Nước mắt thầy và cái vòng lẩn quẩn

PHÙNG TẤN ĐÔNG 01/03/2019 10:40

Hình ảnh trên báo điện tử đưa tin một thầy giáo ở miền Đông Nam bộ đã phải khóc khi thua kiện vụ nhà trường cho thôi việc vì vi phạm quy chế ngành trong đó có việc “dạy thêm” trái quy định đã khiến nhiều người xót dạ, chạnh buồn.

Người thì cho rằng nghề giáo đâu đến nỗi tệ đến mức mà “mất nghề” khiến thầy phải khóc. Người thì nói các bác không phải là thầy ấy nên không hiểu cho cặn kẽ, có lẽ  do hoàn cảnh gia đình thầy ấy kinh tế khó khăn, lại bị đánh vào “miếng cơm manh áo” nên thầy tủi thân, không kiềm giữ nước mắt; hoặc do có người “ghen ăn tức ở” tìm cách hạ uy tín của thầy, đánh vào “sĩ diện” người thầy của thầy nên thầy khóc vì uất… Bàn thảo nhiều, rốt cuộc, khi được hỏi rằng “dù rơi vào hoàn cảnh nào, người thầy có nên khóc không?” thì mọi người liền nhất trí” dù sự vụ có mần răng đi nữa, làm thầy thì… không được khóc”.

Thật vậy xưa nay nhân cách người thầy đòi hỏi phải cứng cỏi trước mọi áp lực của uy quyền, bạo lực và nếu khóc thì người thầy cũng khóc thầm, khóc “khô khan lệ” chứ không khóc trước uy quyền, khóc trước bàn dân thiên hạ và tuyệt không bao giò khóc vì chuyện riêng tư trước mặt học trò… Câu chuyện đội bóng nhí Thái Lan bị lạc vào hang động trong thời gian diễn ra World Cup 2018 mới đây đã minh định vai trò “đầu tàu”, “gương mẫu” của người thầy - huấn luyện viên là quan trọng cỡ nào. Đúng, đã là thầy thì không được khóc, dù có tức tối, uất ức đến mức nào bởi đã kiện phải “kiện tới cùng” để đòi công lý với tư cách người thầy. Học trò sẽ nghĩ suy như thế nào khi nhìn những giọt nước mắt bất lực, yếu đuối của thầy…

Việc sai, đúng còn đợi ở sự phán xét của tòa trên cơ sở sự điều tra của cơ quan hữu quan và công lý luôn ở phía trước nếu như “bên bị” còn thấy oan, còn kiên trì đòi công lý. Có người vội phán xét rằng thầy đã “sống được” bằng dạy thêm thì thôi, kiện tụng làm chi, quên chuyện ấy đi, rách việc, có khi nhân đây mà bỏ việc, bỏ tất, ham chi cái danh giáo viên hợp đồng, có khi còn “nổi tiếng” hơn. Có người nói nghĩ vậy là trật, là thầy thì phải lấy chuyện chính danh làm trọng. Thầy dạy học trò bao điều hay lẽ phải lẽ nào thấy chuyện bất bình mà giả lơ ngoảnh mặt như một đứa thất phu. Phải đấu tranh với sự bất công, oan trái bằng tư cách người thầy. Ngẫm nghĩ, cả hai chiều suy tưởng, bên nào cũng có những điều hợp lý. Thứ nhứt, thời kinh tế thị trường, nếu thầy có thực tài thì chẳng lo chi “đất dụng” như câu thơ Lý Bạch thuở xưa “nhân sinh hữu tài tất hữu dụng” (người có tài tất sẽ có chỗ dùng), không “hợp đồng” chỗ này thì hợp đồng chỗ khác, lo chi… Thứ đến, có lẽ thầy vì sự chính danh như đã vừa bàn. Nếu hiểu biết là chìa khóa để tiếp cận với sự thực/công lý thì thầy là đại diện của hiểu biết, của tri thức và như vậy sự việc thầy “rơi nước mắt” có thể thể tất do thầy sống thiên về tình cảm, dễ xúc động trước những ứng xử không đúng về mình…

“Thầy ấy khóc làm chúng tôi xa xót, có khi làm tổn thương những nhà giáo bình thường như chúng tôi” - một thầy giáo nói, hỏi vì sao vậy, thầy nói rằng đúng - sai về phía ai chưa rõ nhưng khóc thì “tội” cho nghề giáo quá, sao lại để người khác thương hại. Ngày xưa để kiếm cái chữ cho con, các bậc cha mẹ phải “biện mâm lễ” đến nhà thầy để xin cho con “thọ giáo”, rồi lễ tết, trước sau chu đáo… Thời nay cho dù là “dịch vụ giáo dục” hay là chi chăng nữa, chữ “học phí” cũng kết đọng cái tình, cái nghĩa, chứ không thể vô cảm, mắng sa sả học viên là “đầu bò óc lợn” như một “giáo chửi” gần đây ở thủ đô.

Một điều quá quen là vì sao chuyện “cấm dạy thêm học thêm” của ngành giáo bao nhiêu năm vẫn cứ không chuyển biến. Lạ nhất là sự chuyển hướng của người dạy về phía “thị trường” - phía những trung tâm giáo dục tư nhân được nhà nước cấp phép, hoạt động danh chính ngôn thuận và như vậy, ngành giáo đối diện với nhiều nguy cơ mất người tài vì “lương” không giữ được người tài, “lương” không giữ được “sự trung thực” hay “lương tâm nghề nghiệp” của người thầy (những người vi phạm quy chế của ngành về dạy thêm học thêm).

Một kiểu “khóc” khác của ngành giáo là “khóc trên các phương tiện truyền thông” vì những vi phạm quy chế thi cử (nhiều vụ đang được cơ quan pháp luật khởi tố hình sự) như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (2018) vừa qua. Lãnh đạo các sở có vụ việc vi phạm, rồi lãnh đạo bộ chủ quản cứ “đăng đàn” nói lời “xin lỗi”, “xin chịu trách nhiệm”. Sai thì nói xin lỗi là ứng xử lịch sự, văn minh. Nhưng chẳng lẽ xin lỗi rồi thôi? Người dân, học sinh - những người trực tiếp ảnh hưởng xấu vì thi cử gian lận cần một giải pháp sửa sai cụ thể, thiết thực, trả lại bằng được sự công bằng của thi cử chứ không phải “diễn” bằng cách “đấm ngực” kêu “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…”, ấy là còn chưa nói đến chuyện “xin từ chức” vì tự trọng…

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến việc “hiến kế” cho ngành giáo ở kỳ thi sắp tới, rằng hãy áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài trong bóng đá (gọi tắt là công nghệ VAR) trong suốt cả quá trình thi và chấm thi. Thực vậy, bộ phận giám sát mà cụ thể là máy móc sẽ giám sát xuyên suốt cả quá trình thi cử thay con người, máy móc hiện đại sẽ là “trọng tài của những trọng tài”, được như vậy thì hay biết mấy… Nghe người viết hiến kế, một người bạn tấm tắc “hay, ý kiến hay”, rồi chợt chùng giọng, nói “chỉ sợ bị… cúp điện”. Cả hai cùng ngửa mặt, cả cười…

PHÙNG TẤN ĐÔNG