Trăng "nói chuyện" với rừng
“Vầng trăng cũng tuyệt đối im lặng và rừng cũng tuyệt đối im lặng. Nhưng mà trăng với rừng quả là đang nói chuyện với nhau, nói bằng thứ ngôn ngữ gì chúng ta không thể nào biết được”. Viết những dòng này trên tác phẩm Nẻo về của ý, thiền sư Thích Nhất Hạnh ngầm khẳng định: Cả trăng cả rừng đều huyền bí, đều mầu nhiệm và cùng tạo nên một khung cảnh mà chúng ta chưa hề thấy trong đời, trừ ở Phương Bối – đồi thông được nhiều người biết đến ở Lâm Đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tư liệu |
Thú thực là tôi cũng chưa từng bắt gặp một sự liên tưởng kỳ lạ đến như thế, khi tác giả nhìn ra đang có một cuộc “nói chuyện” vô ngôn giữa trăng với rừng... Thoạt đầu, đọc đến những dòng này, tôi đã không kìm được cảm xúc và viết vội lên trang cá nhân rằng: Phải chăng chúng ta đang ngày càng bị nghèo đi trí tưởng tượng? Phải chăng chúng ta ngày càng lười nhắm mắt để “nhìn” vào thực tại? Và thèm một lần được nhắm mắt để nhìn ra sự huyền nhiệm của cuộc sống và của trí tưởng tượng, khi các “bài văn mẫu” đang giết chết quá nhiều đứa trẻ...
*
* *
Trăng, núi, cao nguyên… như dẫn dụ đến một tác phẩm khác và những bậc tài hoa khác. Một ở Trung Quốc, sinh vào giữa cuối thế kỷ 17 đời nhà Thanh - Trương Trào, tác giả cuốn U mộng ảnh danh tiếng; và một quê gốc Quảng Nam, dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến, người vừa chuyển ngữ trọn vẹn cuốn “U mộng ảnh”.
Gần như là một sự trùng hợp, dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến cho hay ông đọc U mộng ảnh ở Buôn Ma Thuột, đúng vào đầu mùa trăng. Ông hé lộ thông tin này khi viết lời đầu sách cho tác phẩm dịch của mình. Huỳnh Ngọc Chiến bình luận: U mộng ảnh quả là tác phẩm tuyệt vời của một người nghệ sĩ đem tài hoa vào đời để đi tìm và thưởng ngoạn cái Đẹp. Chỉ những tâm hồn tài hoa chân chính mới biết nâng niu và trân trọng cái Đẹp… Và dịch giả nhìn nhận: Có về lại với thiên nhiên, ta mới cảm nhận được hóa công quả là một nghệ sĩ vĩ đại khi kiến tạo nên những diệu cảnh của trần gian để ban cho con người làm tặng vật… “Đọc U mộng ảnh, lắm phen tôi phải giật mình tự hỏi tại sao chúng ta lại cứ mãi bon chen trong thế giới vật chất để tồn tại mà quên mất ý nghĩa đích thực của cuộc sống (…). Sao chúng ta lại cứ phải suốt đời lao động quần quật để hì hục vun đắp thêm cho cái khối lượng vật chất thường đã vượt quá nhu cầu sống thường ngày, mà không chịu bỏ ra những phút giây nhàn nhã để nhìn lại cuộc sống với muôn ngàn điều kỳ diệu quanh ta?” - Huỳnh Ngọc Chiến viết.
Có thể dịch giả họ Huỳnh hơi “cực đoan” khi cho rằng, chúng ta đã sống quá lãng phí trước những tặng vật kỳ diệu của Thượng đế, “sống mà mắt như mù, tai như điếc trước thiên nhiên”. Nhưng ông có lý khi tỏ ra do dự trước 3 chữ “u mộng ảnh” mà Trương Trào từng chọn để làm tựa sách: Đó là bóng mờ trong cõi mộng hay là chiếc bóng lẻ loi trong cõi mộng u buồn?
Vì cuộc sống quả thật thâm sâu, nhưng cũng tràn đầy thi vị.
Mà nào chỉ riêng Huỳnh Ngọc Chiến tán dương Trương Trào. Trong tác phẩm quen thuộc Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường (do Nguyễn Hiến Lê lược dịch), Trương Trào cũng được nhắc đến như một người “không ai bằng” trong các văn nhân Trung Hoa, xét ở thái độ dung hợp tinh thần của mình với tinh thần của thiên nhiên. Thậm chí, học giả Lâm Ngữ Đường khi mang cách ngôn của Trương Trào để so sánh với ngạn ngữ, thì chẳng khác chi lấy truyện của Andersen so với truyện thần tiên của Anh, hoặc những khúc ca của Schubert so với các khúc dân ca.
*
* *
Nhưng cuộc “nói chuyện” giữa trăng và rừng là tâm thế của người nhàn nhã, hay là một câu hỏi lớn về người nhàn nhã nhìn ra cuộc chuyện trò kỳ bí, hay cả hai? Và liệu tâm thế ấy có còn không, giữa cuộc sống xô bồ ngoài đời thực và gấp gáp vô cảm trên không gian ảo?
Tôi đã thoáng lo khi nghĩ về sự nghèo nàn của trí tưởng tượng nơi các em nhỏ, nếu cứ phải lệ thuộc vào các bài văn mẫu. Và càng lo khi mạng xã hội vốn dĩ “thiết kế” sẵn những Icon (biểu tượng, ký hiệu). Vui, đã có mặt cười. Buồn, thì mặt khóc… Cứ nhấn vào, chọn, thật đơn giản. Nhưng biết đâu đấy, riết rồi con người ta trở nên lười biếng trong suy tư, trong hình dung, trong liên tưởng. Cuộc sống bên ngoài huyền nhiệm đến thế kia, nhưng chỉ với mấy cái “Icon” lạnh lùng đơn điệu làm sao chuyển tải hết các niềm tâm sự cần phô diễn?
Một lần nào đó, khi vầng trăng nhô lên khỏi cánh rừng, hoặc vượt thoát khỏi đường viền cao chất ngất của tòa ngang dãy dọc nơi phố xá, bạn thử tắt hết các thiết bị di động và hình dung xem có cuộc trò chuyện vô ngôn nào đó không. Nếu nghe được tiếng thì thầm ở phía chân trời, thì hẳn là bạn đã nhìn ra những góc khuất thanh âm đang bị trói buộc, và thấy thương hại làm sao cho những ký hiệu trên mạng xã hội mà chúng ta đang nhấn nút hằng giờ...
HỨA XUYÊN HUỲNH