Nhà văn... xử kiện
Sự việc bắt đầu từ chuyện ông nhà văn kiêm nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại xuất bản cuốn sách “Hàn Mặc Tử - thân thế và sự nghiệp” vào năm 1942 tại Huế, hai năm sau ngày thi sĩ Hàn Mặc Tử qua đời. Trong cuốn sách, ông Trần Thanh Mại cho công bố khá nhiều tác phẩm của Hàn thi sĩ, nhất là những tác phẩm chưa xuất bản. Vậy mà, ông “không thèm” hỏi ý kiến hoặc xin phép thân nhân của tác giả.
Bên nguyên đơn là một người anh của cố thi sĩ, ông Nguyễn Bá Hiến. Bên bị, tất nhiên là nhà phê bình họ Trần. Tại phiên tòa, còn có mặt một số nhà thơ, nhà văn có tên tuổi thời ấy và các nhân chứng, tất nhiên. Phiên tòa mở vào mùa đông năm Nhâm Ngọ (1942) tại tòa án phủ doãn Thừa Thiên (Huế).
Thấy sự việc liên quan đến giới văn chương, biết rằng, nếu không “cẩn thận” sẽ dễ bị “gây ảnh hưởng”; cộng thêm việc có một nhà văn cũng có tên tuổi là Nguyễn Tiến Lãng, ông phủ doãn mới “giao quách” cho ông Nguyễn Tiến Lãng đứng ra phán quyết. Thế là, một cây bút chủ công của tờ Nam Phong tạp chí phải đăng đàn xét xử.
Sau khi nghe hai bên trình bày sự việc, nhà văn - quan tòa Nguyễn Tiến Lãng bèn căn cứ vào luật pháp và xét đoán của bản thân mà kết luận. Rằng, chưa có sắc luật nào quy định việc giới thiệu những sáng tác của người khác là… ăn cắp. (Vì, lấy của người làm của riêng mình mới gọi là ăn cắp). Tuy nhiên, việc nhà phê bình trích dẫn thơ văn của Hàn Mặc Tử trong cuốn sách là quá nhiều (khoảng 1/5 tổng số trang của tập sách) mà không xin phép thân nhân của cố thi sĩ là điều... không nên làm. Ấy tuy nhiên, chính nhờ quyển sách của nhà phê bình Trần Thanh Mại (đang bán rất chạy) mà xã hội càng biết đến tài năng của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh (nhất là những tác phẩm chưa xuất bản, rất có thể bị mai một nếu không được sưu tầm, quảng bá). Vậy nên, vừa có công, vừa có... sai sót, tòa xử như sau: ông Trần Thanh Mại phải trích một phần lãi của cuốn sách cho phía thân nhân của nhà thơ; và đề nghị hai bên... bắt tay hòa giải.
Người dự phiên tòa ngày ấy và cả… chúng ta ngày nay, hẳn phải… gật gù trước cách xét xử ấy: Quả xứng là ông quan tòa - nhà văn. Bởi, sự phán xử vừa hợp lý, hợp tình, đạt được cái mục đích tối thượng của luật pháp là đem lại sự an bình cho xã hội. Chợt “liên hệ” đến những vụ tranh chấp gần đây như hãng băng nọ “thuổng” tác phẩm của nhạc sĩ kia để hốt bạc tỉ, chuyện tác giả này “đạo” của tác giả kia… thì dễ “buồn thay, buồn thay” quá! Vì, chẳng có chút “sĩ” nào cả. Chao ôi, cái DANH (hão), và nhất là cái hơi ĐỒNG đã làm ô nhiễm nặng nề một lĩnh vực vốn vẫn được xã hội xem là “thánh địa”: lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật ?!
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT