Nhạc remix, nhạc tân trang

HỨA XUYÊN HUỲNH 16/12/2018 03:40

“Remix” trong âm nhạc có nghĩa phối lại, làm lại, tạo phiên bản khác tạo ra từ chính bản gốc. Theo thời gian, âm nhạc cũng không ngưng đọng mà có sự chuyển biến, như cách mà cải lương đang hiện diện. Nhưng “tân trang”, vẽ vời cho thật lạ đến mức trần trụi, dung tục… kiểu nhạc trẻ bây giờ, chưa chắc được cộng đồng hoan nghênh.

Nhạc sĩ Dương Cầm với những quan điểm không ủng hộ dành cho ca khúc “Như lời đồn” của ca sĩ Bảo Anh. Ảnh: Internet
Nhạc sĩ Dương Cầm với những quan điểm không ủng hộ dành cho ca khúc “Như lời đồn” của ca sĩ Bảo Anh. Ảnh: Internet

1. Sau hơn 50 năm cống hiến tài năng cho sân khấu cải lương, NSƯT Minh Vương vừa được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước (lĩnh vực sân khấu) công nhận đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu NSND năm 2018. Dư luận chú ý nhiều vì nghệ sĩ Minh Vương đã trượt đến lần thứ 3.

Giới mộ điệu cải lương thì không nghĩ vậy, bởi trong họ, Minh Vương đã là nghệ sĩ lớn. Càng “trục trặc”, nhiều người càng tìm hiểu kỹ hơn về chuyện đời chuyện nghề của ông và phát hiện thêm nhiều chuyện lạ.

Chuyện lạ thứ nhất, Minh Vương đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ năm 1964 khi mới 14 tuổi. Chuyện lạ thứ hai, kể từ sau lần bạo bệnh năm 2012, ông có ý tưởng kết hợp cổ nhạc cùng những bản nhạc trẻ có tiết tấu, nội dung hiện đại…, gọi là tân cổ giao duyên tân thời. Ông đã nhờ soạn giả Đăng Minh viết vọng cổ từ bài “Con bướm xinh”. Được nhiều người ủng hộ, ông tiếp tục đưa rock, rap, nhạc trẻ vào các bài ca cổ khác (Bạc trắng tình đời, Thao thức vì em, Lý con cóc, Nhỏ ơi, Vợ người ta, Tiên ở nơi đâu, Thằng Bờm, Túy ca…). Ông bảo, cách làm này giúp cải lương trẻ trung hơn, thu hút khán giả trẻ nhiều hơn.

Cải lương, theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, năm 2000) giảng nghĩa, là kịch hát ra đời vào đầu thế kỷ 20, bắt nguồn từ nhạc tài tử, dân ca Nam Bộ. Lúc mới ra đời, đương nhiên cải lương là loại hình “trẻ”, nhưng sau cả thế kỷ nó đã “già”. Phải chăng vì vậy mà những nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương muốn kịch hát xưa “trẻ” lại để thu hút người trẻ, cũng có nghĩa là để cải lương cứu lấy chính mình?

Có lẽ phải chờ thêm chút ít thời gian nữa, và tin ở tài năng của NSƯT Minh Vương.

2. Học giả Vương Hồng Sển từng viết cuốn Hồi ký 50 năm mê hát. Con số 50 năm (nửa thế kỷ) với những người như Vương Hồng Sển hoặc NSƯT Minh Vương dường như mang một ý nghĩa khác lạ, chứ không chỉ dừng lại ở chỗ đo đếm thời gian đơn thuần.

Trong hồi ký, thấy bàng bạc nỗi lo. Trước khi sang phần phụ lục, cụ Vương Hồng Sển viết “Đại cương trong mấy hàng” nhắc: “Vài năm gần đây, cải lương pha thêm có đánh võ Tây, đấu kiếm, đánh chưởng, vừa ca vừa hát giọng Tàu giọng Âu Mỹ… Cải lương để thỏa ứng nhu cầu võ sĩ, ca sĩ đợt mới, đã trở nên một hồi “xào bần” “thập cẩm” hay “tạp pín lù”, hỗn độn và mất vẻ thuần túy. Không khéo cải lương sẽ trở mình để chuyển qua một nghệ thuật khác… Chỉ có tương lai mới biết”.

Xin nhắc lại, ông viết mấy dòng này vào ngày 4.12.1966.

Học giả Vương Hồng Sển không chỉ lo cho cải lương có chừng đó. Trong đoạn khác, ông bảo “nghệ thuật sân khấu cải lương đang biến chuyển mạnh về một nét đặc sắc, một hướng khác, chưa ai dám chắc sẽ đưa về đâu và kết quả đúng như ý muốn hay sẽ bại hoại ra sao”. Ở đoạn khác nữa, ông bàn về nguồn gốc cải lương nhưng… bàn ít lo nhiều, vẫn trăn trở về tương lai cải lương: “Một lời chót, theo tôi hiểu, thì cải lương là đứa con “cọ vỉa”, làm chơi mà hóa thiệt, nhờ hát bội tạo nên hình hài nòng cốt, nhưng ngày nay và cứ cái đà này, hồn trí sắp và sẽ bị ngoại lai ảnh hưởng và chi phối: pha nhạc mới nhạc lạ nhiều quá, không biết chừng nào mới chịu trụ hình và thuần túy lại” (Sđd, NXB Trẻ, 2007, trang 208).

Cụ Vương Hồng Sển đặt câu hỏi, rằng cải lương luôn luôn biến chuyển và dung hòa để trở nên ngành ca kịch xã hội, nhưng biết sẽ dừng chân lại đó hay sẽ còn thay đổi nữa? Câu trả lời có thể mượn từ chính đời sống ca hát phong phú và tài năng rực rỡ của nghệ sĩ Minh Vương sau những vở diễn để đời: Đêm lạnh chùa hoang, Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… Đúng là cải lương đã không dừng chân. Người ta dần quen với rock, rap, nhạc trẻ “trộn lẫn” với ca cổ.

3. “Remix” cải lương đôi khi lấy từ chính tương lai của cải lương ra làm lý do để biện hộ. Vì nếu không, biết đâu cải lương sẽ mất hút trước tân nhạc. Nhưng chính tân nhạc cũng đang tự “remix”, sửa, thậm chí làm xấu mình, lâu lâu lại rộ lên một chiêu trò nào đó. Thật lạ!

Tính đến giữa tuần này, trên Youtube, music video “Như lời đồn” của ca sĩ Bảo Anh đã nhận được 156.000 lượt thích (like), nhưng cũng có đến 23.000 lượt không thích (dislike). “Như cái lò” (sáng tác của Khắc Hưng) thậm chí số lượt thích ít hơn nhiều (chỉ 61.000) so với không thích (73.000). Tựa đề các ca khúc kiểu này được “chú ý” khi chỉ cần nói lái, nói chệch sẽ rất… nguy hiểm nên bị chê trách, kiểu như: Thu dẩm (LK), Nắng cực (Phạm Toàn Thắng), Xếp hình (Tăng Nhật Tuệ), Oh My Chuối (Sĩ Thanh)... Ấy là chưa kể nội dung ca từ ở nhiều ca khúc rất phản cảm. Viết ca từ mà bị Bộ VH-TT&DL phạt 5 triệu đồng, như trường hợp ca khúc “Phiếu bé ngoan 1”, thì hết chỗ để bình luận.

Thực ra, vẫn còn chỗ để bình luận, đó là chuyện… bình luận của các nhạc sĩ về “thảm họa” âm nhạc đương đại. Cộng đồng âm nhạc đã chia thành hai phe. Nhóm nhạc sĩ sáng tác thì hoặc im lặng, hoặc ỡm ờ kiểu “nên nhìn vào nhiều mặt của một vấn đề”, hoặc bảo mình chả có gì sai. Nhóm còn lại (đơn cử có nhạc sĩ Dương Cầm, Nguyễn Văn Chung, Lê Minh Sơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long…) lại bảo đấy là tín hiệu buồn, không đẹp, vô văn hóa, rác văn hóa.

“Chỉ có tương lai mới biết”, học giả Vương Hồng Sển từng dè dặt phỏng đoán như thế về dòng chảy cải lương. Dù cải lương đang rẽ nhiều nhánh, thì các dòng chảy mới cũng do những người tâm huyết tự tay đào xới và gạn lọc. Còn lối “chế” nhạc tân thời ẩu tả như hàng loạt MV đang phát trên mạng, thì không cần hỏi “tương lai” của nó làm gì.

Làm mới và tạo sắc thái cho âm nhạc để tìm được chỗ đứng, tìm thêm nút like (yêu thích) như cách cải lương đang làm, thật không dễ. Biết bao người lo nghĩ suốt nửa thế kỷ, trong đó có nghệ sĩ Minh Vương. Thật khác xa lối “sáng tạo”, vẽ vời của nhạc trẻ và cũng bị chính giới trẻ nhấn nút dislike (không thích).

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH