Lều chõng thế kỷ 21
Hồi năm 1939, khi viết “Lều chõng”, nhà văn Ngô Tất Tố quả quyết hai chữ “lều”, “chõng” kia vốn dĩ đã mất tích cách đó ngót 30 năm, ngay từ đầu thế kỷ 20. Vậy mà sang đến thế kỷ 21, bóng dáng lều chõng vẫn tái hiện dưới nhiều hình thức...
1. Ngay từ đầu chương 1 tiểu thuyết “Lều chõng”, nhà văn Ngô Tất Tố tính ra có đến hơn một nghìn năm 2 chữ “lều”, “chõng” đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ. Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạc ra đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. “Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong”, nhà văn viết.
Ngô Tất Tố có lời lẽ nặng nề như vậy, vì ông hình dung, “những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám “lều chõng” mà ra”.
Và như quý độc giả của “Lều chõng” đã biết, các nhân vật của truyện đã phải vất vả đến trường của cụ bảng Tiên Kiều để theo lớp trung tập, đại tập (mà thí sinh bây giờ gọi là lò ôn luyện thi đại học). Rồi chuyện lai kinh ứng thí, từ bắc vào đến kinh ngót gần 2 tháng lội bộ, xem ra khác hẳn cảnh tàu xe nhộn nhịp trong các chương trình tư vấn mùa thi.
Hãy cùng nhân vật Vân Hạc rùng mình nhớ lại cảnh lai kinh khủng khiếp ấy: Từ Sơn Tây đến Thanh Hóa, mỗi ngày chỉ đi được một cung, tối đâu ngủ đấy; Thanh Hóa trở vào, đường dần khó khăn; từ Hà Tĩnh mà đi, càng ngày càng thêm những cảnh khủng khiếp; khổ nhất là đoạn ở quãng núi Trông, núi cao liền với trời, con kiến trèo cũng khó, lối đi phải vắt lên trên một đám đá mọc lởm chởm...
2. Sang thế kỷ 21, những nhọc nhằn ôn luyện và thi cử vơi dần. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ đổi mới giáo dục, câu chuyện dạy – học ở Việt Nam luôn trở thành chủ đề nóng bỏng vào mỗi kỳ thi cử. Từ thi vào lớp 10 đến thi tốt nghiệp THPT quốc gia, năm nào cũng có chuyện. Trước đó, khi kỳ tuyển sinh đại học – cao đẳng chưa bị “gom” vào kỳ tốt nghiệp THPT quốc gia, năm nào điểm thi và nội dung bài thi cũng gây nên những tình huống bi hài. Riêng năm 2018 này, mới xong phần công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đã có ít nhất 2 câu chuyện thời sự nóng bỏng trên các mặt báo: đề thi môn Văn với từ khóa “tiềm lực” và vụ điểm thi cao bất thường ở Hà Giang.
Mạng xã hội luôn trở thành diễn đàn công khai để tải những hỉ nộ ái ố, chung quy cũng bởi những rối rắm và thiếu hiệu quả của ý tưởng đổi mới dạy học, đổi mới thi cử. Khi học trò chưa kịp “tiêu hóa” các mục tiêu lớn từ chương trình học để cho ra sản phẩm chất lượng, các em thi thoảng lại bị “đánh úp” bởi đề thi mở nào đó. Thế là dư luận xã hội chia phe ra để khen - chê. Ngay mục tiêu thi “2 trong 1” mà kỳ tốt nghiệp THPT quốc gia đang theo đuổi, phía các trường đại học - cao đẳng đôi khi cũng... trở tay không kịp bởi những ngón đòn vặt vãnh, kiểu như gian dối chấm thi vừa xảy ra ở Hà Giang. Muốn kết hợp xét điểm học bạ ư? Đã có vài trường hợp “thương” học trò bằng cách lén lút nâng điểm, làm đẹp bảng điểm. Vậy số điểm kia làm sao thuyết phục được các trường đại học, cao đẳng để họ yên tâm tham khảo mà tuyển sinh?
Không phải đợi đến bây giờ mới có ý kiến đòi trả lại sự nhẹ nhàng, đơn giản cho các kỳ thi cuối cấp và giao hẳn trách nhiệm tuyển sinh cho các trường. Từ gần 15 năm trước, khi soạn cuốn “Khoa cử và giáo dục Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng đã nêu quan điểm thẳng thắn: Bộ GD-ĐT không nên bao biện lo việc tuyển sinh. Theo ông, đã đến lúc cần một cách làm thông thoáng, từ chương trình đổi mới giáo dục đến thi cử, hậu kết quả thi (trúng tuyển)... “Những lần cải cách giáo dục vừa qua thật sự chỉ là một sự thay đổi có tính phá vỡ cái cũ hơn là xây dựng, củng cố cái mới”, ông viết.
3. Cảm giác mong manh luôn xuất hiện sau mỗi sự cố liên quan đến giáo dục. Thiên hạ từng liều lĩnh bắc thang trèo tường dỡ ngói ném bài giải vào phòng thi, giám thị cũng tuồn đề thi ra ngoài chẳng chút e dè, nay thêm vụ điểm thi quá “đẹp” đến bất thường. Đầu tuần này, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo xác nhận hàng trăm bài thi ở Hà Giang đã bị nâng khống từ 1 điểm lên 8,75 điểm, chẳng khác nào cú tát thẳng vào sự trung thực. Một cách công bằng, đấy chỉ là những tình huống cá biệt, không đại diện cho diện mạo nền giáo dục, nhưng rõ ràng nếu bỏ qua những tiểu tiết sẽ dễ phá hỏng đại cục.
Đại cục mà nhiều người đang nhắc đến, chính là kịch bản khung cho thi cử. Đừng làm rối rắm chuyện thi cử, hoặc đừng đổ vào đấy quá nhiều “mục tiêu” trong khi cái vỏ hình thức của nó (kết cấu chương trình học, sự can thiệp của ngành giáo dục vào tuyển sinh) chưa đủ sức dung chứa. Có người từng chỉ ra, việc học tập trong nhà trường hiện vẫn nặng về kiến thức hàn lâm, thiếu đổi mới sáng tạo nhưng thi cử lại đánh đố với quá nhiều áp lực. Mấy chục năm nay, chưa khi nào chuyện học – thi thoát ra khỏi 2 chữ “ám ảnh”, cứ loay hoay, năm nào cũng thấy các đội hình tư vấn mùa thi gợi ý đến những quy định mới trong thi cử. Vì đâu nên nỗi?
…Những Vân Hạc, Đốc Cung, Đoàn Bằng, Đức Chinh... trong truyện của Ngô Tất Tố đã tịch diệt từ lâu cùng với hành trình lai kinh ứng thí rối rắm. Chuyện thi cử ở Việt Nam kể từ sau năm 1975 từ rối rắm (thi tốt nghiệp THPT, đi thi cao đẳng – đại học) quay dần về đơn giản gọn nhẹ (gom vào cuộc thi 2 trong 1 tốt nghiệp THPT quốc gia), nhưng xem ra không phải sự “gọn nhẹ” nào cũng hiệu quả. Bớt một công đoạn đi lại, nhưng gia tăng sự lo lắng, thì hình thức thi cử bây giờ có nên mổ xẻ? Đừng để nhân vật tiểu thuyết chìm sâu theo thời gian nhưng tiêu đề của truyện (Lều chõng) vẫn cứ ẩn hiện đâu đó trong từng mùa thi ở thời đại 4.0.