Ai nhầm?

NGUYỄN THIỆN TRUNG 17/04/2016 10:03

Có người ra điều sành điệu về giới thực vật đã “chê” thi hào Nguyễn Du là… dốt ở cái khoản kiến thức về... cây cỏ. Họ dẫn trưng rằng, câu thơ hải đường lả ngọn đông lân là sai bét. Bởi, theo họ (với một lô một lốc những thuật ngữ La tinh rằng-thì-là), hải đường là loại cây thân cứng, không thể “lả” theo chiều gió đặng. Cũng có người “hài tội” thêm rằng, thi hào của dân tộc “kém quá” khi vẽ nên cảnh sắc tuyệt vời của mùa xuân qua những câu thơ như: Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; bởi theo họ, giở lịch ra, thời điểm mà thi hào mô tả là vào khoảng đầu tháng ba âm lịch, mà lúc đó ở miền Bắc thì trời còn mưa phùn buốt lạnh, còn ở Nam Bộ nóng bức cao điểm. Do đó, cỏ sẽ úa vàng thay vì xanh rờn; và chim én thì sẽ “chịu chết” trong tổ hoặc đã bay về miền đất ấm rồi, chứ có làm sao mà đưa thoi cho được?

Nguyễn Du đã nhầm chăng?

Xin thưa ngay: Thi hào không nhầm, mà chính là... bé cái nhầm! Đơn giản thôi, bởi vì điều trước tiên cần lưu ý khi đọc Đoạn trường tân thanh, ấy là bối cảnh của câu chuyện về cuộc đời lưu lạc truân chuyên của nàng Kiều không phải ở Việt Nam, mà là xứ Trung Hoa cổ. Bởi, giở dược điển ra, sẽ thấy ngay rằng ở xứ sở của mấy ông “con Trời”, có loại cây hải đường thân mềm, không giống như loại hải đường thân gỗ cứng ở Việt Nam, nên, rõ-ràng-ràng rằng, nó có thể “lả lơi” với ngọn gió đông tình tứ.

Còn chuyện “trách móc” của ai đó qua bốn câu thơ trích dẫn ở đoạn trên, thì chỉ xin nói ngắn gọn thôi. Ấy là, hãy phân biệt giùm cho sự khác nhau giữa mùa khí hậu và mùa niên lịch: mùa xuân trong thơ Nguyễn Du hoàn toàn phù hợp với mùa khí hậu trên xứ sở của Thanh Tâm tài nhân.

Vậy là, có thể… “nói túm lại”, rằng, ai đó làm ra vẻ uyên bác, hóa ra, lại chỉ tổ phơi  bày ra cái sự “biết một mà chẳng biết hai” của kẻ… ngồi đáy giếng, lại còn dám múa may trước kiến văn rộng lớn của đại thi hào dân tộc!

NGUYỄN THIỆN TRUNG

NGUYỄN THIỆN TRUNG