Trở lại nhà "ôn" Hỷ
Trưa, nắng như đổ lửa, đã thế khu vực Mỹ Sơn lại bị cúp điện cả ngày nên càng thêm nóng. Hỏi nhà thơ Nguyễn Chiến, có ghé Nguyễn Thượng Hỷ không, Nguyễn Chiến gật đầu, bởi, lâu nay mới nghe nói chứ chưa ghé thăm thảo am của nhà “đại họa” (chữ tự trào của Hỷ). Tôi hơi lừng khừng bởi từ sáng tới giờ gọi điện thoại muốn bể máy mà nào “ôn” bắt máy đâu. Hay là “ôn” đi đâu chưa về? Mà có đi cũng phải nghe máy chứ? Với cái cuộc đi thực tế sáng tác nửa chừng bị “bể sô” này “ôn” rất nhiệt tình kia mà. Bảo, mưa gì mưa, cứ đi đại. Lại dặn rất kỹ rằng chiều mai mấy giờ lên để “ôn” đón? Rồi bảo trời đẹp thế này sao lại bỏ dở cuộc chơi hở trời? Tôi ngớ người không biết trả lời”ôn” thế nào cho ổn, bởi, mọi chuyện đã lỡ dở hết rồi.
Nhớ lại, đâu chừng hai, ba năm trước tôi đã từng cùng vài anh em văn nghệ sĩ ghé nhà Hỷ. Tôi nhớ dạo ấy nhà của “ôn” mới vừa “cơ bản hoàn thành”, một số “hạng mục” còn đang lỡ dở nhưng cái ngón đờn hát của anh Sáu Đờn hàng xóm của “ôn” thì chả lỡ dở tí nào! Sáu Đờn ôm đờn (tất nhiên rồi) và hát điệu nghệ không thua bất cứ nghệ sĩ tài danh nào. Hỏi thêm thì Sáu ta hóa ra lại là ... đồng hương. Nhà ở bên kia đầu cầu Hương An, anh bảo, chỗ quán nhậu chuyên nướng các loại ấy (!). Sáu Đờn còn sáng tác cả nhạc mà theo nhận xét của hai nhạc sĩ thì bản nhạc Mỹ Sơn mở cánh hoa xuân ấy “đứng được”! Ai chứ Phan Văn Minh và Xuân Trúc bảo “đứng được” chắc chắn là đứng, không thể nào “nằm” được. Tiếc rằng, anh Sáu đã mất cách đây ít năm, vì bệnh! Ôi, phận người quả thật mong manh.
Cuối cùng, chúng tôi cũng bắt được “ôn”. Té ra “ôn” ở nhà và đang chỉ đạo thợ thi công mở rộng khu nhà nên không kịp nghe điện thoại. Là “ôn” đang “xây” thêm mấy phòng để làm homestay, sẽ đặt tên Hi Hi House đón khách. Cái này rộng gấp ba cái cũ, tạo thành hình chữ L trên nền đất khá rộng. Vẫn nhà tranh vách đất nhưng không đổ mái “bê tông đất” như kiểu nhà lá mái. Và, “ôn” chừa nguyên một khoảng trời rộng thênh ở giữa hai phòng, bảo, khách vẫn có thể “chộ” cả trời luôn dù đang ở trong nhà. “Ôn” khoát tay nói tiếp, nữ ở trong này, hai phòng của nhà cũ cũng được 6 chị! Còn nam thì treo võng trong căn nhà đang làm, đã chuẩn bị sẵn hơn 20... cây cột để các bạn treo võng. “Thế cho nên hỏi cụ thể để hối thợ làm nhanh chiều này các ông lên thì có sẵn chỗ để nghỉ ngơi”. Tôi bỗng nghĩ đến chuyện chuẩn bị lán trại của bộ đội hồi... chiến tranh! Mà thiệt, nếu theo kế hoạch thì khi lên đây mọi thứ đã đâu vào đấy, cứ như “ôn” làm nhà để đón mấy anh em văn sĩ vậy! Tối, mắc võng ở đây ngắm trăng hay xúm nhau đàn hát thì còn gì bằng! Lại càng thêm tiếc cho một chương trình bị thất bại bởi các nguyên do không đâu vào đâu. “Ôn” tiếp chúng tôi ngay chiếc bàn tre đặt giữa nhà bằng một rổ sắn luộc sẵn. “Bữa trưa của mình đấy! Cúp điện mà, nấu cơm không được!”. Câu nói nhẹ không. Ra là lão đã nhẹ lòng tục lắm rồi, rất khác cái hồi bọn tôi ghé thăm lần trước.
Rủ rỉ một hồi rồi cũng nhận ra “ôn” làm gì trong những ngày qua. Rải rác các bài báo, các công trình nghiên cứu từ nam ra bắc, trong nước ngoài nước, cái thì trùng tu cái thì phát hiện hay nghiên cứu về các kiến trúc thời trước. Được mời đi thiết kế xây dựng những căn nhà độc đáo mang đậm phong cách Nguyễn Thượng Hỷ ở nơi này nơi kia. “Ôn” khoe vừa đi dự một chuyên đề về mỹ thuật ở Tây Nguyên tuần trước. Hôm qua là hội thảo về trùng tu Chùa Cầu Hội An. Hỏi “ôn” nhận định thế nào về việc hạ giải Chùa Cầu, bởi nhiều người phản đối lắm, chỉ sợ biến kiến trúc hằng mấy trăm năm thành kiến trúc một năm. Giọng “ôn” nhỏ nhẹ, đã đến lúc phải tính cho Chùa Cầu thôi, xuống cấp hết mức rồi, vả lại bây giờ kỹ thuật phục chế đã có nhiều tiến bộ. Ra là ôn có vẻ thuận với việc hạ giải Chùa Cầu. Tôi thì không muốn thế nhưng biết làm sao. Phía sau là phòng vẽ, treo la liệt tranh của “ôn”, có tranh đang vẽ dở dang. Nhà “ôn” không wifi, không tivi nhưng vẫn gần gũi với “bên ngoài”. “Ôn” còn khoe mấy cuốn sách dịch mới săn được, thứ mà dân văn học chúng tôi rất cần nhưng chưa kịp sở hữu nó, vì nhiều lý do. Hóa ra “ôn” vẫn đi rất sát tình hình văn hóa văn nghệ cả nước, với không wifi, không tivi như ý tưởng của “ôn” khi quyết định mở homestay ngay tại đây. “Người ta muốn thật sự tách rời cuộc sống xô bồ, thật sự hòa cùng thiên nhiên, để rồi xem, ông ạ. Tháng sau, mùa trăng, cố gắng đưa anh em lên nhé”.
LÊ TRÂM