Hoa và những vần thơ xuân
(QNO) - Từ cổ chí kim, hoa như một biểu trưng không thể vắng mặt trong thơ ca, đặc biệt với những vầng thơ xuân. Lướt qua các giai phẩm xuân của Tết Kỷ Hợi năm nay cũng vậy, hoa tuy không giữ vị trí độc tôn mà khiêm nhường trong khu vườn chung ấy nhưng lại có những gửi gắm mới mẻ, thú vị… Và như vậy hoa đã có một tiếng nói riêng, tâm thái riêng, buồn vui riêng, cảm thức riêng…
Cũng một loài hoa ấy, cũng ở vùng miền ấy nhưng khi cảnh vật đổi thay theo tiết trời đất vào xuân thì lòng người cũng đổi thay nên những cảm nhận về chung quanh, tất nhiên trong đó có hoa cũng không còn như trước nữa. Trong “Không đề”, Đặng Huy Giang “điểm danh” những điều không mới từ cảnh vật xung quanh, nhưng đọc lên ta vẫn cảm ra những điều rất mới mẻ: “Mải mốt là loài gió/ Giải bày là giống cây/ Hoa vẫn hoa trên cây/ Thơm từ nhiều xuân trước…”.
Mùi hương cũng được cảm nhận từ chiều sâu, cảm thức thời gian… mà chỉ đến xuân này mới nhận ra từ nhiều xuân trước.
Trong “Dặn dò”, mượn một bông hoa Ngọc Lan thôi, Vi Thùy Linh đã hình dung rồi kể cả câu chuyện yêu đương của hai nhân vật rất lãng mạn, cho đến ngày cả hai tuổi đã về chiều, họ yêu nhau không hết nhưng cái chết buộc họ phải chia lìa nhau, thì người con gái trong câu chuyện này có cá tính rất riêng và muốn mình được yêu chiều nhiều nhất, dài nhất và trọn vẹn nhất… Và như vậy nàng chỉ mong mình sẽ là người ra đi trước để người đàn ông kia đau khổ nhớ mình. Nàng dặn: “Đừng nắm tay nhau đi hết cuộc đời/ em muốn khi già anh sẽ một mình ở lại…”.
Và lúc ấy nàng hình dung về câu chuyện cuộc đời mà cũng có thể là màn diễn trên sân khấu của những vở bi tình ở thời đại nào đó, cũng có thể có - cũng có thể không, hay một giấc mơ ở phía xa mặt đất nhưng cũng hết sức gần gũi như cuộc đời này vậy. Lúc đó: “Bọn trẻ nít hàng xóm trộm nhìn/ xem ông lão kiễng chân hái bông ngọc lan thơm mới/ loài hoa em thích/ thanh kẹo lạc bẻ đôi, nhằn nhằn từng miếng một/ tiếng điếu lào sồng sộc…/ để kẻ nhớ luôn là anh/ kẻ luôn yêu em là anh”.
Với cuộc sống hằng ngày hôm nay trong “Vũ điệu hoa”, tác giả Vi Thùy Linh cũng có cái nhìn khá mới mẻ, rất đời: “Trong mỗi phần trăm giây/ Từng nụ hé dần/ Từng mầm chồi vươn thở/ Từng cuống, cành uyển chuyển/ Rèm cửa căng buồm…/ Các con mơ gì mà hay nhoẻn cười/ Cánh môi hồng con khắc in ngực mẹ…”.
Người là hoa của đất. Trong mỗi cuộc đời, trong mỗi số phận và cả trong mỗi nỗi éo le của số phận, mỗi người chọn cho mình một bông hoa để họ gửi gắm, phó thác, thậm chí đó là hiện sinh những gì tinh túy nhất, ý nghĩa nhất của một cuộc đời, đó cũng có thể là tình yêu nam nữ, tình mẫu tử thiêng liêng… Trong “Xách tay một chút tình thơ”, tác giả Bùi Kim Anh lại trách cứ nhưng chẳng nhằm vào ai bởi một lẽ mà cái lẽ ấy đã thuộc vào cái lẽ của đất trời. Tất thảy, hốt hoảng chỉ đánh thức bởi cảm giác mùa xuyên qua kẽ tay mà thôi: “Tìm ai đây Sài Gòn nắng để chiều mưa tầm tã/ Tìm một quen giữa xa lạ/ Tìm một xưa giữa hôm nay/… Sao người nỡ phụ tình ta/ Lẽ nào xuân phụ nét hoa bao giờ…”.
Trong “Vườn xanh”, Dương Kỳ Anh lại vẽ cả một vườn xuân với nhiều sắc hoa, trong đó mỗi sắc hoa là một tâm trạng, tính cách: “Vườn xanh tôi có hoa mai nở/ Đỏ sắc ti gôn đến dại khờ/ Chúm chín cành ngâu chưa muốn ngỏ/ Dịu dàng hương bưởi ngát hương đưa…”.
Với Nguyễn Tiến Lập trong “Nếu”, anh triết luận theo cách riêng của mình: “Nếu không có mùa xuân/ thì niềm vui sẽ tắt/ nếu đời không sự thật/ gian dối nghĩa gì đâu”… Chính điều ấy anh nhận ra vẻ đẹp cuộc đời, vẻ đẹp của những bông hoa khi con người biết nhận ra giá trị của lẽ sống ở đời, để mà thư thái với đời: “Sáng lên đồi ngắm hoa/ Chiều ra sông hóng gió/ Lăn mình trên thảm cỏ/ Chờ một vầng trăng nghiêng”.
… Nhưng rồi cảnh sắc mùa xuân, đâu phải không gợi cho ta những ký ức, để mình như cơn gió thoảng qua những bơ vơ chiều, trôi về những con đường năm tháng đã từng yêu thương, đã nghe từng mùa lá rụng, từng vụn vỡ trái tim trong một tiếng thở dài, để rồi mộng mơ nhiều khi cũng rất hảo huyền: “… Hoa sim tím cả đồi sim/ Nhớ người năm cũ ta tìm trong mơ/ Đến bao giờ, biết bao giờ/ Người áo tím bỗng bất ngờ về thăm…” (“Tìm” - Trần Chấn Uy).
VÕ VĂN TRƯỜNG