Minh oan "Quảng Nam hay cãi"
Không biết tự bao giờ, bốn chữ “Quảng Nam hay cãi” cứ gắn vào bản chất của người dân Quảng. Thật oan và vô lý. Ấy vậy mà người Quảng Nam lại không chịu “cãi” lại cái chuyện vô lý ấy, thì tôi thấy lại càng vô lý hơn!
Minh họa: HIỂN TRÍ |
1. Hễ ngồi vô một bàn nhậu, thiên hạ cãi nhau hà rầm thì không sao. Nhưng hễ có anh Quảng Nam nào tham gia cãi là thế nào cũng có câu chọc quê “Dân Quảng Nam hay cãi mà”. Làm như chỉ có người Quảng Nam là hay cãi! Tôi đã nhiều lần chứng kiến, mà tôi tin chắc các bạn cũng vậy, cái cảnh cãi nhau đến sùi bọt mép của những anh, những chị chẳng hề dính dáng gì đến cái xứ Quảng Nam.
Tôi đi đây đi đó cũng khá nhiều, tiếp xúc cũng khá nhiều hạng người theo kiểu “thượng vàng, hạ cám”, và thấy đâu đâu thiên hạ, dù thuộc thành phần nào, cũng đều ham cãi. Còn trẻ là còn ham cãi. Ưa cãi, để tranh lấy cái sự hơn, là căn “bệnh” chung của người Việt Nam, chứ đâu riêng gì cái xứ Quảng Nam? Tôi tin rằng một anh Quảng Nam dù có “máu cãi” đến mấy cũng chưa chắc đã cãi qua một bác nông phu xứ Nghệ, hoặc một cô thôn dân miền Bắc. Như vậy, bốn chữ “Quảng Nam hay cãi” hóa ra chẳng phải là oan uổng cho cái đất Quảng Nam lắm sao?
Có người cho rằng vùng đất Quảng Nam là nơi sản sinh nhiều nhà nhân sĩ có trình độ và nhân cách, thường mang cái máu ương bướng, luôn phản kháng lại triều đình hoặc chính quyền trước những điều mà họ không chịu chấp nhận. Họ luôn muốn tranh luận hơn thua, phân biệt đúng sai, chứ không chịu ngoan ngoãn nghe theo. Lâu dần, tạo thành cái bệnh “Quảng Nam hay cãi”.
Có lần, trong bàn nhậu, tôi nghe một câu chuyện tiếu lâm rất thú vị về cái sự “hay cãi” của dân Quảng Nam. Có một sinh viên người miền Nam, nhân ngày tốt nghiệp, mua một con gà làm một bữa nhậu lai rai để chia tay với bạn bè. Anh ta mời một người bạn Hà Nội, và tám người bạn Quảng Nam. Tổng cộng 10 người. Đến bữa họp mặt, anh sinh viên Hà Nội ái ngại, hỏi nhỏ chủ nhà:
- Con gà bè xíu, chỉ lớn hơn con chim bồ câu, làm sao mà 10 người ăn cho ăn cho đủ?
Chủ nhân quả quyết:
- Ông cứ yên tâm. Lát nữa chỉ có hai đứa mình ăn thôi.
Mâm bát được dọn ra. Dĩ nhiên là phải có chút rượu. Vô được vài ly hơi sương sương, nhưng ai cũng ngại chưa dám gắp thức ăn, anh sinh viên miền Nam bỗng hỏi anh bạn Quảng Nam:
- Tui chưa ra được Quảng Nam, nhưng tui nghe nói ngoài đó có con sông Thu Bồn rộng đến 300m hả?
Anh sinh viên Quảng Nam liền lắc đầu:
- Ai nói bậy rứa? Tui nhớ đâu tới 380m lận.
Một anh sinh viên Quảng Nam khác liền cười rồi nói:
- Đúng là ông không biết mà nói ẩu. Tui ở sát sông Thu Bồn nè. Chắc chắn rộng dưới 280m.
Một anh khác chen vô, khẳng định là 400m. Thế là tám anh sinh viên Quảng Nam cứ vừa uống, vừa cãi về độ rộng con sông, quên cả ăn. Chủ nhà bèn nói nhỏ với người bạn Hà Nội:
- Ông thấy chưa? Tui nói mà ông không tin. Bây giờ chỉ có hai đứa mình ăn thôi.
2. Có người lại cho rằng bốn chữ “Quảng Nam hay cãi” không phải nói dân Quảng Nam hay cãi, mà ý muốn nói dân Quảng Nam ương bướng, khi tranh luận không bao giờ chịu thấy mình sai. Mà đã không thấy sai thì... cứ cãi. Nhưng xin thử hỏi tự cổ chí kim và trên khắp cả cái thế gian này, từ những cuộc cãi vã vặt vãnh giữa những người bình dân ít học, cho đến những cuộc tranh luận hay bút chiến giữa các học giả trí thức (nói là “tranh luận” “bút chiến” cho sang, cho ra vẻ “hàn lâm”, chứ thực chất cũng chỉ là... cãi nhau!), có ai chịu thua ai đâu? Khi cãi nhau hay tranh luận, ai cũng muốn tranh hơn để bảo vệ “cái đúng”, nhưng thực ra là để bảo vệ “cái danh”, vì nếu chấp nhận thua thì bị “quê”. Chịu thua trong tranh luận là chấp nhận mình sai. Mà có ai trong thiên hạ lại chịu mình là người sai bao giờ? Nhất là phái nữ! Người chồng nào “thắng” được vợ trong một cuộc tranh luận, dù chỉ là chuyện vụn vặt trong nhà thôi, thì tôi cho đó là người chồng may mắn và hạnh phúc nhất thế giới.
Thành ra, trong một bàn nhậu, người ta hay ca hát. Rượu vào lời ra mà. Uống vô sương sương, nhiều cảm hứng, ưa nói, ham tranh luận. Không tập trung vào ca hát thì hay dễ cãi nhau. Ca sĩ gốc Quảng Nam chiếm lĩnh nhiều vị trí trong làng văn nghệ Sài Gòn, biết đâu cũng phát xuất từ cái tập quán hát ca trên bàn nhậu để... quên cãi!
Nhưng sau đây mới là câu ch yện mà tôi cho là hay nhất về cái sự “cãi” của dân Quảng Nam.
Có một cô giáo dẫn học sinh cấp 1 đi tham quan thảo cầm viên. Khi đi đến khu nuôi gà, do một anh chàng Quảng Nam phụ trách, thì các bé chứng kiến cảnh anh gà trống đang “đạp mái” một ả gà mái. Các bé liền hỏi cô giáo:
- Cô ơi, mấy con gà đang làm gì vậy?
Cô giáo còn trẻ, lại thấy có anh chàng kia đứng đó, nên đỏ mặt chưa biết trả lời sao cho xuôi. Anh chàng Quảng Nam phụ trách thấy vậy, liền trả lời giùm:
- Mấy con gà nó đang cãi lộn đó các cháu à!
Cô giáo, ý hẳn muốn đảm bảo sự chính xác theo tinh thần sư phạm cho học sinh, nên lên tiếng cãi lại:
- Có giải thích thì anh cũng phải giải thích cho chính xác, nói vậy nghe sao được?
Anh chàng Quảng Nam cười hóm hỉnh:
- À! Ý cô là chừ cô muốn “cãi” nhau với tui có phải không?
LIÊU HÂN