Lỗi tại cái nền nhà
Cu Tèo vừa thôi nôi, kháu lắm. Ở nhà đã có bà nội trông cháu nên ba mẹ chưa muốn cho Tèo đi nhà trẻ. Mới bi bô được mấy tiếng nhưng Tèo đã khá cứng cáp và sớm tỏ ra là một đứa trẻ hiếu động. Suốt ngày cu cậu hết rượt chú mèo mướp chạy quanh nhà lại trèo lên bàn làm việc của ba, lục tung mọi thứ. Cho nên chỉ cần bà nội lơ đãng là một chút thì Tèo đã vấp ghế vấp bàn ngã huỵch. Vậy là khóc ré. Ôi chao, Tèo cũng là chúa khóc dai! Bà nội phải vừa dỗ dành, vừa đập tay xuống nền nhà: “Ôi tội nghiệp cho cu Tèo của bà, chỉ tại cái nền nhà hư này, hư này!”. Và chỉ cần thế là Tèo nín.
Vấp ngã và tự đứng dậy. Nguồn: Internet |
Tèo lên ba, chị Hai đã vào lớp một. Tuy vẫn còn bé nhưng chị Hai đã biết nhường nhịn em. Cặm cụi cả buổi sáng mới vẽ xong một bức tranh để thứ hai đem nộp cho cô giáo thì bị Tèo bôi bẩn, chị Hai méc mẹ thì mẹ chỉ cười. Chị Hai chỉ còn cách vừa quệt nước mắt vừa ngồi vẽ lại cái khác.
Và cứ thế cho đến khi đi học, Tèo ít khi nào tự chịu trách nhiệm về chuyện gì. Đánh nhau với bạn bè: lỗi là tại bạn. Học tiếng Anh kém: lỗi tại cô giáo nói giọng Huế khó nghe. Thi trượt đại học: do đề thi không rõ ràng…
Chuyện kể về cu Tèo ở trên là điển hình cho kiểu giáo dục trong nhiều gia đình ở xứ ta. Ở nhiều nền văn hóa khác trên thế giới, cách thương con của các bậc cha mẹ lại không giống thế. Một đứa trẻ mới 2 - 3 tuổi bị vấp ngã khi leo lên xe buýt, có lẽ rất đau nhưng không hề khóc. Bố mẹ cháu chỉ đứng chờ cho con tự đứng dậy rồi tự tìm cách leo lên lần nữa. Trong cuốn “Émile hay là về giáo dục”, J.J.Rousseau (Nhà triết học Pháp, 1712 - 1778) kể lại tình huống cậu bé Émile nghịch ngợm làm vỡ kính cửa sổ trong nhà. Ông bố không hề quở mắng, cũng không sửa lại cánh cửa. Đến một ngày gió lạnh về, Émile ngồi run lên vì rét mới hiểu ra rằng chính mình đã tự hại mình chứ không ai khác. Nếu ngay từ thuở ấu thơ khi mới bắt đầu có ý thức, con người đã được giáo dục liên tục rằng cái gì không phải của riêng mình thì không được chiếm hữu, còn cái gì đã là của mình thì phải chịu trách nhiệm về nó, kể cả thân thể và ý nghĩ, quyền hạn và nghĩa vụ, thì xã hội loài người đã giảm đi biết bao điều tệ hại.
Trong những năm cuối của thời kỳ bao cấp ở nước ta, trước những tệ nạn xã hội đang bắt đầu “nở rộ” như biển thủ, tham ô, cửa quyền, móc ngoặc…, vẫn thường có một lối quy kết đó là “tàn dư của chế độ cũ” bởi không ai muốn chịu trách nhiệm về những thực trạng đó. Bước sang thời kỳ đổi mới, nhiều địa phương, ban ngành, doanh nghiệp nhà nước khi bị chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả thì lại có cách nói khác: “lỗi tại cơ chế” hoặc “đó là mặt trái của cơ chế thị trường”… Gần đây có những kiểu đổ lỗi gây “bão truyền thông” như: Tàu đánh cá hỏng là do… nước biển mặn; thông tư của bộ ngành sai là do… lỗi đánh máy; cây cầu ngàn tỷ nứt là tại… trời mưa; đường mới thi công xong đã hỏng vì chưa có… xe lưu thông; một đề án cấp quốc gia có dự toán ban đầu cao gấp 50 lần khi điều chỉnh là do “lỗi kỹ thuật”… Lại có những văn bản pháp quy được soạn thảo bởi những chuyên gia chữ nghĩa, kinh nghiệm đầy mình nhưng sau khi được ban hành thì chẳng biết áp dụng thế nào hoặc chẳng biết để làm gì. Cách đây mấy năm, trong Thông tư 24 của Bộ GD&ĐT có điều khoản cộng 2 điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các bà mẹ VNAH và người hoạt động cách mạng trước năm… 1945, tức đối tượng đi thi là những cụ đến lúc đó đã xấp xỉ… cửu tuần đại thượng thọ. Sau khi bị công luận chê cười, họ đổ lỗi cho một thông tư khác của một bộ khác rồi hủy các điều khoản đó sau 12 ngày. Cứ như chuyện tiếu lâm!
Hẳn nhiều người còn nhớ chi tiết “Tào A Man cắt tóc thay đầu” trong Tam quốc diễn nghĩa. Trong một lần trẩy quân ngang qua một cánh đồng, để vỗ yên bá tánh Tào Tháo ra lệnh: “Những kẻ giẫm lên lúa mạch sẽ bị chém đầu, bất kể là ai”. Tất cả tướng sĩ đều chấp hành răm rắp. Nhưng oái ăm thay, từ trong ruộng lúa đột nhiên có một chú chim vụt bay ra khiến con ngựa của Tào giật mình chạy vòng vào trong thửa ruộng khiến một vạt lúa bị xéo nát. Không đổ lỗi cho chú chim hay cho con ngựa, Tào Tháo đã rút gươm tỏ ý muốn tự chém đầu mình. Tuy nhiên, sau khi được các quan văn võ tùy tùng khuyên can, Tào đã tự cắt búi tóc của mình vất xuống đất, thay cho đầu. Hành động này của Tào đã khiến cho ba quân sởn óc, từ đó lại càng giữ nghiêm quân lệnh. Có thể đây chỉ là một chiêu thức của Tào, nhân vật vốn bị lịch sử coi là kẻ gian hùng, nhưng ít ra cũng đã nêu được một tấm gương cho tướng sĩ về ý thức trách nhiệm.
Tuy nhiên, “chịu trách nhiệm” về một sự cố chỉ là hình thức còn “hiện thực hóa” trách nhiệm đó như thế nào lại là một chuyện khác. Trong những sai trái về mặt quản lý, sau khi sự việc vỡ lở nhiều người vẫn hùng hồn tuyên bố “tôi xin chịu trách nhiệm” nhưng chỉ là… “chịu miệng”, chẳng thấy tự giác sửa sai hoặc bị chế tài gì. Trên thế giới ngày nay, có nhiều nhà lãnh đạo cao cấp đã chọn cách xin lỗi hoặc từ chức sau một sự cố nào đó có ảnh hưởng đến cộng đồng, thậm chí chỉ là một câu nói lỡ lời. Năm 2017, một vị lãnh đạo cơ quan phụ trách kinh tế của Đài Loan, ông Lee Chih-kung đã từ chức sau vụ mất điện trên diện rộng; Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã xin từ chức sau vụ chìm phà năm 2014; còn Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã phải tỏ lời xin lỗi cộng đồng khách du lịch vì đã lỡ miệng than phiền rằng “phụ nữ mặc bikini nhởn nhơ đi lại là không an toàn, trừ khi họ… quá xấu”.
Người ta nói tự chịu trách nhiệm là thể hiện lòng tự trọng. Hơn thế, đó là sự dũng cảm. Bởi trong một xã hội công bằng, kẻ làm điều sai chắc chắn phải bị trừng phạt tương xứng và không thể đổ lỗi cho ai, dù đó chỉ là… cái nền nhà!
PHAN VĂN MINH