Nhầm lẫn khi dùng từ Hán - Việt

LÊ TRƯỜNG AN 05/06/2019 15:59

Tiếng Việt đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu đời, các từ mới không ngừng được bổ sung, được sử dụng, được điều chỉnh, phát triển, hoặc bị tiêu biến nếu như không còn phù hợp với thực tiễn. Mỗi một từ đều là kết quả của sự chắt lọc rất khắc khe, tinh tế, tỉ mỉ qua lịch sử lâu dài.

Có thể nói không ngoa rằng, mỗi từ của tiếng Việt là một sự kết tinh sức lao động, trí sáng tạo của ông cha ta, là một viên ngọc sáng.

Từ Hán - Việt cũng là một bộ phận không thể thiếu của tiếng Việt, nó thể hiện tinh thần vận dụng sáng tạo và khả năng đồng hóa ngôn ngữ kỳ diệu của ông cha ta.

Trong quá trình sử dụng từ Hán - Việt, có không ít trường hợp dùng một cách tùy tiện, kể cả trong những văn bản hành chính trang trọng. Xin nêu một vài từ thường hay bị sử dụng nhầm như thế. 

Có dạo, đài truyền hình nọ phát bộ phim “Tam nam vẫn phú”. Chưa bàn đến nội dung bộ phim đó ra sao nhưng cái tên phim cứ đập vào mắt thấy chướng vô cùng bởi Hán chẳng ra Hán, Nôm chẳng ra Nôm.

Mà kể cũng lạ, cái tựa phim là cái thứ đặc biệt nhất, là kết tinh của nội dung và tư tưởng của cả bộ phim, nó được đề xuất, bàn bạc, lựa chọn và kiểm duyệt qua biết bao nhiêu cửa, từ tác giả kịch bản đến biên tập, từ đạo diễn đến cơ quan kiểm duyệt, từ hãng sản xuất phim tới nhà đài... Ấy vậy mà một cái tên ngô nghê như thế vẫn cứ ngang nhiên tồn tại làm khó chịu cho biết bao người. Dẫu sao khán giả cũng còn một quyền tối thượng, đó là... tắt ti vi, không xem nữa!

“Mãi” có nghĩa là mua, “mại” có nghĩa là bán, điều đó trong cuốn vỡ lòng “Tam thiên tự” đã nói rất rõ ràng. Thế nhưng, nhiều người cứ dùng mãi với mại lộn tùng phèo cả lên.

Ví dụ như thay vì viết “Hội chợ khuyến mãi khu vực miền Trung - Tây Nguyên” thì lại viết “Hội chợ Khuyến mại...”, mà câu chữ ấy lại được in thành các tấm ni lông quảng cáo khổ lớn giăng đầy khắp phố, tốn bao nhiêu tiền bạc, mà ý nghĩa thì... trật lất!

Rồi công ty nọ làm ăn thua lỗ, phải phá sản và họ rao “phát mãi” tài sản. Phá sản thì bán tài sản đi, làm gì còn tiền bạc mà mua? Điều đáng buồn là việc dùng từ sai mãi lâu ngày hóa thành... đúng!

Dùng từ sai mãi cuối cùng nó trở thành đúng vì mọi người nghe quen tai! Đơn cử như từ “đa phần”. Từ này, hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng cứ nhắc đi nhắc lại hoài dẫn đến sai thành… đúng! “Đa” là từ Hán - Việt, “Phần” là từ thuần Việt, làm sao có thể ghép đôi tùy tiện như thế được? Tại sao không nói là “phần lớn” hay “phần đông”, “phần nhiều” cho dễ hiểu dễ nghe? Hoặc trang trọng hơn, ta nói “đại bộ phận” hoặc “đa số” có phải hay hơn không?

Trong ngôn ngữ sử dụng hằng ngày có hai từ có nghĩa khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn, đó là từ “điểm yếu” và “yếu điểm”. “Điểm yếu” là một từ thuần Việt, nó chỉ ra cái dở, cái yếu của một người, một vật hay một sự kiện. Còn “yếu điểm” là một từ Hán - Việt, có nghĩa là điểm quan trọng, điểm cốt tử…

Là người Việt mà nhiều người không hiểu hết nghĩa của từ vựng tiếng Việt kể cũng buồn!

LÊ TRƯỜNG AN