quê mộc mạc có vẻ không biết, nhưng dùng cụm chữ “Đại thi hào” thì hầu như ai cũng hướng dẫn rành rẽ. Theo nhận định của triết gia Phạm Công Thiện, Nguyễn Du đứng ở chỗ cao nhất, vừa đại danh đối với dân tộc Việt Nam, vừa đại tài, đại trí, đại hiền, đại triết... Nói rút gọn lại một câu: Nguyễn Du vừa là thi bá, thi hào và đại thi hào.
Bên trong nhà thờ cụ Nguyễn Du bài trí đơn sơ, giản dị gồm một bàn thờ bằng đá vôi cát, một chiếc bàn nhỏ để bút nghiên cùng một bức hoành đề chữ “Hồng sơn thế phả” (do Hoàng Phù Phái, tước Trung Hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ: “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Phần kiến trúc này được xây dựng vào năm 1825 trên mảnh vườn nhà ở xóm Tiền Giáp. Năm 1940, hội Khai trí Tiến Đức đã dời ngôi nhà thờ này vào trong khu lưu niệm như hiện nay. Kề bên nhà thờ là Trung tâm Văn hóa Nguyễn Du mới được hình thành từ năm 2004. Nơi đây trưng bày trên 2.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền như: nghiên mực, chén uống trà, chén uống rượu, móc treo mũ áo, kỷ vật của cụ Nguyễn Du trong chuyến đi sứ Trung Quốc cùng hơn 500 bản Truyện Kiều được xuất bản qua các thời đại với nhiều thứ tiếng.
Bia mộ Nguyễn Du. |
Kế đến, nhà Tư văn cũng là một hạng mục thu hút du khách. Theo tài liệu lịch sử, nhà Tư văn có từ đời vua Lê Thần Tông (1732-1735), trước đây gọi là Văn thánh thờ Khổng Tử. Sau năm 1735, thời vua Lê Y Tông, Văn thánh thuộc về dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Tể tướng Nguyễn Nghiễm cho đưa Văn thánh về khu vườn của ông tổ họ Nguyễn. Tư văn trở thành nơi bình thơ văn của “Phượng trì long bảng”, từ tú tài trở lên. Nhà Tư văn làm bằng gỗ lim, lợp ngói vảy, chung quanh xây tường, gồm hai gian vốn là nhà Văn thánh của huyện Nghi Xuân do Nguyễn Nghiễm đưa về xây dựng tại đây. Năm 1790 bị binh hỏa hủy hoại, về sau khu nhà được người trong họ Nguyễn và quan viên trong huyện xây dựng lại, dành cho sinh hoạt văn hóa tâm linh và xướng họa thơ văn.
Ngày 15.12.2012, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đối với Khu lưu niệm Nguyễn Du. Dịp này, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Nghi Xuân đã khánh thành công trình tôn tạo nhà thờ đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du trong khuôn viên Khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền với vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. |
Cách khu lưu niệm khoảng 1km là mộ Nguyễn Du. Ông mất tại kinh đô Phú Xuân (16 tháng 9 năm 1820), nhưng thi hài được an táng ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến mùa hè năm Giáp Thân (1824), Nguyễn Ngũ, con trai Nguyễn Du cải táng hài cốt về chôn tại xứ Đồng Mái, sau lại di dời đến xứ Đồng Thánh gắn với khu vườn lúc Nguyễn Du còn sống tại Tiên Điền. Gần 100 năm sau, con cháu lại cải táng đến xứ Đông Cùng, là vị trí ngôi mộ hiện nay. Đến năm 1989, chính quyền địa phương đã tôn tạo xây bàn thờ, phần mộ bằng gạch và trồng vườn cây xung quanh. Bia đá đề dòng chữ: “Đại thi hào dân tộc - Nguyễn Du”. Quanh bia có khắc hình hoa văn thế kỷ XVIII. Mộ xây theo hình chữ nhật, vỉa bao quanh mộ xây bằng những viên gạch hồng đặt nghiêng không trát. Phần giữa thân mộ trồng cỏ xanh. Bao quanh khu mộ, bóng cây bạch đàn phi lao lên xanh ngăn ngắt…
Thắp nén hương vội vàng trước bia mộ Nguyễn Du khi hoàng hôn vừa buông xuống, chúng tôi ngậm ngùi nhớ đến hai câu thơ của ông: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Ba trăm năm nửa ai người sẽ/ Nhỏ lệ buồn thương một Tố Như), rồi cứ băn khoăn: liệu Nguyễn Du có bi quan quá hay không? Dù vậy, nhiều người vẫn nghĩ, đến bao giờ còn tiếng Việt thì Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn còn thổn thức trong trái tim của mỗi người Việt Nam.
TRẦN TRUNG SÁNG